Hy vọng bứt phá nhờ công nghệ số

Cho đến hai năm trước, anh James Kinyua chỉ có cách gọi cho thú y mỗi khi bò ốm, rồi sau đó phải đợi khoảng hai ngày và chi phí hết 1.000 shilling (tám bảng), để lấy đơn thuốc hoặc phải đoán mò. Nhưng vào tháng tư năm ngoái khi bê bị ốm, anh James chỉ cần dùng điện thoại sử dụng Wefarm, một mạng lưới của những nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

Máy bay không người lái đã được sử dụng ở châu Phi để phun thuốc trừ sâu và kiểm tra tình trạng cây trồng.
Máy bay không người lái đã được sử dụng ở châu Phi để phun thuốc trừ sâu và kiểm tra tình trạng cây trồng.

“Nó bị tiêu chảy ra máu, tôi biết rằng nếu tôi không chữa trị nó sẽ chết”, người nông dân 47 tuổi sống dựa vào trang trại rộng nửa acre giữ gìn vô cùng sạch sẽ ở Kirinyaga, một vùng xanh tươi trên triền dốc núi Kenya nói. Gửi câu hỏi lên mạng, không lâu sau anh nhận được câu trả lời từ những nông dân khắp nơi với tên các loại thuốc anh cần. Từ khi tham gia mạng lưới này, James dành nửa giờ mỗi ngày trên Wefarm, vừa hỏi vừa trả lời câu hỏi. Thông tin và lời khuyên anh nhận được từ những nông dân khác đã giúp anh kiếm đủ tiền để cho bọn trẻ đi học: “Rất hay khi bạn nhận được câu trả lời nhanh chóng”.

Một tin nhắn giản dị nhưng thông tin hữu ích có thể tới rất nhiều nơi trên châu lục này. Ông Kenny Ewan, CEO Wefarm trụ sở ở London nói: “Hầu hết nông dân không được tiếp cận với Internet, nội dung lại không liên quan đến điều họ cần và được viết cho người đọc phương Tây. Wefarm cung cấp thông tin từ quan điểm người châu Phi”.

Dân số của lục địa đen bùng nổ dẫn đến nhu cầu lương thực tăng nhanh. Sản lượng thì nhích lên chậm chạp từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng dân số đã gấp đôi trong vòng ba thập niên qua. Mặt khác, 80% lương thực của lục địa này được sản xuất bởi những hộ quy mô nhỏ, hầu hết chỉ sở hữu khoảng một, hai héc-ta đất, canh tác không có phân bón, không có giống sản lượng cao và không có hệ thống thủy lợi. Họ chỉ dựa vào sự may mắn của thiên nhiên với đầu tư vào nông nghiệp nhỏ giọt từ các chính phủ. Dù tiểu vùng Sahara châu Phi chiếm tới một nửa diện tích đất vẫn chưa được canh tác trên thế giới thì phần lớn không có hệ thống tưới tiêu và một vùng rộng lớn không thể lui tới do các cuộc xung đột. Kết quả là sản lượng ở châu Phi chỉ bằng 1/4 trung bình của thế giới và tụt hậu sau châu Á.

Cách mạng kỹ thuật số đang mang lại hy vọng cho nông dân châu Phi. Ông Ousmane Badiane, Giám đốc châu Phi ở Viện Nghiên cứu chính sách lương thực nói: “Châu Phi phải đối mặt với vấn đề nghèo, đói và suy dinh dưỡng. Chúng ta không thể chờ đợi để giải quyết vấn đề và không có tiền để làm theo cách truyền thống. Công nghệ số cho phép chúng ta vượt qua các trở ngại nhanh hơn với chi phí thấp hơn”.

Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại di động khắp lục địa đen đang tiếp thêm sức sống cho sự khởi đầu của một cuộc cách mạng nông nghiệp hứa hẹn vượt qua những cách biệt về địa lý, kinh tế và xã hội của những hộ nông dân nhỏ vùng nông thôn và cung cấp cho họ thông tin và dịch vụ mà họ đang mong mỏi. Một báo cáo gần đây cho thấy trong gần 400 công nghệ nông nghiệp số, các giải pháp được sử dụng ở châu Phi, khá nhiều trong số đó là dành cho điện thoại di động. Điều này bao gồm những nền tảng công nghệ số cho phép nông dân đặt hàng hạt giống và phân bón qua tin nhắn, xem video về công nghệ canh tác mới, lấy thông tin thời tiết và giá cả thị trường và thậm phí phân tích đất để xem hợp với loại phân bón nào, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm... Gần 1/4 có trụ sở ở Kenya - nơi cuộc cách mạng tiền điện tử trên thuê bao di động M-Pesa (mobile money) mang lại thái độ thân thiện với công nghệ của đất nước này và cơ sở hạ tầng ICT.

