Chuyện một cô dâu Việt xứ Hàn

Từ một cô dâu Việt trải qua bao gian nan, vất vả ở xứ người, chị đã vươn lên thành bà chủ của chuỗi ba cửa hàng ăn đắt khách tại Hàn Quốc. Chị là Lê Thị Hoài Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam ở thành phố Ansan, người “chị lớn” ấp ủ xây dựng Hội thành mái ấm che chở, giúp đỡ cho các chị em phụ nữ người Việt xa xứ gặp hoàn cảnh khó khăn...

Chị Lê Thị Hoài Thu trực tiếp chế nước dùng cho món Phở.
Chị Lê Thị Hoài Thu trực tiếp chế nước dùng cho món Phở.

Góc Việt ở Ansan

Tôi gặp chị Thu trong một chuyến công tác Hàn Quốc khi chị đang bận rộn với công việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang tham dự sự kiện xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc ở thành phố Incheon. Không ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé này lại là bà chủ của quán phở Việt đầu tiên ở thành phố Ansan và sau đó phát triển thành hệ thống ba nhà hàng mang thương hiệu Quán Quê hương (hai ở Ansan và một ở Seoul). Trong số đó, Quán Quê hương được mở trong siêu thị Lotte Mart là nơi có những quy định rất nghiêm ngặt đối với các cửa hàng bán thực phẩm có mặt trong chuỗi siêu thị lớn hàng đầu Hàn Quốc. Cho đến nay, Lê Thị Hoài Thu là người Việt duy nhất tại Hàn Quốc đưa được thương hiệu của mình vào hệ thống Lotte Mart.

Quán Quê hương ở Ansan mà chúng tôi ghé thăm trong chuyến công tác là nhà hàng thứ ba của chị Thu. Một không gian Việt Nam mở ra trước mắt ngay khi bước vào đây với hình ảnh cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, nón lá và những sản vật quê hương được bày trong quán như hành khô, tỏi, nước mắm, cà-phê... Khi vừa tới, chúng tôi để ý thấy có khá đông thực khách là người Việt. Quán của chị Thu đã trở thành điểm hẹn của những người Việt xa xứ ở Ansan mỗi khi thèm hương vị món ăn quê nhà. Thường xuyên tới ăn ở Quán Quê hương, anh Phan Văn Hợi, quê Hà Tĩnh, sang Hàn Quốc bốn năm làm trên tàu cá, cho biết: “Tôi thường tới đây ăn vì hợp khẩu vị và các món nấu chuẩn vị Bắc”. Một lúc sau, chúng tôi ai cũng bất ngờ vì số lượng thực khách Hàn đã đông hơn khách Việt. Anh Kim Su Bok cùng gia đình là một trong những khách quen của quán chia sẻ: “Tôi đã sang Việt Nam và ăn các món Việt thấy rất ngon, nhất là phở, nem rán, phở cuốn và một số món lẩu. Cà-phê của Việt Nam rất đậm đà. Vì vậy mỗi cuối tuần gia đình tôi lại tìm tới Quán Quê hương vì chỉ ở đây tôi mới thấy hương vị giống như ăn ở Việt Nam”.

Thực đơn của quán có tới 70 món Việt, nhưng món đắt hàng và nổi tiếng nhất của quán vẫn là phở. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển tốt đẹp, lượng khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam đông thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Bởi thế Quán Quê hương của chị Thu ngày càng được nhiều người Hàn Quốc biết tới. Nhiều người Hàn đi du lịch Việt Nam về thèm món Việt, tới quán chị Thu để ăn những món chuẩn vị như phở, nem cuốn, hay bún chả... và nhất là để thưởng thức ly cà-phê do chính tay bà chủ khéo léo pha. Tuy đã thành bà chủ, nhưng chị Thu vẫn tự tay làm một số món tủ của quán như phở, chị luôn tự pha chế nước dùng. Có thời gian, chị còn bưng bê phục vụ đồ ăn và trò chuyện với khách.

Chuyện một cô dâu Việt xứ Hàn ảnh 1

Thực khách tại Quán Quê hương.

Thành công nhờ chữ tín

Nhìn cơ ngơi khang trang của chị hôm nay, ít ai ngờ được thời gian đầu mới sang (năm 1994) chị cũng đối mặt khó khăn, lận đận trăm bề. Cô gái trẻ Lê Thị Hoài Thu làm ở mấy nhà máy dệt khác nhau và cũng mấy lần rơi vào cảnh thất nghiệp, vì các nhà máy này lần lượt phá sản. Sau đó, chị Thu kết hôn với một anh bạn công nhân người Hàn Quốc cùng xưởng may sau khi cả hai hết hạn hợp đồng lao động. Thời gian đầu, hai vợ chồng phải vay tiền ngân hàng để trả tiền thuê nhà. Chị lại liên tiếp sinh hai cô con gái đầu đúng thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 1998-1999. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, ở Ansan lúc đó rất ít người Việt, nên lúc khó khăn hay bỡ ngỡ cũng không biết nhờ cậy, hỏi han ai. Chị Thu vừa phải bươn chải kiếm tiền, vừa chăm con, lo cho cả gia đình, vì theo phong tục Hàn Quốc, đàn ông không mấy khi làm việc nhà. Khi có ý định mở quán, trong tay chẳng có đồng nào, chị phải gọi về quê vay tiền chị gái. Nhiều lúc nghĩ lại chị Thu vẫn bảo, không hiểu sao lại có thể vượt qua được giai đoạn đó.

