Bay qua Himalaya

Kancha không nói gì, im lặng chăm chú kéo dây điều khiển dù. Mây mù kéo đến kín dưới chân chúng tôi. Tôi đang lơ lửng ngày một cao, không rõ là bao nhiêu, không còn nhìn thấy dưới đất. Nếu đúng, bên tay phải tay trái tôi đều là núi - một phần trong những dãy núi dài của Himalaya...

Bay qua Himalaya

Bay trên những tầng mây Everest

Có hai thứ nên thử ở Nepal, ngoài di tích và trekking, đấy là ngắm đỉnh Everest qua máy bay và thử dù lượn ngang trên những dãy núi Himalaya. Dịch vụ dù lượn ở Nepal vượt xa so với mức độ phát triển của quốc gia này. Còn dịch vụ bay qua Everest thì phổ biến đến nỗi người ta dành hẳn cả một tuyến bay và một cửa ra riêng ở sân bay thủ đô Kathmandu cho những người ngắm Everest.

Để đi ngắm Everest, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, làm các thủ tục như một chuyến bay dân dụng thông thường. Cả máy bay chỉ có hai hàng ghế 20 chỗ, tất cả ghế ngồi đều nhìn ra cửa sổ. Tháng 7 không phải tháng lý tưởng để ngắm núi. Hôm đầu tiên, máy bay quần đảo chừng 30 phút, sau tất cả các thao tác an toàn, mây mù kéo đến, máy bay buộc phải hạ cánh sớm và người ta thông báo chúng tôi nên chờ hôm sau để... bay tiếp. Lần thứ hai thì chúng tôi nhìn thấy Everest thật. Tín hiệu cho thấy thời tiết cho phép khi cửa khoang lái bật mở, và mỗi người chúng tôi được vào khoang lái chừng vài phút để nhìn thấy đỉnh núi cao nhất thế giới lộng lẫy trước mặt. Anh phi công cực kỳ chuyên nghiệp đánh lái lượn vòng quanh đỉnh núi. Nói lộng lẫy cũng không quá, vì khoảnh khắc vào khoang lái, ánh sáng trắng tuyết cộng thêm ánh mặt trời khiến tôi chói mắt. Một hành trình bay, chúng tôi được nhìn thấy cả năm đỉnh núi trong top 10 đỉnh cao nhất thế giới, theo cách gần nhất có thể. Sau hành trình, cô tiếp viên còn mở sâm banh chúc mừng và trao bằng chứng nhận cho chúng tôi, như một minh chứng đã thực hiện hành trình bay qua Everest.

Đó là cảm giác bay đầu tiên. Cảm giác bay rõ rệt hơn, khi tôi thử dù lượn qua dãy Annapurna ở Pokhara. Pokhara là một thị trấn cửa ngõ miền trung Nepal, khí hậu ôn hòa, cảnh đẹp, lại có đủ cả núi cả sông, nên nhiều người chọn đây là điểm nghỉ ngơi. Người leo Everest hay Annapurna đều trở về đây dưỡng sức. Nhưng tôi chọn bay dù, bởi vì ở đây, tôi có thể nhìn thấy cả hai dãy núi song song và ngắm mặt trời tuyệt đẹp trên hồ Phewa, từ một độ cao nhất định.

Địa điểm khởi động bay dù là một ngọn đồi. Công cuộc chuẩn bị và chờ đợi thật dài. Mãi tới gần 12 giờ tôi mới được bay. Chúng tôi đã gặp một tai nạn nhỏ khi vừa cất cánh. Vẫn là do tháng 7, mây kéo đến khi chúng tôi chỉ vừa cất cánh ít phút. Ở Việt Nam, đã không ít lần theo chân các phi công dù lượn lên núi và ngậm ngùi trở về do không có gió, không nhìn thấy điểm đỗ, nên tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhưng khi chung quanh chỉ là mây và cái ý nghĩ hai bên đều là vách núi khiến tôi lo lắng. Kancha khá tập trung, tôi không nói gì với cậu ấy, bởi tôi biết nếu tình hình này kéo dài thì sẽ là một sự nguy hiểm.

May mắn cho chúng tôi là mây bắt đầu kéo đi sau đó chừng năm phút. Bãi đỗ đã hiện ra. Kancha hú hét ầm ĩ. Cậu bắt đầu thực hiện những động tác lượn lên xuống khiến tôi quay như chong chóng. Nếu là tháng 11, cậu bảo, chúng tôi sẽ nhìn thấy đỉnh thiêng Fish Tail ở phía bên kia hồ Phewa. Hồ Phewa đang lấp lóa dưới ánh nắng. Dưới chân chúng tôi, một thảm lúa vàng rực. Tôi có thể thấy rõ từng rặng núi phía hai bên mình. Tôi có thể với tay qua những làn mây sương khói, thấy mình như ngang hàng với dãy núi nhiều triệu năm trước mặt và có thể nghe rõ tiếng gió đang bào mòn những sườn núi.

Phi công dù ở Pokhara khá chuyên nghiệp, gồm cả người bản địa và người nước ngoài. Tất cả đều phải có bằng và được sát hạch mỗi sáu tháng một lần. Hằng năm, những tay dù lượn chuyên nghiệp đều đổ về đây để thỏa mãn giấc mơ bay qua dãy núi nổi tiếng nhất thế giới. Kancha kể thầy giáo dù lượn của cậu cũng vốn là một tay bay dù người Pháp, chỉ vì trót bay ở đây và mê khí hậu Pokhara mà ở lại, rồi mở luôn CLB dù lượn hơn 10 năm qua.

Những giấc mơ bay

Ở đất nước ngay dưới chân Himalaya này, mơ bay là giấc mơ dễ thấy nhất. Như anh bạn Kancha sống ở lưng chừng núi trên dãy Annapurna. Cậu là người Gurung, một nhánh của dân tộc Gurkha - dân tộc chủ yếu ở các vùng núi Nepal, Ấn Độ. Người Gurung vốn không có họ, thậm chí cả tên gọi cũng khá mơ hồ. Như ở làng cậu, có đến cả chục người là Kancha. Sau này, khi Nepal mở cửa, để thuận tiện làm giấy tờ, những người ở đây đều lấy Gurung làm họ. Vậy là cậu bạn tôi thành Kancha Gurung trên hộ chiếu và chứng minh thư.

Kancha mê bay. Người Gurung ở đây từng chỉ làm nông, chăn nuôi. Kancha giống như tìm thấy con đường sống khi bắt đầu đi học lái dù lượn. Việc làm phi công khiến Kancha kiếm được dư dả, và có thể bay - như thuở nhỏ vẫn mơ mỗi khi nhìn mây ngang qua nhà. Hơn 15 năm trước, cả gia đình cậu sang Anh, còn cậu phải ở lại vì những thủ tục rắc rối - điều quá sức tiếp nhận của một cậu bé con khi ấy. Kancha đã từng mơ ước được đi Anh cùng bố mẹ, anh chị. Cậu từng trách cuộc sống tại sao bất công đến mức bắt cậu ở lại một mình. Nhưng bây giờ cậu có thể say sưa kể về những chuyến bay. Cậu thần tượng thầy giáo dạy dù lượn của mình - người mà như cậu kể đã thực hiện bay từ Pokhara này đến tận Everest. Cậu mơ ước một ngày sẽ bay được như thế. Mỗi ngày cậu vẫn tập, để lúc nào đó có thể bay. Xem mỗi tấm ảnh các vùng núi ở Việt Nam mà tôi giới thiệu, cậu đều ngắm nghĩa và tính toán xem có thể bay được không.

Hóa ra Kancha không phải cá biệt. Đám bạn cậu còn mê mây trời hơn thế, cho dù là người lái dù lượn hay không. Phi, một cái tên anh chàng tự nghĩ ra để nói chuyện với người nước ngoài (vì trên căn cước thì anh chàng này cũng tên Kancha) luôn thích ngắm những đỉnh núi. Phi thích trekking trên những cung đường núi tuyết, đó là cuộc sống, và cũng là niềm vui. Phi bảo thích nhất là vào tháng 12, tuyết rơi dày, cậu sẽ cùng bạn bè lên núi. Lúc đó cũng sẽ ít khách trekking, chỉ có người Gurung vào rừng. Và cậu sẽ được ở gần với những đỉnh núi nhất.

Hay Sumi, cô bạn hiền lành xinh đẹp ở thủ đô Kathmandu, cô thích leo lên những mỏm đồi ngắm hoàng hôn. Không ít lần cô gọi video call cho tôi, để chỉ cho tôi thấy ánh hoàng hôn ở Kathmandu từ trên cao. Sumi không nói được nhiều tiếng Anh. Nhưng cô rất chăm chỉ chia sẻ những bức ảnh về những không gian bao la nơi cô sống, cho dù cô chưa từng bước chân ra khỏi thung lũng Kathmandu.

Kancha, sau 15 năm chia cách cũng được cấp visa sang với bố mẹ. Và rồi mỗi ngày, từ London, cậu đều kể cho tôi nghe rằng cậu nuối tiếc Pokhara ra sao. Cậu nhớ ngôi nhà lưng chừng núi có thể nhìn thấy mây, chăm sóc những giỏ cây treo trước ban công và những khoảnh khắc lâng lâng bay qua những ngọn núi. London quá đông người, công việc quanh quẩn trong một tiệm ăn nhanh khiến cậu nuối tiếc những ngày cũ. Còn tôi bảo tôi nhớ cái lúc chúng tôi ngồi trên vỉa hè một hàng tạp hóa cũ kỹ ở Pokhara uống bia - bia ở Nepal vì đánh thuế cho đồ uống có cồn nên khá đắt đỏ. Tôi nhớ mây trời, những cốc Masala trên đỉnh núi nhìn xuống hồ Phewa, nhớ đỉnh Everest lộng lẫy, nhớ tiếng gió khi dù nghiêng trên hồ Phewa.

Chỉ có khi ở ngang những đám mây mới hiểu cảm giác muốn được bay mà thôi.

Bay qua Himalaya ảnh 1