Cuộc sống mới trong những bức tường cũ

Thật may mắn cho một dân tộc biết yêu văn hóa và có nhiều cơ hội để thưởng thức văn hóa là xúc cảm của tôi khi bước vào trung tâm nghệ thuật Gwinzegal - một trung tâm nghệ thuật dành cho nhiếp ảnh đương đại nằm ở thị trấn Guingamp, tỉnh Bretaingne, Pháp.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh tại trung tâm nghệ thuật Gwinzegal.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh tại trung tâm nghệ thuật Gwinzegal.

Gwinzegal là từ ghép của tiếng Bretainge cổ, có thể tạm dịch ra là hạt kiều mạch. Gwinzegal gieo những hạt văn hóa trong đời sống của thị trấn Guingamp, rộng hơn là gieo trong não, trong xúc cảm của những ai đặt chân đến đây để chỉ ra rằng văn hóa có thể ươm mầm ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào.

Năm 2019, Gwinzegal được thành lập bởi thị trấn Guingamp sau sáu năm chuẩn bị cơ sở vật chất để ra đời, điều đáng nói là ra đời từ một nhà tù cổ được xếp hạng di tích lịch sử và bảo tồn nguyên trạng.

Nhà tù Guingamp nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp bởi nó được xây dựng theo mô hình mang về từ Mỹ - nghĩa là tạo ra hệ thống biệt giam mà trước đấy Pháp chưa hề áp dụng. Sử sách ghi lại, năm 1836 nhà tù bắt đầu được khởi công xây dựng dưới sự điều hành của kiến trúc sư danh tiếng Louis Lorin, và hoàn thành 5 năm sau đó. Dù mô hình biệt giam «Pennsylvanien» của Mỹ được áp dụng nhưng kiến trúc của nhà tù lại là mang dáng dấp của Pháp, đặc biệt là vùng Bretaingne. Những hàng cột gỗ, đá tảng, đài phun nước ở giữa...đã khiến nó không chỉ là một chứng tích lịch sử về hệ thống giam cầm dù tước đi quyền tự do nhưng tôn trọng quyền riêng tư đầu tiên và duy nhất của châu Âu ở thế kỷ 18 mà còn có giá trị cả về mặt kiến trúc.

Suốt một thế kỷ, nhà tù Guingamp là nơi đã chứng kiến sự thay đổi của những lý thuyết về giam giữ và giác ngộ, từ làm việc chung ban ngày, giam cầm chung cả ngày lẫn đêm đến làm việc chung ban ngày, giam cầm riêng cả ngày lẫn đêm - cho tù nhân cơ hội được riêng lẻ và suy ngẫm. Lý thuyết này đã được Alexis de Tocqueville, một nhà triết học và chính trị của Pháp cùng Gustave de Beaumont, một luật sư kiêm nhà ngoại giao đã nghiên cứu, vận động để được đưa vào áp dụng.

Cuộc sống mới trong những bức tường cũ -0
 

Như vậy, không chỉ có giá trị về kiến trúc, lịch sử, mà nhà tù Guingamp còn là hình ảnh của tinh thần nhân đạo đối với con người.

Năm 1992, thị trấn Guingamp đã được bàn giao để sở hữu nhà tù.

Làm gì? Tiếp tục giữ làm trung tâm tư liệu như nó đã từng? Mở cửa cho khách tham quan một mô hình giam giữ có tính lịch sử?

«Cho nó được sống lại theo một cách khác, viết tiếp lịch sử của nó theo cách khác, nếu như nhà tù Guingamp là điểm mở đầu cho một lý thuyết giam cầm đầy tính nhân đạo thì tại sao nó không có quyền sống tiếp như một điểm gieo mầm văn hóa?» - Jerome Sother, giám đốc nghệ thuật của trung tâm đã chia sẻ với tôi như vậy.

Guingamp là một thị trấn nhỏ, nằm không xa biển Manche, cả thị trấn chỉ có hơn bảy nghìn người, tính cả vùng ngoại ô cũng chưa vượt được con số 22 nghìn dân, vậy một trung tâm nghệ thuật có tính quốc tế quả thật là một cuộc dấn thân lớn của thị trấn. Năm 2013, nhà tù bắt đầu được trùng tu, sau sáu năm, giờ nó đã bắt đầu mở cửa để đón một bầu không khí mới - không tù túng và đầy khai sáng.

