“Bắt nạt” và phản kháng

“Họ đang đùa với lửa!”

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr (Iran). Ảnh: REUTERS
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr (Iran). Ảnh: REUTERS

“Họ đang đùa với lửa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu như thế khi nhận được tin Iran đã tích trữ được hơn 300 kg nguyên liệu uranium, hành động được xem là “phá rào” quy định trong thỏa thuận giữa Tehran với nhóm P5+1.

Phía Iran đã lý giải hành động này không vi phạm các điều khoản của thỏa thuận mà đơn giản là Tehran có quyền phản ứng với quyết định của Washington đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Người phát ngôn của bộ ngoại giao Iran còn cảnh báo rằng nếu các cường quốc khác tham gia thỏa thuận không làm gì để tránh cho Iran khỏi những đòn trừng phạt của Mỹ, Iran có quyền dự trữ số nguyên liệu uranium vượt quá con số 300 kg như trong thỏa thuận (trên thực tế đã vượt quá rồi, mặc dù còn lâu mới đạt đủ tỷ lệ làm giàu đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân).

Động thái mới nhất này của Iran chắc chắn sẽ tạo ra những hậu quả dây chuyền trong khi các cường quốc đang cố gắng thuyết phục Iran không vi phạm điều khoản cũng như rút ra khỏi thỏa thuận JCPOA, đồng thời ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Washington và Tehran, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên dâng cao lên những tầng nấc mới. Việc Mỹ điều biên đội tàu sân bay tấn công tới vịnh Ba Tư, đưa các máy bay chiến lược B-52 và triển khai các khẩu đội tên lửa tại các căn cứ của Mỹ ở vùng Vịnh cho thấy Washington sẵn sàng sử dụng “cây gậy” răn đe với Iran hơn là “củ cà rốt”.

Đến khi Iran chủ động bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ với cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran (còn Mỹ nói nó ở không phận quốc tế), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lênh tiến hành tấn công trả đũa, một quyết định mà theo tiết lộ (không biết vô tình hay cố ý) của phía Mỹ, ông đã chỉ hủy đi 10 phút trước khi nó bắt đầu!

Không nghi ngờ gì nữa là nếu thật sự có một mệnh lệnh như thế được đưa ra và không bị hủy đi vào phút chót, rất có thể đã xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran, một động thái chắc chắn sẽ mang lại hậu quả thảm khốc cho cả hai phía và cả các bên liên quan ở vùng Vịnh.

Mà lý do dẫn tới một động thái như thế, theo phía Iran, là do chính sách “bắt nạt” của Mỹ!

Oán thù chất chồng

Trong buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 31 năm ngày một chiếc máy bay chở khách Iran bị tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ bắn rơi trong vùng biển Vịnh Ba Tư, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani tuyên bố rằng chiến thuật “bắt nạt” của Mỹ đối với Iran sẽ chỉ khiến người dân Iran đoàn kết hơn khi đối mặt với sự thù địch của Washington mà thôi.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Chủ tịch Quốc hội Iran sử dụng từ “bắt nạt” khi nói về chính sách của Mỹ đối với Iran. Nó đã có từ lâu. Chẳng nói đâu xa, buổi lễ mà ông Ali Larijani phát biểu nói trên chính là để kỷ niệm một sự kiện đau lòng diễn ra 31 năm trước trên vùng Vịnh Ba Tư. Ngày 3-7-1988, trong bối cảnh tình hình khu vực eo biển Hormuz cực kỳ căng thẳng do cuộc chiến tranh Iran-Iraq cũng như đối đầu giữa Washington và Tehran dâng cao sau hàng loạt vụ tấn công trả đũa nhằm vào nhau, chiếc máy bay dân dụng số hiệu 655 của Hãng hàng không Iran Air chở 290 khách cất cánh từ sân bay quốc tế Bandar Abbas của Iran đi Dubai. Trên đường bay qua vịnh Hormuz, chiếc máy bay này đã bị tuần dương hạm USS Vincennes của Mỹ phóng hai tên lửa đối không bắn hạ khiến toàn bộ 290 hành khách trên máy bay thiệt mạng.

Mặc dù phía Mỹ sau đó kết luận rằng vụ bắn rơi máy bay này là “một tai nạn bi thảm và đáng tiếc”, thế nhưng chính phủ Mỹ không bao giờ đưa ra lời xin lỗi chính thức hay thừa nhận sai lầm về vụ việc bi thảm này. Khi Iran đưa đơn kiện ra Tòa án Công lý quốc tế, năm 1996, Mỹ chi trả 131,8 triệu USD, đồng thời bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc”, trong khi phía Iran tin rằng phía Mỹ đã “cố ý” tấn công chiếc máy bay hành khách...

Người Iran có lý do để nghi ngờ Mỹ bởi từ trước đó rất lâu, năm 1953, Mỹ thông qua CIA, đã tiến hành tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Mohammed Mossadegh, đưa Quốc vương Pahlavi thân Mỹ lên thay.

