Gắn kết, thích ứng bối cảnh mới

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa khép lại, đánh dấu một năm Hiệp hội đoàn kết, hợp tác ứng phó và vượt qua vô vàn thách thức phức tạp, đồng thời ghi đậm dấu ấn Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” phản ánh sự lựa chọn của ASEAN phù hợp thời cuộc và là minh chứng sinh động cho tinh thần sáng tạo, chủ động và khả năng điều phối, dẫn dắt của Việt Nam trong những nỗ lực chung của khu vực.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Ảnh: QUANG MINH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Ảnh: QUANG MINH

Đậm dấu ấn Chủ tịch ASEAN năm 2020

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan là kỳ hội nghị đỉnh cao trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị được tổ chức trực tuyến, song không hề giảm quy mô và tầm quan trọng bậc nhất của một kỳ hội nghị tổng kết, thể hiện qua những thành tựu nổi bật, cả trong hợp tác nội khối, lẫn quan hệ với các đối tác. Trong đó, điểm sáng nhất là “nỗ lực kép” của các nước thành viên, với vai trò điều phối của Việt Nam, giúp ASEAN hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa duy trì đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng, vừa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19.

Nhìn lại bối cảnh khu vực và thế giới trong gần một năm đầy thử thách, mới thấy rõ nỗ lực bền bỉ của ASEAN. Làn sóng Covid-19 khó lường làm trầm trọng thêm nhiều thách thức vốn rất phức tạp. Cạnh tranh chiến lược gia tăng, nhằm xác lập cấu trúc và tập hợp lực lượng mới, tác động mạnh các nước trong khu vực. Ở Đông - Nam Á, một số điểm nóng an ninh chưa hạ nhiệt... Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết và thống nhất, duy trì hợp tác ứng phó thách thức đa chiều từ khủng hoảng dịch bệnh, đồng thời tiếp tục củng cố và phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực.

Đến nay, ASEAN cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020; các sáng kiến, đề xuất ưu tiên của nước Chủ tịch ASEAN đều tiến triển đúng lộ trình, như hoàn tất kiểm điểm giữa kỳ triển khai các kế hoạch tổng thể về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và rà soát thực hiện Hiến chương ASEAN. Đây là cơ sở quan trọng để ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn và xây dựng định hướng phát triển sau năm 2025. Khung phục hồi tổng thể và Kế hoạch triển khai đã được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua, cùng một loạt văn kiện quan trọng khác liên quan ứng phó Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, như Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư và Quy trình chuẩn ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp...

Thành tựu chung của ASEAN ghi đậm dấu ấn nỗ lực của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020, nổi bật nhất là sự chủ động trong việc dẫn dắt, điều phối hợp tác ứng phó thành công dịch Covid-19, với một loạt bước đi kịp thời và quyết liệt. Ngay khi dịch bùng phát, Việt Nam chủ động kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, đưa ASEAN trở thành khu vực có hành động chung sớm nhất, hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch lây lan. Việt Nam chủ động ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và phối hợp các đối tác khác, như Liên hợp quốc, EU, Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc chỉ dẫn và hợp tác phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, Việt Nam đã linh hoạt tổ chức các hội nghị, sự kiện của ASEAN theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự chủ động và thích ứng của ASEAN phù hợp bối cảnh nhiều thách thức... Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam được các nước thành viên và đối tác của ASEAN đánh giá là hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm ứng phó hiệu quả dịch bệnh, vừa thúc đẩy hợp tác, triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng.

Đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm

Những kết quả trong “mục tiêu kép” của ASEAN xuất phát từ sự đoàn kết, thống nhất và kiên trì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển, đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế biến chuyển nhanh và phức tạp, cạnh tranh gia tăng, sự gắn kết nội khối và mở rộng quan hệ đối tác càng làm nổi bật vị thế quốc tế và ASEAN. Cùng những dự án hợp tác nội khối, ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt các tiến trình đối thoại, hợp tác sâu rộng vì mục tiêu phát triển bền vững; gắn kết các đối tác trong các vấn đề quan tâm và lợi ích chung, cùng ứng phó hiệu quả thách thức trong bối cảnh mới. Việc ASEAN thúc đẩy sáng kiến và nỗ lực phối hợp đối tác nhằm kiểm soát dịch bệnh, hướng tới phục hồi kinh tế bền vững là minh chứng sinh động cho vai trò tích cực, chủ động của ASEAN. Việc Cuba, Nam Phi và Colombia chính thức ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), văn kiện nền tảng của ASEAN và có ý nghĩa quan trọng với Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN, càng tô đậm vị thế của ASEAN trong hợp tác vì hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.

Đóng góp lớn nhất của ASEAN chính là cam kết duy trì hòa bình và ổn định, điều này đưa ASEAN vào vị trí trung tâm của cấu trúc khu vực, nhất là các thể chế và đối thoại đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lập trường mang tính nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung đó là đề cao vai trò và tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, phù hợp luật pháp quốc tế. Quan điểm nhất quán này giúp đưa ASEAN vào vị trí trung tâm, dẫn dắt các cơ chế đối thoại, hợp tác trong khu vực. Một loạt tuyên bố tại kỳ Hội nghị cấp cao vừa qua, từ các nhà lãnh đạo đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... đều khẳng định ủng hộ đoàn kết, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, coi ASEAN là đối tác quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và cả trong sáng kiến đang hình thành là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Với dân số hơn 650 triệu người và tổng GDP đạt hơn 3.100 tỷ USD (năm 2019), đứng thứ 6 thế giới và được dự báo trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới, ASEAN là một trong những trung tâm phát triển năng động bậc nhất thế giới, với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5%/năm duy trì nhiều năm qua. ASEAN là khối xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới, với khoảng 7% giá trị xuất khẩu toàn cầu. Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng và tiến trình đô thị hóa nhanh, ASEAN cũng là đối tác kinh tế quan trọng và là vùng ưu tiên của giới đầu tư quốc tế, khi chiếm khoảng 7% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức ra mắt tại kỳ hội nghị vừa qua là thành quả lớn, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế ở khu vực. Với các cam kết mạnh và toàn diện, nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn hàng đầu trên thế giới, RCEP được coi là văn kiện thiết lập tiêu chuẩn thương mại khu vực, trở thành chuẩn mực, tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại khu vực trong tương lai. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là xung đột thương mại xảy ra trên thế giới, RCEP ra đời tạo lực đẩy đúng lúc cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu. Được ký kết trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, RCEP làm nổi bật dấu ấn Việt Nam trong các dự án hợp tác, các tiến trình liên kết, gắn kết khu vực.

Kết quả kỳ Hội nghị cấp cao lần thứ 37 làm nổi bật những nỗ lực chung của ASEAN trong duy trì đoàn kết, thống nhất; tô đậm thêm hình ảnh Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, vững vàng vượt qua thách thức; giữ vững vai trò trung tâm và vị thế ở khu vực và trên thế giới; tiếp tục đẩy mạnh gắn kết nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.