Hikikomori - “căn bệnh” của xã hội hiện đại

Những người tự giam mình trong nhà và không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình liên tục trong vòng sáu tháng được chính phủ Nhật gọi là hikikomori. Theo ước tính của các chuyên gia số lượng hikikomori hiện tại có thể lên tới hơn một triệu người, trong đó có đến 20% hoàn toàn ngắt kết nối với cộng đồng từ ba tới năm năm.

Căn phòng của một hikikomori.
Căn phòng của một hikikomori.

Không chịu nổi áp lực cuộc sống

Hayashi Kyoko trở nên sống khép kín khi hiệu trưởng trường trung học của cô nói về kỳ thi vào đại học ngay ngày đầu tiên tới trường. “Cuộc sống trung học vui vẻ mà tôi mong đợi đã biến thành không gì hơn là một giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Điều đó gây sốc với tôi. Tôi cảm thấy mình không thuộc về hệ thống giáo dục cứng nhắc này. Cảm giác này ngày càng bộc lộ rõ ràng bằng những biểu hiện về mặt thể chất, và tôi ngừng đến trường”. Khi lớn hơn, cô bắt đầu làm việc bán thời gian và đối mặt với những chỉ trích từ mẹ mình. Kyoko nói rằng bà đã “chạm tới giới hạn của cô”, sau đó cô không thể tiếp tục ra khỏi nhà và gặp gỡ mọi người nữa. “Tất cả điều tôi có thể làm là dậy vào giữa trưa, ăn, bài tiết và thở. Tôi cứ như một xác chết vậy. Tôi luôn đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy cuộc đời như vô nghĩa. Tôi cảm thấy tức giận mà không biết hướng vào đâu và luôn kiệt sức”.

Kyoko không phải là trường hợp cá biệt mà chỉ là một trong hơn một triệu hikikomori ở Nhật Bản, thuật ngữ để chỉ những người sống cô lập tránh khỏi mọi tiếp xúc xã hội. Biểu hiện của họ rất đa dạng, có người chẳng đủ sức để rời giường. Người khác chịu những rối loạn ám ảnh cưỡng chế như tắm vài lần một ngày hay cọ rửa phòng tắm hàng giờ liền. Có người chơi videogame suốt ngày đêm...

Giáo sư Jeff Kingston nghiên cứu châu Á tại đại học Temple ở Tokyo cho biết: Phần lớn trong số họ là nam giới, thường sống ở nhà với bố mẹ - người chăm sóc họ. Họ hiếm khi ra khỏi phòng hoặc nhà và giới hạn mọi tiếp xúc trong thế giới ảo. Hikikomori thường cảm thấy áp lực trước những kỳ vọng đặt vào họ trong học tập hay công việc khiến họ không chịu đựng nổi. Tình trạng này vốn được xem như gắn liền với văn hóa Nhật Bản. Theo giáo sư tâm thần học tại Đại học Kyushu ở Fukuoka Takahiro Kato, người vừa nghiên cứu và chữa trị hikikomori: Những quy tắc xã hội cứng nhắc, kỳ vọng lớn từ cha mẹ và văn hóa xấu hổ khiến xã hội Nhật trở thành môi trường thuận lợi cho cảm giác về sự kém cỏi của bản thân và mong muốn sống yên ổn.

Tại trung tâm hỗ trợ hikikomori của thành phố Fukuoka, anh Haru 34 tuổi nói, ở trường học mọi người đều có chung ý kiến, nếu ai đó nói gì khác họ sẽ bị loại ra. Sống theo kỳ vọng ở xã hội Nhật Bản cũng ngày càng khó khăn. Sự trì trệ về kinh tế và toàn cầu hóa khiến truyền thống tôn ti và chủ nghĩa tập thể xung đột với quan điểm cá nhân và sự cạnh tranh của phương Tây. Mặt khác cha mẹ người Nhật cảm thấy có trách nhiệm lớn phải chăm sóc con mình dù thế nào đi nữa và nỗi xấu hổ ngăn họ tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài, giáo sư Kato nói.

Có nhiều yếu tố kết hợp với nhau để gây nên tình trạng này. Một trong những yếu tố thường xuyên được đề cập là vai trò của công nghệ như Internet, truyền thông xã hội và videogame. Nhiều hikikomori thường xuyên sử dụng internet, chơi videogame và giao tiếp chủ yếu qua mạng. Ông Tae Young Choi, một bác sĩ nhi khoa và nhà nghiên cứu tại Đại học Catholic của Daegu (Hàn Quốc) cho rằng, công nghệ không nhất thiết gây nên sự xa lánh cộng đồng nhưng nó có thể làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Internet, điện thoại thông minh và truyền thông xã hội khiến những mối liên hệ gián tiếp trở nên phổ biến hơn những mối liên hệ trực tiếp. Nó bất lợi cho sự phát triển của thanh thiếu niên, khiến chúng kém bền bỉ và thành thục hơn trong những mối quan hệ ngoài đời thực.