Oán thù chất chồng lên đến đỉnh điểm vào năm 1979, khi người Iran tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi tháng 11-1979, các sinh viên Iran đã tấn công sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ các nhà ngoại giao làm con tin, sau 444 ngày mới thả hết vào năm 1981.

Kể từ đó, hai bên duy trì tình trạng thù nghịch trong suốt hơn ba thập kỷ, cho đến khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có sự thay đổi chính sách đáng kể đối với Tehran. Cùng với những nỗ lực của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một chính trị gia theo đường lối ôn hòa, tới năm 2015, hai bên đã đạt được bước đột phá lớn khi ký JCPOA, theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Mối lo lớn nhất của Mỹ về việc Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân tạm thời bị đẩy lùi.

Đến khi ông Trump vào Nhà Trắng, một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách của ông so với người tiền nhiệm là rút Mỹ ra khỏi JCPOA, một hiệp định mà ông đánh giá là “tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Một quá trình mà phía Iran mô tả là “bắt nạt” mới lại bắt đầu...

Những tính toán ngầm

Khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi JCPOA vào tháng 5-2018, các báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đều xác nhận vào thời điểm đó, Iran vẫn triệt để tuân thủ JCPOA. Điều đó lý giải hành động của Mỹ không xuất phát từ những “vi phạm” nếu có của Tehran, mà bắt nguồn từ những tính toán địa chính trị trong nước và quốc tế.

Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chưa bao giờ chấp nhận thỏa thuận JCPOA với Iran, luôn coi nước Cộng hòa hồi giáo này là “kẻ thù 40 năm” của nước Mỹ với hành động bắt giữ các con tin ở sứ quán Mỹ vào năm 1979. Việc rút Mỹ ra khỏi JCPOA chắc chắn sẽ mang lại sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần.

Khi kết thúc nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B.Obama luôn coi việc ký kết được JCPOA với Iran là một trong những thành tựu nổi bật nhất về mặt đối ngoại của mình, bởi vì ít nhất nó loại bỏ mối đe dọa Iran có vũ khí hạt nhân trong một thời gian nhất định. Bằng việc xóa bỏ những thành tựu của người tiền nhiệm, ông Trump muốn đặt nền móng xây dựng một di sản chính sách đối ngoại mới của chính mình.

Cũng không loại trừ một yếu tố khác đã có tác động mạnh đến chính sách của ông Trump đối với Iran: hầu hết các đồng minh thân cận của Mỹ ở vùng Vịnh như Israel, Saudi Arabia, UAE... đều là kẻ thù của Iran, khi thì về mặt ý thức hệ (như Israel), khi thì vì tranh giành ảnh hưởng trong khu vực (như Saudi Arabia, UAE). Rút ra khỏi JCPOA, tăng cường sức ép tối đa lên Iran, mở rộng trừng phạt tất cả những đối tác nước ngoài làm ăn với Iran với mục tiêu đưa xuất khẩu dầu lửa của Iran về mức số 0, Mỹ muốn xây dựng một mặt trận thống nhất để ngăn cản Iran mở rộng không gian ảnh hưởng ở địa bàn chiến lược Trung Đông.

Phản kháng của Iran

Khác với hình ảnh một cậu bé nhỏ con trong lớp học thường xuyên bị một cậu khác to con hơn bắt nạt mà không thể phản kháng, Iran không dễ dàng để cho Mỹ mặc sức muốn làm gì thì làm. Hành động bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hồi giữa tháng 6 vừa qua (sau đó còn tuyên bố đã “tha” một máy bay do thám khác của Mỹ để tránh gây thiệt hại về nhân sự) cho thấy Tehran rất cương quyết trong lập trường đối đầu với Mỹ.

Sự chênh lệch về lực lượng quá lớn giữa Mỹ với Iran khiến cho việc đi tới chiến tranh chỉ là phương cách “bần cùng bất đắc dĩ” đối với Tehran. Hẳn Iran chưa thể quên rằng trong vụ đụng độ năm 1988, Mỹ đã xóa sổ một nửa hạm đội Iran chỉ trong một ngày.

Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn có những “con bài tẩy” trong tay áo mà việc vượt qua giới hạn dự trữ nguyên liệu uranium là một phương cách. Phong tỏa eo biển Hormuz trong trường hợp chiến tranh nổ ra, như Iran đã hơn một lần tuyên bố, cũng là một trong những lựa chọn bất đắc dĩ khác.

Điều quan trọng là Iran phải có khả năng chống đỡ và khắc phục được những hậu quả nặng nề do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra đối với nền kinh tế, không để các sức ép từ bên ngoài dẫn tới các biến động xã hội, một mục tiêu mà khi khôi phục lại các biện pháp trừng phạt toàn diện, Mỹ vẫn luôn hướng tới. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Iran đề cập khi cho rằng chính sách “bắt nạt” của Mỹ sẽ chỉ càng làm cho người dân Iran đoàn kết hơn mà thôi.

Và Tehran cũng sẽ kiên nhẫn chờ đợi tính chất nhiệm kỳ của nền chính trị Mỹ phát huy tác dụng, khi mà chưa ai biết được rằng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng!