Đô Giang Yển - Kỳ quan trị thủy thời cổ đại

Hơn 2200 năm trước, một công trình thủy lợi kỳ vĩ đã hiện diện trên dòng Mân Giang và khiến con sông hung hãn, luôn gầm gào dọa dẫm phải cúi đầu khuất phục. Đến nay, kỳ quan trị thủy được coi là lâu đời nhất trên thế giới này vẫn vận hành trơn tru, mang lại mầu xanh trù phú cùng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cho cả một vùng rộng lớn của tỉnh Tứ Xuyên. Đô Giang Yển là minh chứng cho trí tuệ uyên bác của người Trung Hoa cổ đại và cho tới hôm nay vẫn là hình mẫu đáng học hỏi bởi phương thức quản lý nguồn nước “thuận tự nhiên”, mang đến lợi ích và sự phát triển hài hòa cho vạn vật.

Đô Giang Yển - Kỳ quan trị thủy thời cổ đại

Nếu có dịp đặt chân tới khu du lịch núi Thanh Thành, leo lên Mục Long Quan, phóng xa tầm mắt ôm trọn rặng núi tuyết Tây Lĩnh, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh công trình trị thủy kỳ vĩ trải ra ngút ngàn phía dưới. Hàng thiên niên kỷ đã đi qua nhưng kỳ quan này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vẫn được sử dụng để tưới tiêu cho gần 670 nghìn héc-ta đất nông nghiệp, vẫn chống ngập lụt hiệu quả và cung cấp nguồn nước quý giá cho hơn 50 huyện lỵ cũng như thành phố của tỉnh Tứ Xuyên. Ngay cả trận động đất kinh hoàng tàn phá dữ dội Tứ Xuyên năm 2008 cũng chẳng thể làm hư hại công trình này. Từ ngày có Đô Giang Yển - “dải ngân hà trên mặt đất”, Tứ Xuyên trở thành xứ “thiên phú”, được đánh giá là vùng canh tác nông nghiệp hiệu quả nhất ở Trung Quốc.

Đô Giang Yển là hệ thống thủy lợi được tạo nên bởi ba thành tố. Miệng cá để phân dòng. Phi Sa Yến để phân luồng chia lũ và xử lý đất cát. Còn Bảo Bình Khẩu chính là cửa nhập nước. Điều đáng ngạc nhiên, Lý Binh - tác giả của công trình nổi tiếng thế giới này vốn không phải là một chuyên gia cũng như một nhà khoa học. Ông chỉ là một viên quan được nhà Tần phái tới Thành Đô làm khâm sai.

Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên, lũ lụt đã trở thành cơn ác mộng không có hồi kết cho cư dân đôi bờ con sông Mân Giang. Cứ mỗi độ cuối xuân đầu hè, băng tuyết tan thành dòng nước lũ điên cuồng từ trên núi đổ xuống đồng bằng Thành Đô. Lòng sông nhỏ hẹp mà áp lực dòng chảy quá lớn nên bờ bãi bị phá tung, gây ngập úng khắp nơi. Cơn cuồng nộ của thiên nhiên qua đi để lại những bãi đất nham nhở sỏi đá chẳng thể canh tác, dân chúng khổ cực trăm bề. Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn với Lý Binh khi không thể đắp đập nơi đây, do ông được lệnh phải giữ đường thủy thông thoáng cho các tàu thuyền quân sự qua lại.

Là một vị quan yêu dân, Lý Binh chẳng thể khoanh tay đứng nhìn. Ông quyết định khảo sát thực địa, nghiên cứu địa mạo và dòng chảy để từ đó đưa ra một phương án xử lý tối ưu. Một con đê nhân tạo dẫn một phần dòng chảy đến khu vực khác, một kênh mương xuyên qua núi Ngọc Lũy để đưa dòng nước ngọt lành về tưới tắm cho vùng đồng bằng màu mỡ Thành Đô đang khô kiệt. Để con đê thành hình, ông nghĩ ra cách đan những chiếc giỏ tre dài ngoằng nhồi đầy đá tảng gọi là zhulong, những chiếc cột chống ba chân bằng gỗ gọi là macha sẽ giúp cố định các giỏ đá bên dưới lòng sông. Nhờ hệ thống đê điều đầy sáng tạo này, hệ sinh thái cùng quần thể động thực vật phong phú vẫn phát triển tự nhiên, dòng sông vẫn sống thay vì bị con đập như sống dao chặn ngang lưng bức tử.