Nhật Bản đang phải đương đầu với tình trạng dân số già và sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động. Hikikomori đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế bởi không chỉ làm giảm lực lượng lao động đang rất cần thiết ở Nhật Bản, họ cũng không thể tự nuôi sống bản thân. Khi gia đình không tiếp tục chu cấp cho họ được nữa họ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, quan niệm trước đây hikikomori chủ yếu là lớp trẻ đã lỗi thời. Trong khảo sát mới đây của chính phủ Nhật, số người cao tuổi hơn (40-64 tuổi) là hikikomori lớn hơn số người trẻ, họ cũng sống cô lập trong thời gian dài hơn, từ vài năm cho đến vài chục năm nhất là sau khi về hưu. Điều này theo Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, có thể trở thành một “vấn đề xã hội mới” ở Nhật. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối năm 2016 thông báo một kế hoạch thành lập những trung tâm tư vấn và có nhân viên hỗ trợ các hikikomori tại nhà để giải quyết tình trạng này.

Vốn được coi là chỉ có ở Nhật Bản, nhưng những năm gần đây những trường hợp như vậy đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Hàn Quốc, một phân tích năm 2005 cho thấy đã có 33 nghìn người trưởng thành rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội (chiếm 0,3% dân số) và ở Hồng Công (Trung Quốc), một khảo sát năm 2014 đưa ra con số 1,9% dân số sống như những người ẩn dật. Các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp... cũng đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại này, đòi hỏi sự nghiên cứu và có những biện pháp kịp thời.

Mối quan ngại về tình trạng sống cô đơn ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu. Năm ngoái, Anh đã bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên phụ trách vấn đề cô đơn và dữ liệu gần đây của Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy khoảng 10% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi được cho là “thường xuyên” cảm thấy cô đơn.

Vất vả tái hòa nhập cộng đồng

Cô Kyoko đã tái hòa nhập xã hội khoảng 10 năm trước. Cô đã suýt tự vẫn sau đó gặp được một bác sĩ tâm lý và bắt đầu nói chuyện với những hikikomori khác. Ở tuổi 40, cô bắt đầu quản lý một nhóm chuyên giúp đỡ hikikomori ở Yokohama, nơi cô sống. New Start, một tổ chức phi lợi nhuận cố giúp hikikomori bằng cách tiếp xúc và đưa họ tới trung tâm cộng đồng để cùng sinh hoạt với những hikikomori khác, cho họ trải nghiệm công việc và tạo lập quan hệ xã hội. New Start có một chương trình gọi là “Rental Sister”, trong đó các tình nguyện viên (được trả phí) đến thăm các hikikomori tại nhà, trò chuyện, lắng nghe, lôi kéo họ trở lại cuộc sống đời thường. Điều này vô cùng khó khăn bởi hầu hết các hikikomori hoàn toàn bất hợp tác và khước từ mọi tiếp xúc. Phải mất từ một tới hai năm để có thể tiếp xúc và đưa họ ra khỏi phòng nếu suôn sẻ và đó mới chỉ là bước đầu tiên.

Anh Shiichiro Matsuguma, một nghiên cứu sinh tại Trường đại học Y Keio, chuyên gia về tâm lý tích cực đã gây dựng một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phục hồi cho các bệnh nhân gọi là Streng Association. Sử dụng nguyên tắc tâm lý tích cực tập trung vào điểm mạnh hơn là thói xấu, anh hướng dẫn khách hàng (phần lớn chơi videogames) thảo luận phong cách chơi làm động lực nhằm nhận diện những điểm mạnh như tinh thần làm việc nhóm, chiến lược, hay sự lãnh đạo. Xây dựng thế mạnh này cải thiện lòng tin vào bản thân nhưng cũng có thể hướng bệnh nhân vào con đường tốt nhất để trở lại xã hội. Anh cho biết 80% đã đi những bước đầu tiên tái hòa nhập như trở lại trường, học đại học hay lớp học nghề.

Các chuyên gia đồng ý rằng không cách nào có thể thay thế cho việc tiếp xúc xã hội trực tiếp. Vì vậy những trung tâm giúp đỡ như New Start có thể xem là cách thức khá hiệu quả bởi nó cung cấp một nơi an toàn cho những người trên con đường hồi phục gặp gỡ những người khác giống họ và học lại những kỹ năng xã hội bị hao mòn. Nhưng việc mỗi ca một khác khiến việc chữa trị rất khó khăn và chậm chạp, tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Chị Ayako Oguri, một người đã có kinh nghiệm 10 năm làm “Rental Sister” cho biết, có những người sau khi đến trung tâm đã trở lại với cuộc sống bình thường nhưng cũng có những người chỉ một thời gian ngắn là quay lại lối sống tách biệt cũ.

Giáo sư tâm lý Kingston hy vọng càng có nhiều phương pháp tiếp cận đa dạng sẽ càng thúc đẩy nhiều hikikomori đi tìm kiếm sự giúp đỡ, học cách giải quyết vấn đề để họ có thể sống một cuộc sống đầy đủ hơn.

Hikikomori - “căn bệnh” của xã hội hiện đại ảnh 1

Một hoạt động ở New start giúp các hikikomori tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: MAIKA ELAN