Cuộc “trường chinh” mới

Leo thang

Quảng cáo Huawei bên ngoài một cửa hàng Apple ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Quảng cáo Huawei bên ngoài một cửa hàng Apple ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngày 2-6, Trung Quốc chính thức công bố Sách trắng nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về cuộc đàm phán kinh tế - thương mại giữa hai nước, đồng thời nêu rõ lập trường của Bắc Kinh về các cuộc đàm phán này. Sách trắng do Văn phòng Thông tin thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, trong đó khẳng định Mỹ là bên “phải chịu trách nhiệm duy nhất và hoàn toàn” vì sự đổ vỡ các cuộc đàm phán song phương, đồng thời cho rằng nguyên nhân chính là vì Washington liên tục thay đổi các yêu sách và đưa ra những cáo buộc “vô căn cứ” về những hành động của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán.

Điều này hiển nhiên trái ngược hoàn toàn với những cáo buộc từ phía Washington, được đưa ra rất sớm ngay sau khi đàm phán đổ vỡ, rằng lý do chủ yếu là do phía Trung Quốc đã “lật kèo”, thay đổi hầu hết các điều khoản đã được hai bên nhất trí trong các vòng đàm phán cam go diễn ra trước đó.

Không phải ngẫu nhiên mà Sách trắng về đàm phán kinh tế - thương mại Trung - Mỹ được công bố đúng một ngày trước khi quyết định áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ 10% lên 25% của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Đây là đòn trả đũa “mắt đền mắt, răng đền răng” của Bắc Kinh đối với chiêu tăng thuế trước đó của Washington nhằm vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Cho dù không tương xứng về mặt số lượng (do Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ ít hơn nhiều so với chiều ngược lại), thế nhưng động thái mới nhất này cho thấy Trung Quốc không dọa suông! Phải chăng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã nhích tới một điểm ngoặt khiến cho cả hai bên không thể thoái bộ được nữa?

Mục tiêu ngăn chặn

Nếu xem xét những động thái từ phía Bắc Kinh thì bề ngoài có vẻ như vậy!

Kể từ khi Mỹ chính thức công bố áp các mức thuế mới đối với số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu xem xét kỹ, những phản ứng từ phía Trung Quốc là khá chừng mực.

Trung Quốc luôn tuyên bố rằng thương chiến giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới là một tình thế “lưỡng bại câu thương”, cả hai bên tranh chấp cùng bị tổn hại mà không có bên nào được lợi cả; cách duy nhất giúp giải quyết tình thế này là thông qua đàm phán.

Thế nhưng khi Mỹ tiếp tục các động thái trừng phạt nhằm vào Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, rồi tiếp đó đưa hàng loạt công ty tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc vào tầm ngắm, thì Bắc Kinh hiểu rằng đây không còn là một cuộc chiến đơn thuần nhằm cân bằng cán cân mậu dịch thương mại nữa.

Bởi nếu chỉ để thu hẹp khoảng cách xuất nhập hàng hóa giữa hai nước, một thực tế mà không ít lần Tổng thống Donald Trump tố cáo là “bất công” đối với Mỹ, cách đơn giản hơn cả là Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ, một động thái mà Bắc Kinh chắc cũng có thể đáp ứng được phần nào nếu như nó có thể hóa giải được xung đột giữa hai bên.

Vấn đề nằm ở chỗ, Bắc Kinh nhận ra rằng mục tiêu chính của cuộc chiến này là công nghệ. Nói cho chính xác hơn, bằng việc phát động cuộc chiến chung quanh vấn đề thuế quan, Mỹ muốn nhằm tới một mục tiêu chiến lược: kiềm chế, ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, vốn được đánh giá là một trong những thách thức an ninh lớn nhất đối với Mỹ.

Những đòi hỏi của Mỹ trong các vòng đàm phán với Trung Quốc cũng xoay quanh việc buộc Bắc Kinh phải có những thay đổi căn bản về cấu trúc để không chiếm đoạt lợi thế trong cuộc đua tranh công nghệ với Mỹ. Và khi nhận ra nguy cơ mang tính sống còn đối với sự phát triển của quốc gia, Trung Quốc lập tức bác bỏ các đòi hỏi này, chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự bùng nổ của cuộc thương chiến giữa hai nước.

“Giấc mộng Trung Hoa” đụng độ giấc mơ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”

Mỹ đã có những bước đi quyết liệt với mục tiêu tối hậu là chặn đứng tham vọng của Trung Quốc muốn vượt lên Mỹ về mặt công nghệ.