Trở ngại lớn nhất chính là con kênh dẫn nước xuyên đồi đá Ngọc Lũy, vào cái thời thuốc súng và chất nổ còn chưa được nhân loại phát minh ra. Để phá vỡ những tảng đá, Lý Binh chọn cách kết hợp thông minh giữa lửa và nước để đốt nóng và làm lạnh đột ngột khiến bề mặt bị nứt ra rồi loại bỏ dần dần. Nhân lực và vật lực được Tần Hiếu Văn Vương đầu tư rất lớn, thế nhưng cũng phải mất tới tám năm để con kênh rộng 20 mét có thể khoan thủng lòng đồi. Kết quả, dòng nước hung dữ bị chia đôi đã biến con thủy quái Mân Giang trở thành dải lụa hiền hòa, êm đềm uốn lượn mang lại vẻ ấm no, trù phú cho cả một vùng đất mênh mông.

Nhờ Đô Giang Yển, Lý Binh đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên áp dụng phương pháp khoa học trị lý nguồn nước, dựa trên kinh nghiệm “tùy theo thực tế mà khơi dòng dẫn nước” của “Đại Vũ trị thủy” thời Vua Nghiêu, Vua Thuấn. Từ Đô Giang Yển, tư tưởng di dân, dời núi, bố trí lại địa hình để kiểm soát dòng chảy tự nhiên đã trở thành cách thức được nhiều thế hệ đi sau áp dụng. Như kênh đào nhân tạo Đại Vận Hà nối liền hai dòng sông Dương Tử - Hoàng Hà được hoàn thiện vào thời nhà Tùy trong thế kỷ thứ bảy hay hình thành những tuyến đê dài hàng trăm cây số dọc theo những con sông lớn để ngăn lũ sau này. Ngày nay vẫn có hàng trăm chuyên gia thủy lợi nước ngoài tới thăm quan Đô Giang Yển mỗi năm. Và tất cả đều bày tỏ sự kinh ngạc và lòng thán phục với một con người có trí tuệ siêu phàm đã áp dụng kiến thức khoa học để tạo nên một công trình có một không hai cho muôn đời hậu thế.

Đô Giang Yển - Kỳ quan trị thủy thời cổ đại ảnh 1

Giỏ tre đựng đầy đá hộc được giằng giữ bằng cột chống ba chân làm nên con đê nhân tạo phân dòng dẫn nước.

Trong khi những công trình hoành tráng của thời hiện đại như đập Tam Môn trên sông Hoàng Hà, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử... vẫn tiếp tục tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều về hiệu quả trị thủy cũng như độ an toàn thì Đô Giang Yển nổi lên như một “kho báu của Tứ Xuyên”, khi không chỉ bắt dòng nước dữ quy phục mà còn biến cải khu vực núi Thanh Thành thành chốn bồng lai tiên cảnh đặc biệt thu hút du khách bốn phương. Nhờ những giá trị đặc biệt đó, năm 2000, núi Thanh Thành và công trình thủy lợi Đô Giang Yển đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Tới núi Thanh Thành hôm nay, đứng ngay trên Miệng cá để nghe tiếng nước ầm ào phân dòng rồi đổ về hai hướng, ngắm cây cối xanh mướt nhiều sắc độ uốn theo thế sông dáng núi, thả bộ ngắm nhìn những công viên Ngọc Lũy, Phục Long Quan, Cầu treo An Lan... và nghĩ về cách thức chế ngự mà vẫn hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên của người xưa, tôi chợt nhận ra một điều: những gì được tạo ra hợp với lẽ Trời sẽ mang đến lợi ích và sự tồn tại hài hòa cho tất cả. Bài học mà Đô Giang Yển mang lại quả là vô giá!

Đô Giang Yển - Kỳ quan trị thủy thời cổ đại ảnh 2

Toàn cảnh kỳ quan trị thủy Đô Giang Yển.