Để Venice không còn “ngán” du khách

Du lịch bùng nổ ở Venice đe dọa sự sống còn của thành phố này. Người dân địa phương đã có nhiều sáng kiến để Venice có thể đối mặt tình trạng quá tải về du lịch, từ đó có thể là bài học cho những thành phố khác.

Thuyền chở khách tắc nghẽn ở Venice.
Thuyền chở khách tắc nghẽn ở Venice.

Cũng nguy cấp như khủng hoảng khí hậu, thành phố nổi đặc sắc này đang đối mặt với một nguy cơ hiện hữu: Làn sóng du khách ngày một tăng, ước tính 25 triệu khách/năm trong thời điểm hiện tại và có thể đạt tới 38 triệu khách vào năm 2025.

Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn

Theo Tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc, châu Âu là thị trường du lịch lớn nhất thế giới với 713 triệu khách quốc tế vào năm 2018, tăng 8% so với năm trước nữa. Trong lúc ngành du lịch mang lại lợi nhuận lớn (đóng góp tới hai tỷ euro hằng năm vào tổng thu nhập cho riêng Venice), quá tải về du lịch khiến cho những thành phố như Barcelona, Amsterdam, Dubrovnik và những nơi khác gặp vô số vấn đề như giá nhà ở, sự xuống cấp về môi trường và hủy hoại đời sống dân bản địa.

Vào năm 2016 ở Dubrovnik, người dân hết sức tức giận khi thị trưởng yêu cầu họ ở nhà để tránh khỏi những đám đông ở mức nguy hiểm từ vô số các tàu biển chở khách lên bờ. Thị trưởng mới Mato Frankovic đã cắt giảm số lượng tàu biển có thể cập bến thành phố xuống chỉ còn hai tàu một ngày, cắt giảm các cửa hàng lưu niệm 80% và cắt các chỗ ngồi nhà hàng tại các không gian công cộng 30%. Nhưng những vấn đề tương tự ở các thành phố như Palma de Mallorca, San Sebastian, Prague và Salzburg... khiến người dân địa phương đổ ra đường tham gia vào những cuộc tuần hành rầm rộ phản đối du lịch ngày càng tăng những năm qua.

Một trong những cuộc phản đối lớn nhất ở Venice năm 2016 là “No grandi navi” (không tàu lớn) khi những người dân đi thuyền nhỏ tới kênh Giudecca chặn đường đi của sáu tàu biển du lịch. Dù năm nay chính quyền đã thông báo kế hoạch thay đổi tuyến của những tàu du lịch lớn tới bến cảng mới ở Marghera (đang được xây dựng), những người tham gia chiến dịch này vẫn yêu cầu một bến cảng ở bên ngoài đầm phá Venice ở Lido, nơi trong lịch sử các tàu hàng nặng bốc dỡ hàng. Đó chỉ là một trong những cách người dân bảo vệ sự cân bằng của đầm phá và hệ thống thương mại quanh đó. Phá Venice lẽ ra đã bị phù sa bồi lấp 500 năm trước nếu không được bảo vệ một cách kỹ lưỡng bằng những can thiệp kỹ thuật tinh tế và luật lệ thương mại nghiêm ngặt. Đó chính là một dấu ấn lịch sử cho chúng ta bài học hữu ích về cách ứng xử với du lịch.

Các công dân và doanh nhân địa phương ngày nay đang chủ động đối mặt với thách thức. Họ kết hợp hành động của người dân với những sáng kiến bền vững và hữu ích về mặt xã hội nhằm cứu mảnh đất quê hương. Chẳng hạn vấn đề rác thải. Những gì mang đến Venice phải được loại bỏ thông qua một hệ thống thu gom và tái chế phức hợp. Hằng ngày một đội quân công nhân vệ sinh gõ cửa từng nhà trong thành phố, thu gom rác thải rồi vận chuyển đi trên sà-lan. Trong mùa cao điểm, những sọt rác quanh Piazza Sa Marco được đổ cứ mỗi nửa giờ.

Bức xúc vì rác thải nhựa từ hai khách sạn nhỏ của họ, gia đình ông Romanelli đã ngừng sử dụng chai nhựa tại đó và khuyến khích khách du lịch dùng những chai đựng nước bằng thép tại những vòi phun nước lịch sử ở Venice mà họ sẽ cung cấp bản đồ. Ông nói: “Chúng tôi chỉ muốn làm một vài điều tích cực cho thành phố bằng những hành động nhỏ nhoi này”.Với khoảng 50 phòng và 40 nhân viên, họ tính toán đã tiết kiệm chừng 36.000 chai nhựa một năm. Với khoảng 40.000 giường khách ở Venice, chưa nói tới rác nhà hàng và tàu biển, bạn có thể tiết kiệm hàng trăm triệu chai nhựa mỗi năm. “Con cái chúng tôi đã học điều này tại trường và tất cả chúng đều mang theo chai đựng nước, vậy tại sao chúng ta lại không làm?”- vợ ông nói.