Gwinzegal hoạt động với một mô hình tương tự như mọi mô hình trung tâm nghệ thuật khác: triển lãm, in ấn, hội thảo, tổ chức lưu trú sáng tác cho nghệ sĩ - tuy thế, nhờ nó mà thị trấn Guingamp mùa hè năm 2019 đã tấp nập hơn xưa và không chỉ thế, nó là khởi nguồn cho nhiều dự án khác. Trong tương lai, không chỉ trung tâm nghệ thuật Gwinzegal, trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Viện Giáo dục Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia sẽ lấp chỗ cho những phòng biệt giam, phòng canh gác... và chắc chắn sẽ là một hơi thở mới cho công trình, thay thế cái chết lâm sàng khiến nhà tù dừng lại như thời điểm như nó sinh ra.

Ở Pháp, rất nhiều công trình lịch sử tránh được cái chết lâm sàng, tạo ra một đời sống mới cho các công trình được thực hiện ở khắp nơi. Chỉ là một khách du lịch thông thường cũng có thể điểm danh được nhiều địa điểm thăm quan «một công đôi việc» vừa ngắm nhìn di sản kiến trúc, lịch sử vừa tận hưởng những giá trị mới mà con người đương đại tạo ra, mang đến. Cung điện Louvre được sống đời sống phong phú của một bảo tàng, nhà ga Orsay cũng có số phận tương tự, pháo đài cổ trở thành trường quay truyền hình, tu viện di sản trở thành bệnh viện và giờ đây nhà tù trở thành nơi gieo mầm nghệ thuật.

Điều đáng ngạc nhiên là khi nhìn vào bảng dự trù kinh phí của thành phố Guingamp dành cho việc trùng tu công trình và cải tạo không gian thì con số không hề khổng lồ. Bảy tỷ Việt Nam đồng dành cho việc nghiên cứu giải pháp trùng tu và xây dựng dự án, 40 tỷ cho việc trùng tu một phần hiện trạng và đưa vào hoạt động trung tâm nghệ thuật. Toàn bộ tổng công trình thực hiện trong gần 10 năm, cho đến khi hoàn thành vào năm 2021 là 210 tỷ. 210 tỷ cho một công trình để tạo ra nhiều đời sống văn hóa khác nữa cho một vùng đất và nhiều con người.

Một con số thật khiêm tốn cho những gì mà nó có thể tạo ra sau đó.

Cho đến hiện tại, Gwinzegal dù mới đi vào hoạt động đã thu hút được các nghệ sĩ đến từ Bỉ, Phần Lan, Nga, Đan Mạch... và nhiều nơi trong nước Pháp đến để lưu trú sáng tác. Các tác phẩm sau đó đã được triển lãm và trình bày trước công chúng của thị trấn, nghĩa là người hưởng lợi từ gần đến xa: từ dân cư, nghệ sĩ đến khách tham quan - ai cũng có phần.

Pháp thật ra không phải quốc gia duy nhất ở châu Âu thực hiện tốt công việc này. Ở Đức, nhiều nhà máy cũ có tính lịch sử của thời Cộng hòa dân chủ Đức đã được biến thành các trung tâm nghệ thuật. Chỉ tính riêng thành phố Berlin, biết bao địa chỉ văn hóa, du lịch được thiết lập và tổ chức trên hệ thống và mặt bằng của các nhà máy cũ. Các tour du lịch cũng từ đó mà hình thành. Berlin cũng từ đó mà dần trở thành một trung tâm văn hóa mạnh của châu Âu với nhiều hoạt động thu hút nghệ sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới. «Cuộc sống mới trong những bức tường cũ» là slogan của nước Đức trong việc mang lại những giá trị mới cho các công trình lịch sử và tất nhiên, những công trình lịch sử được sống đời sống mới này không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà cả kinh tế cho thành phố.

Khi văn hóa hiển hiện chung quanh, len lỏi trong mọi ngóc ngách của đời sống, trở thành một trong những mối quan tâm lớn của chính phủ và thói quen thụ hưởng hàng ngày của người dân thì câu hỏi Văn hóa là gì? Làm sao để cảm nhận được văn hóa dường như không còn tồn tại. Người ta cố gắng để làm ra nó, thụ hưởng nó và cảm nhận hết giá trị của nó trong đời sống hằng ngày, và khi ấy chắc chắn rằng tâm hồn con người được cứu rỗi, không chỉ còn ngập lụt trong nỗi lo cơm áo thường nhật.

Trên mỗi bước đường hành nghề, mỗi cơ hội khám phá về những mô hình quản trị xã hội, phát triển văn hóa tôi chỉ luôn nghĩ về một điều: hơi thở mới trên những nền tảng cũ và văn hóa, chưa bao giờ hết sức mạnh của nó để tạo ra một bầu không khí mới.

NGUYỄN MỸ LINH