Bùng nổ dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa

Chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã châm ngòi cho “cuộc cách mạng” công nghệ trong chăm sóc sức khỏe trên thế giới - dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth) ở nhiều quốc gia... Mô hình này được dự báo sẽ không chỉ là giải pháp tình thế trong khủng hoảng mà có thể sẽ trở thành một xu hướng thịnh hành trong tương lai.

Bác sĩ Anne Burdick, thuộc Phân khoa Y Miller, Trường đại học Miami (Mỹ) đang điều trị cho các bệnh nhân qua màn hình trực tuyến. 
Bác sĩ Anne Burdick, thuộc Phân khoa Y Miller, Trường đại học Miami (Mỹ) đang điều trị cho các bệnh nhân qua màn hình trực tuyến. 

Thời kỳ đại dịch, trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ của đội ngũ nhân viên y tế và nguy cơ bị lây nhiễm khi đến nơi đông người ngồi chờ khám bệnh, việc tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa là một lựa chọn không chỉ an toàn mà còn hiệu quả.

Các dịch vụ dạng này được cung cấp trực tuyến qua điện thoại, máy tính và trên các ứng dụng di động. Bác sĩ Will Kimbrough, Giám đốc Y khoa ảo quốc gia của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu của Mỹ One Medical, cho biết, “Công cụ này giúp bệnh nhân nhận được dịch vụ y tế từ xa một cách tiện lợi và thoải mái qua điện thoại và máy tính”. Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa của One Medical với tính năng “Treat Me Now” sẽ đưa ra những chẩn trị triệu chứng trên nền tảng kỹ thuật số đối với các bệnh phổ biến như phát ban, cảm lạnh/cúm, UTI... Tính năng này cũng cho phép dễ dàng đặt cuộc hẹn, thay đơn thuốc, tiếp cận các hồ sơ sức khỏe và nhiều tiện ích khác... Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng khác hoạt động theo cách thức tương tự nhưng với tính năng và thông số kỹ thuật khác nhau.

Tại Mỹ, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và các công ty bảo hiểm đã cung cấp các ứng dụng và dịch vụ Telehealth của riêng mình. Nhưng trên thực tế, vẫn có những ứng dụng kiểu này mà không hề liên kết với các tổ chức chăm sóc y tế nào cụ thể. Vì vậy, các bệnh nhân nhận được những khuyến cáo “hãy cẩn trọng” khi lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ.

Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các dịch vụ Telehealth đã được biết tới. Đã có sẵn nhiều nền tảng và ứng dụng cho dịch vụ tiện ích này. Bác sĩ Carol Parrot sống tại một hòn đảo ở tiểu bang Washington cho biết, các bệnh nhân của bà yêu thích sử dụng dịch vụ Telehealth vì họ không phải thay quần áo, lên xe ô-tô và lái xe hàng mấy chục cây số tới ngồi ở phòng chờ để được gặp bác sĩ. Nữ bác sĩ cho biết, bà khám bệnh cho 90% bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến, xem xét các triệu chứng, sự vận động, cảm xúc và hô hấp của họ. Đối với bác sĩ Carol, việc không thể đặt ống nghe lên người bệnh nhân để chẩn bệnh chẳng phải là vấn đề.

Nhưng chỉ đến khi đại dịch xuất hiện, các lệnh giãn cách xã hội yêu cầu mọi người ở nhà, các bệnh viện trở nên quá tải và nguy cơ trở thành ổ dịch, các dịch vụ Telehealth mới thực sự gây chú ý. Những ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số này bao gồm một loạt các vấn đề về y tế, các giao diện khác nhau để tương tác với các nhà cung cấp. Khi đại dịch tràn tới, các nhà cung cấp dịch vụ Telehealth như One Medical đã cung cấp các tính năng mới chuyên về virus SARS-CoV-2. Theo một phân tích vào tháng 5 vừa qua của công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan, các dịch vụ Telehealth dự kiến tăng 64,3% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái ở Mỹ.

Không thể phủ nhận, công nghệ đã đóng một vai trò lớn trong việc chăm sóc sức khỏe nhất là trong giai đoạn bệnh dịch hoành hành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Mỹ tỏ ra nghi ngờ việc sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật số vì lo ngại kết quả điều trị không chính xác. Một nghiên cứu của Đại học California năm 2016 đã cho thấy, các bác sĩ trực tuyến trên 16 ứng dụng Telehealth khác nhau đã chẩn đoán sai về tình trạng nghiêm trọng của bệnh da liễu.