Kết nối du khách với người dân

Hầu hết khách du lịch đều biết về Airbnb, nhưng giờ đây một sáng kiến mới cho phép chia sẻ nhà ở phi lợi nhuận qua Fairbnb sẽ khai trương vào tháng sáu này. Fairbnb là một trang web có chức năng kết nối giữa người thuê với chủ nhà, với điều kiện chủ nhà phải là người địa phương và mỗi chủ chỉ có một nhà cho thuê, 50% tiền hoa hồng sẽ được quyên tặng cho các dự án cộng đồng do dân địa phương lựa chọn. Từ năm 2015 việc khách du lịch đặt phòng qua Airbnb ở Venice đã tăng gấp ba, theo Airdna, trong đó 80% là thuê cả nhà. Ở Venice, rất nhiều nhà do các cơ quan hay nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chứ không phải người bản địa.

Những thành phố châu Âu khác cũng đang giải quyết những vấn đề tương tự. Barcelona truy tố những căn hộ không phép và bảo đảm việc tiếp cận dữ liệu của chủ nhà trên Airbnb nhằm theo dõi những người phạm lỗi. Ở Madrid, việc chia sẻ nhà giờ chỉ cho phép với những ngôi nhà có lối ra vào riêng. Palma đã cấm việc cho khách du lịch thuê căn hộ ngắn ngày trong ngôi nhà có nhiều hộ gia đình, nhưng vẫn có thể thuê nhà hoặc villa tách rời.

“Khi không có những quy định xác đáng về thị trường cho thuê nhà ở Italy, cách duy nhất để thay đổi mọi thứ là cung cấp một thị trường thay thế”, ông Emanuele dal Carlo người Venice là một trong năm người đồng sáng lập Fairbnb, nơi kêu gọi vốn cộng đồng để khởi nghiệp nói. “Chúng tôi không phản đối Airbnb, chúng tôi chỉ muốn cho thấy là có thể tạo ra một hình mẫu du lịch có lợi cho cả dân địa phương lẫn du khách”. Những người thuê nhà trên Fairbnb sẽ quyết định hỗ trợ dự án nào và được mời tới để thăm quan hoặc tham gia vào dự án. Ở Venice điều này có thể là tham gia cùng những người tình nguyện nhằm xóa grafiti bôi bẩn hay giúp đỡ chuyển đổi một xưởng tàu cũ thành một trung tâm giáo dục. Ông dal Carlo hào hứng: “Chúng tôi muốn mang lại sự kết nối giữa du khách và người bản địa đã bị mất đi. Giờ đây bạn có thể tới một điểm đến nổi tiếng ở châu Âu mà gần như không còn cơ hội gặp người địa phương nữa. Nhưng bằng cách này bạn có thể tham gia cùng họ trong những công việc hằng ngày hay thậm chí ngồi uống cùng nhau”.

Việc mất đi sự kết nối giữa người bản địa và du khách là một điều mà hai cô Valeria Duflot và Sebastian Fagarazzi đang lo ngại.Website của họ Venezia Autentica chỉ dẫn du khách trực tiếp tới các doanh nghiệp Venice từ người làm nghề in, thợ chụp ảnh, thợ khảm đến người chèo thuyền... nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương bền vững. Nguyên do là bởi hiện có quá ít các cửa hàng và nhà hàng tại đây do người Venice sở hữu.

Nhà khoa học dữ liệu Fabio Carrera tin tưởng rằng tập trung vào chất lượng cuộc sống của một thành phố là chìa khóa cho tương lai của Venice, bởi nếu một thành phố không thể giữ lại dân cư bản địa thì không có thuế du lịch nào có thể ngăn chặn được sự xuống dốc và cái chết không tránh khỏi của nó. Carrera đã dành 30 năm trong cuộc đời học thuật của ông làm việc ở Trung tâm dự án Venice. Trong thời gian đó, ông đã giám sát 250 dự án nghiên cứu các thách thức của thành phố, lập sơ đồ các cây cầu, tháp chuông, xe buýt nước. Cũng có những dự án mới sử dụng công cụ kỹ thuật số như ứng dụng giao thông thông minh, chương trình thế chấp lãi suất linh hoạt sử dụng thu nhập từ ngành du lịch để hoàn trả lại... Ông Carrera tin tưởng những ý tưởng mới mẻ sẽ tạo ra công ăn việc làm chất lượng cao thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đó chính là mục đích mà nghị viện châu Âu hướng tới với tuyên bố từ năm 2015: “ngành du lịch châu Âu phải tạo nên một sự chuyển tiếp từ hình mẫu tăng trưởng về số lượng tới hình mẫu chất lượng dẫn tới sự phát triển chắc chắn và bền vững”. Để thúc đẩy tư duy mới mẻ về vấn đề này, họ đã trao thưởng Thủ đô du lịch thông minh châu Âu 2019 cho Helsinki vì chiến lược du lịch hướng tới địa phương của thành phố dựa trên sự bền vững. Và sự thừa nhận rằng, điều khiến một thành phố hấp dẫn đối với cư dân thì sẽ hấp dẫn với khách du lịch.

Để Venice không còn “ngán” du khách ảnh 1

Ông Romanelli khuyến khích du khách sử dụng chai thép đựng nước thay cho chai nhựa.