Chỉ đơn cử một thí dụ về việc Mỹ nhằm vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, vốn được coi như những “động cơ” giúp cho Trung Quốc có thể bay cao với “giấc mộng Trung Hoa” đứng đầu thế giới về công nghệ. Năm ngoái, tập đoàn viễn thông Trung Hưng ZTE của Trung Quốc, chỉ đứng thứ hai sau Huawei, bị Mỹ trừng phạt với lý do vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Ngay khi Mỹ cấm các công ty cung cấp thiết bị cho ZTE đã khiến tập đoàn này gần như chết lâm sàng, ngừng toàn bộ hoạt động. Mỹ chỉ chịu “tha” cho ZTE sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp “có lời” với Tổng thống Trump, nhưng tập đoàn này vẫn phải nộp 1,4 tỷ USD tiền phạt, thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo và thực hiện các biện pháp “bảo đảm an ninh cấp độ cao”!

Nhưng đến khi Huawei trở thành đích ngắm của Mỹ thì sự việc phức tạp hơn nhiều. Trong một thời gian dài, Mỹ đã luôn đưa ra các cáo buộc cho rằng việc sử dụng những thiết bị do Huawei cung cấp có thể dấy lên mối lo ngại về mặt an ninh đối với Mỹ, điều mà Huawei luôn phủ nhận. Đến khi giới chức Canada hồi đầu tháng 12 năm ngoái, theo yêu cầu của phía Mỹ, bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, một nhân vật quan trọng của Huawei đồng thời là con gái của người đứng đầu tập đoàn Nhiệm Chính Phi, thì đó mới chỉ là phát súng mở đầu nhằm vào Huawei.

Đến trung tuần tháng 5 vừa qua, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến nguy cơ đối với công nghệ và dịch vụ thông tin và truyền thông thì đó mới chính thức là đợt tổng tấn công nhằm vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Không hề nêu tên Huawei hay bất cứ công ty nào, thế nhưng sắc lệnh này đã khiến cho hàng loạt “ông lớn” công nghệ của Mỹ cũng như thế giới “nghỉ chơi” với Huawei. Tất cả đều nhằm cắt đứt việc cung cấp những công nghệ mang tính nền tảng, những thành phần công nghệ cao cho các sản phẩm của Huawei.

Khi “Giấc mộng Trung Hoa” đụng độ với giấc mơ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tất yếu sẽ dẫn đến những va chạm mang tính sát thương cao.

Cuộc chiến không được phép thua!

Tuy vậy, Trung Quốc cũng có những vũ khí lợi hại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một chuyến đi thị sát tới tỉnh Giang Tây, nơi xuất phát điểm của cuộc Vạn lý trường chinh hồi năm 1934-1936, đưa lực lượng Hồng quân thoát khỏi sự truy đuổi của Quốc dân đảng, đã ra lời hiệu triệu về một cuộc “Vạn lý trường chinh mới”, cổ vũ người dân Trung Quốc sẵn sàng chuẩn bị tư tưởng cho một cuộc chiến thương mại dài lâu với Mỹ. Nếu tính đến một thực tế là cuộc Vạn lý trường chinh nhiều thập kỷ trước đã để lại những tổn thất vô cùng lớn cho Hồng quân, gần như chỉ có một phần mười quân số đến được căn cứ địa mới, thì có thể hiểu thông điệp của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho người dân là cuộc trường chinh mới này sẽ vô cùng cam go.

Khi kêu gọi về một cuộc “trường chinh”, hẳn nhiên là nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt cược vào một yếu tố vô cùng quan trọng: tính chất nhiệm kỳ ngắn hạn trong nền chính trị Mỹ.

Nói cách khác, trong khi Trung Quốc có thể huy động được sức mạnh từ người dân bằng các biện pháp tư tưởng hay chính trị thì nền chính trị Mỹ phụ thuộc phần nhiều vào các cuộc bầu cử. Nếu Mỹ tin rằng mình có tiềm lực kinh tế đủ mạnh để kéo dài cuộc chiến với Trung Quốc, bên nào chịu đựng tổn thương tốt hơn sẽ thắng, thì Trung Quốc tin rằng, một khi những khó khăn do thương chiến gây ra tác động đủ lớn đến cuộc sống của người dân Mỹ thì khi ấy, rất có thể họ sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến bằng lá phiếu của mình!

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên khi mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phát lời hiệu triệu về cuộc trường chinh mới khi ông đến thăm một cơ sở sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tô, mà đáng chú ý một thành viên trong đoàn chính là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người có vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thời gian qua. Đất hiếm là thành phần cực kỳ quan trọng để chế tạo các thiết bị điện tử và 80% lượng hàng này của Mỹ là nhập khẩu từ Trung Quốc. Một thông điệp ngầm nữa cũng được phát đi: Trung Quốc có thể giảm bớt hoặc thậm chí ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, gây khó cho quá trình sản xuất các thiết bị điện tử thiết yếu của Mỹ.

Biện pháp này, nếu như nó được thực hiện, chưa biết sẽ gây tác động được đến đâu, nhưng nó cho thấy là Trung Quốc không thiếu những “vũ khí” giấu trong ống tay áo. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi về một cuộc “chiến tranh nhân dân” để đối đầu về thương mại và công nghệ với Mỹ, điều đó hàm ý rõ ràng: đó sẽ là một cuộc chiến không được phép thua!