Đó là chưa kể các vấn đề trục trặc kỹ thuật, sự cố khách quan ngoài mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng các dịch vụ Telehealth. Bà Camille Gajria, bác sĩ kiêm giảng viên y khoa tại Trường Imperial College London của Anh chia sẻ trên Tạp chí Y khoa của Anh rằng: “Video tư vấn đầu tiên của tôi là một mớ hỗn loạn. Âm thanh của tiếng khoan đục bên ngoài gây nhiễu, microphone thì không hoạt động, đồng nghiệp đi lại gây mất tập trung...”. Ngoài ra cũng có những lo ngại rằng, nếu tư vấn sức khỏe qua điện thoại, bao gồm cả tư vấn tâm lý, nhiều bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sẽ cảm thấy khó thổ lộ về việc họ bị bạo hành ở nhà...

Những thao tác thăm khám trực tiếp, xét nghiệm máu, nước tiểu... trong điều trị không thể thực hiện được từ xa, vẫn được cho là phương thức chữa bệnh không thể thay thế. Điện thoại thông minh cũng chỉ có thể thay thế được phần nào nhiệm vụ của ống nghe vì bệnh nhân có thể sử dụng microphone để tự thăm khám từ xa. Họ cũng có thể sử dụng một thuật toán để phân tích cơn ho và biết được liệu mình có vị viêm phổi hay không... Nhưng để biết chính xác nguồn cơn căn bệnh và phương thuốc hiệu quả, không gì có thể thay thế được những cách thức khám chữa bệnh truyền thống.

Đặc biệt, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để được các bác sĩ trực tuyến khám bệnh hay tư vấn cũng không phải là điều đơn giản. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho những người cao tuổi neo đơn đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này càng ngày trở thành vấn đề nan giải. Việc này càng trở nên cấp thiết sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng ở một quốc gia có nền công nghệ hiện đại như Hàn Quốc, vấn đề này đang được xử lý nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Một sản phẩm được phát triển dựa trên công nghệ AI mang tên “Aria” đã được phát triển giúp các nhân viên y tế có thể có mặt nhanh chóng bên cạnh những bệnh nhân cao tuổi neo đơn đang cần giúp đỡ.

Tuy nhiên, các dịch vụ y tế từ xa với các công nghệ mới hỗ trợ đang vấp phải nhiều nghi ngại, thậm chí phản đối do lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư. Tại Hàn Quốc, những tranh cãi về việc hy sinh bảo mật thông tin cá nhân để đổi lấy chất lượng dịch vụ y tế đang ngày càng nóng sau khi có thông tin rằng giới chức Hàn Quốc chuẩn bị trình dự luật cho phép các công ty được tự do hơn trong việc thu thập và phân tích dữ liệu mà không cần sự đồng ý của người dùng.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các giới chức y tế Anh, châu Âu và một số quốc gia khác đã cập nhật hướng dẫn về tất cả những gì liên quan tới chăm sóc sức khỏe, từ bảo vệ dữ liệu cho tới làm thế nào để xây dựng sự tin tưởng từ xa. Mỹ cũng bỏ bớt các quy định hạn chế để tiếp cận các dịch vụ Telehealth và giảm các quy định bảo mật riêng tư cho phép người dân sử dụng các nền tảng như Skype và FaceTime...

Điều đáng nói nữa là dịch vụ Telehealth còn được đánh giá là mở ra cơ hội cho những người nghèo được tiếp cận sự chăm sóc y tế, bởi chi phí phù hợp. Chi phí cho khám bệnh trực tuyến vẫn rẻ hơn so với chi phí khi họ tới bệnh viện. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Sidney Kimmel thuộc Đại học Thomas Jefferson đã chỉ ra rằng, bệnh nhân tiết kiệm được trung bình từ 19 USD đến 121 USD mỗi lần khám với bác sĩ trực tuyến. Nghiên cứu này tiến hành năm 2018 và được xuất bản trên Tạp chí Y học khẩn cấp của Mỹ. Chi phí trung bình cho một lần khám Telehealth là dưới 80 USD. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên toàn cầu, 58% số quốc gia được khảo sát đang sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Thống kê của WHO cũng cho biết, trong số đó, 42% là các nước có thu nhập thấp.

Bùng nổ dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa ảnh 1

Với các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, bệnh nhân không cần phải tới gặp bác sĩ vẫn có thể được tư vấn sức khỏe.