Con số nông dân đăng ký dịch vụ số đã tăng từ 40 đến 45% mỗi năm trong ba năm qua. Lợi nhuận hằng năm từ nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật số ước tính đạt 140 triệu USD. Dịch vụ được cung cấp chưa nhiều nhưng các nhà cung cấp ngày càng tăng nhờ thu được phí từ dịch vụ. Nhưng thành công số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ được đánh giá bằng giá trị kinh tế. Lợi ích của nó phải được nhìn nhận thực tế bởi những nông dân sản xuất nhỏ và dân số nông thôn.

Tạo nên một doanh nghiệp khả thi từ một thị trường không muốn rủi ro và vụn vặt của những hộ nông dân nhỏ rất khó khăn, nhưng một số công ty đã có những khởi đầu đáng ghi nhận. Twiga Foods đã giải quyết được vấn đề tiếp cận thị trường bằng cách sử dụng công nghệ nhằm kết nối nông dân ở vùng nông thôn với những nhà buôn bán nhỏ trong và quanh Nairobi. Theo ông Grant Brooke, người đồng sáng lập công ty, mục đích là tạo cho người nông dân một thị trường đáng tin cậy. “Nếu chúng ta có thể kết hợp năng lực mua bán ở các thành phố châu Phi, sẽ có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền nhằm ổn định thị trường nông nghiệp cho nông dân châu Phi”- ông nói.

Từ khi thành lập năm 2014, Twiga Foods đã trưởng thành từ một doanh nghiệp nhỏ với hai tấn chuối tới một công ty cung cấp cho 2.500 người bán lẻ với hơn 1.000 tấn sản phẩm tươi một ngày. Anh Raphael Taraiya, người trồng cà chua và dưa hấu ở Makueni, một quận bán khô cằn cách Nairobi vài giờ lái xe, là một trong số 17.000 nông dân trên Twiga. “Người môi giới trả giá thấp nhưng tôi buộc phải đồng ý bởi tôi không có phương tiện để đưa nông sản tới chợ và chúng sẽ hỏng trong vài ngày”, anh nói. Twiga giúp anh giải quyết điều này khi thu mua 90% nông sản anh có.

Tuy vậy, vấn đề là những hộ nông dân nhỏ đó đang ở cuối dây chuyền kém hiệu quả trong thời gian dài với nhiều kết nối bị đứt gãy như cô Leesa Shrader, chuyên gia kỹ thuật số tại tổ chức phi chính phủ Mercy Corps phân tích. “Không có dịch vụ đơn lẻ nào làm được mọi thứ mà một nông dân cần, vì thế bạn có thể cho họ vay vốn nhưng nếu họ không có đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hay tiếp cận với một thị trường tốt, khoản vay cũng chẳng làm được gì. Họ có thể gánh thêm nợ nần và lún sâu hơn vào đói nghèo”, cô Shrader cảnh báo. Để giải quyết điều này có các giải pháp như Digifarm, một nền tảng kỹ thuật số di động cho các hộ nông dân nhỏ, với các dịch vụ gói như: đào tạo kỹ năng, cho vay, bảo hiểm, tiếp cận người mua trong “cửa hàng một điểm đến”. Mất mùa vì hạn hán nên cô Theresia Muoti Yelo ở Makueni không thu hoạch được gì từ hạt giống mua ở Digifarm, nhưng cô tin tưởng bảo hiểm vụ mùa giúp cô vượt qua khó khăn này.

Tuy nhiên công nghệ số cũng không thể thay thế những đầu tư của chính phủ trong nhiều việc như nông dân có chứng nhận ruộng đất, tỷ lệ biết chữ và truyền thông hay một lĩnh vực quan trọng khác là nghiên cứu nông nghiệp... Taita Ngetich là một trong số các doanh nghiệp Kenya giúp giành cho đất nước danh hiệu “silicon Savannah”(chỉ hệ sinh thái công nghệ của Kenya). Là CEO của Illuminum Greenhouses, một công ty tự động hóa việc tưới tiêu sử dụng cảm biến bằng năng lượng mặt trời có thể được điều khiển bằng nông dân từ di động của họ, anh Ngetich đã đánh cược vào công nghệ nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp trẻ cũng rất thực tế về giới hạn của công nghệ: “Bạn cần đường, điện, cơ sở hạ tầng cơ bản. Ngay cả nếu bạn có một ứng dụng có thể kết nối mọi người với thị trường, nếu nông dân không thể đưa sản phẩm tới chỗ mua bán thì điều đó cũng vô nghĩa”. Dù Kenya phát triển nhanh hơn nhiều nước tiểu Sahara châu Phi khác và là một trong những nước đi đầu về công nghệ, chỉ có 44% dân số sống cách đường hai cây số và có thể đi trong mùa mưa.

Công nghệ không phải là phương thuốc trị bách bệnh và “các chính phủ châu Phi đã từng lo ngại về việc châu Phi bị bỏ lại trong cuộc cách mạng ICT. Nhưng trong tất cả những lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ chính, đó là điểm châu Phi ngang hàng với phần còn lại của thế giới. Đây chính là cơ hội để nông nghiệp châu Phi thay đổi và bứt phá”.

Hy vọng bứt phá nhờ công nghệ số ảnh 1

Trong 13 năm qua, số lượng người dùng internet ở châu Phi đã tăng gấp 10 lần.