Đến nay, anh ch đã có ba cô con gái ln, hc gii. Mi tình Vit-Hàn ca anh ch đã cho ra nhng trái ngt. Ch chia s, ngh lc và bn tính chu thương chu khó, nhn nhn và kiên trì cùng vi tình yêu thương và chia s ca chng, đã giúp ch làm nhng điu tưởng chng không th nơi đất khách quê người.

Ngay từ những ngày đầu mới mở quán phở năm 2002 trên một khu phố ở Ansan, để giữ chữ tín, chị Thu luôn cẩn thận chăm chút mọi nguyên liệu nấu ăn từ nồi nước dùng, bánh phở, thịt, tới hành lá, rau thơm. Sau này khi đã phát triển thương hiệu, chị tự trồng các loại rau gia vị trên mảnh vườn rộng cả nghìn mét vuông ở Ansan để cung cấp cho quán ăn vào mùa hè. Mùa đông, chị vẫn phải mua rau thêm ở siêu thị. Các thực phẩm như phở, bún, bánh đa cùng nhiều nguyên liệu khác đều được nhập khẩu từ những thương hiệu uy tín ở Việt Nam.

Lúc đầu khách của quán chủ yếu là người Việt và người Philippines. Quán chỉ nhỏ bằng 1/3 Quán Quê hương hiện nay, nhưng đã có tiếng vì ngon và rẻ, ông bà chủ lại nhiệt tình, chiều khách. Chồng chị không biết nấu chỉ phụ giúp vợ rửa bát và đi lấy hàng. Đông khách không phục vụ xuể, chị Thu phải nhờ chị gái từ Việt Nam sang phụ giúp. Vất vả thức khuya dậy sớm, nhưng kiếm được tiền lại đam mê nên cả hai vợ chồng đều ham. Chỉ sau hai năm từ khi mở quán đầu tiên, vợ chồng chị Thu đã mở thêm một quán mới quy mô lớn gấp đôi quán cũ và đặt ở vị trí trung tâm ở Ansan có đông người nước ngoài. Thực đơn cũng phong phú, đa dạng hơn nhiều. Đến nay, vợ chồng chị đã là chủ của ba cửa hàng ăn hoạt động ổn định và có thương hiệu ở Hàn Quốc, được báo chí, truyền hình Hàn Quốc giới thiệu như một địa chỉ ẩm thực Việt đáng để ghé thưởng thức.

Chị Thu tự hào chia sẻ: “Món kim chi, đồ nướng Hàn Quốc đã nổi tiếng ở Việt Nam thì các món ẩm thực Việt trứ danh, như phở hay bún chả hoàn toàn có thể làm được điều đó ở xứ sở kim chi. Sau này thành công với ẩm thực quê hương ở xứ người, tôi càng thấm thía ý nghĩa của việc “định danh” cho ẩm thực Việt ở một nước khác có ý nghĩa như thế nào”.

Mới đây Hàn Quốc đã tổ chức buổi gặp gỡ 100 doanh nhân nước ngoài thành công nhất ở Hàn Quốc và chị Thu rất tự hào là một trong hai doanh nhân đại diện cho Việt Nam tới tham dự sự kiện.

Chuyện một cô dâu Việt xứ Hàn ảnh 2

Ấm tình người nơi đất khách

Người Việt ở Ansan hầu như ai cũng biết chị Thu. Không chỉ biết tới chị là chủ quán ăn Việt đầu tiên ở Ansan, mà còn bởi chị thường sẵn lòng giúp đỡ những đồng hương mới chân ướt chân ráo tới đây. Với vốn tiếng Hàn tốt, chị không nề hà giúp đỡ họ về các thủ tục giấy tờ hay giao tiếp... Để giúp đỡ được nhiều chị em khó khăn hơn nữa, mới đây chị quyết định thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam ở Ansan và nhận trách nhiệm Chủ tịch. Hội tuy mới thành lập nhưng đã tích cực hoạt động hỗ trợ các chị em nuôi con đơn thân vì ly dị chồng hay chồng qua đời, bị chồng ngược đãi, thăm hỏi khi ốm đau, tặng quà và tiền vào các dịp Trung thu, Tết để động viên tinh thần.

Vừa rồi, cô dâu Việt ở Ansan là Nguyễn Thị Ngọc Diễn có chồng bị ung thư qua đời, các thành viên trong hội đã tới để phụ giúp lo đám tang cho chồng chị như những người thân trong gia đình. “Là cô dâu Việt ở xứ người, từng trải qua quãng thời gian không dễ dàng gì, tôi mong muốn chị em trong cộng đồng cùng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, chị Thu nói. Trong Hội, có nhiều chị em ở đây lâu, giỏi tiếng Hàn, am hiểu luật pháp nên khi cần có thể hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của những chị em làm dâu xứ người kém may mắn. Chị Thu cho biết sẽ cùng 80 hội viên xây dựng Hội thành mái ấm tình thương che chở, giúp đỡ cho các chị em có hoàn cảnh sống khó khăn, và là nơi để chị em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết cộng đồng.