Xử nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích

Ðể thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại rượu bia, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung ra quân tăng cường kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn giao thông (ATGT) đường bộ liên quan tình trạng sử dụng rượu, bia, chất kích thích nhằm hạn chế tai nạn giao thông và lấy lại niềm tin cho người tham gia giao thông…

Ðội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện ô-tô tại xa lộ Hà Nội.
Ðội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện ô-tô tại xa lộ Hà Nội.

Tối 15-12, Ðội CSGT An Lạc, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quân tổng kiểm tra các loại phương tiện lưu thông tại khu vực gần vòng xoay An Lạc, huyện Bình Chánh. Tại đây, người điều khiển xe ô-tô, xe khách, xe công-ten-nơ, xe tải… đều được yêu cầu đo nồng độ cồn và hầu hết lái xe đều chấp hành, hợp tác. Chỉ trong gần một tiếng đồng hồ kiểm tra, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý năm trường hợp điều khiển ô-tô có nồng độ cồn vượt quá quy định. Ông An, tài xế điều khiển ô-tô bảy chỗ hướng từ cầu Bình Ðiền lưu thông về TP Hồ Chí Minh sau khi lực lượng GSGT đo nồng độ cồn đã phát hiện nồng độ cồn trong khí thở là 0,4 mg/lít. Với kết quả này, CSGT đã lập biên bản vi phạm, tước Giấy phép lái xe sáu tháng và yêu cầu ông An nộp phạt tám triệu đồng. Cũng trong đêm 15-12, có ba trường hợp điều khiển ô-tô có nồng độ cồn khá cao bị Ðội GSGT An Lạc lập biên bản xử phạt, đồng thời tịch thu giấy phép lái xe từ bốn đến sáu tháng, phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng/trường hợp. Ông Nguyễn Văn Hùng, điều khiển xe ô-tô bốn chỗ ngồi hướng từ huyện Bình Chánh về Long An cho biết: Trước khi lên xe chở người nhà về miền tây ông có lai rai với nhóm bạn nhưng cứ nghĩ uống chút đỉnh không sao cho nên vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi bị CSGT yêu cầu dừng xe để đo nồng độ cồn, ông Hùng dừng xe hợp tác và bất ngờ với kết quả đo là nồng độ cồn khá cao. Sau khi ký vào biên bản xử phạt ông Hùng xem đây là bài học sâu sắc. Tương tự, lúc 21 giờ 15 phút ngày 20-12, khi phát hiện lái xe tên Phạm Văn T. (ngụ quận 9) có số đo nồng độ cồn 0,077 mg/lít khí thở, Ðội CSGT Rạch Chiếc đã lập biên bản, tạm giữ xe ô-tô bốn chỗ, tước giấy phép lái xe của người này trong thời gian hai tháng, đồng thời xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng. "Tôi chở vợ con về bên vợ dự đám giỗ, có uống với anh em trong gia đình một vài ly bia. Nhận thấy mình uống không nhiều và còn tỉnh táo cho nên vẫn chủ quan lái xe, qua lần xử phạt này tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc", ông T. chia sẻ.

Theo lực lượng CSGT, việc xử lý lái xe đã uống rượu bia rất mất thời gian do họ không còn tỉnh táo, dễ nổi nóng, không chịu cho CSGT đo nồng độ cồn, có trường hợp còn xúc phạm người thực thi công vụ. Trong trường hợp này, CSGT sẽ dùng ca-mê-ra ghi hình, khéo léo giải thích, nếu không được thì kết hợp công an địa phương để cưỡng chế người vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông đều cho rằng việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn và có chế tài xử phạt là hợp lý, nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở lái xe không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm tính mạng cho cả bản thân mình và người khác.

Ngày 13-12, lực lượng PC08, Công an TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch bảo đảm ATGT dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 với cao điểm thực hiện kiểm tra kéo dài từ ngày 15-12 đến hết ngày 14-2-2020. Theo đó, lực lượng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với các đối tượng là người điều khiển xe ô-tô, xe máy, tập trung các lỗi vi phạm phổ biến như: nồng độ cồn, chất kích thích; chạy quá tốc độ quy định; lạng lách, đánh võng… Ngoài ra, lực lượng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động hơn trong việc phối hợp các đơn vị vận tải, người dân địa phương và cơ quan chức năng để hỗ trợ đưa người vi phạm về nhà sau khi tịch thu phương tiện. Lãnh đạo Phòng CSGT cũng khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông trong dịp Tết cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Khi đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện để bảo đảm an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho những người khác.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh: CSGT xử phạt nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn là cần thiết nhằm bảo đảm yếu tố giáo dục, nhất là khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia sắp có hiệu lực. Ðối với những trường hợp đã vi phạm mà còn cố tình cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ thì cần xử lý nghiêm với mức phạt cao nhất. Ông Tường dẫn chứng, trong chín tháng năm 2019, ngành y tế thành phố đã tiếp nhận 17.027 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó xét nghiệm có nồng độ cồn là 4.435 trường hợp, làm tử vong 170 trường hợp. Một kết quả khảo sát vừa được Ban ATGT thành phố công bố cho thấy, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng, quán ăn chiếm 68%, trong đó 40% trong tình trạng say xỉn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ rất cao. Từ thực trạng nêu trên, Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tham giao giao thông với thông điệp: "Ðã uống rượu bia - Không lái xe", các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể, các cơ quan truyền thông thành phố cần tăng cường và thực hiện xuyên suốt hơn nữa.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, năm 2019, lực lượng CSGT thành phố đã lập biên bản xử lý 28.127 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 26.923 xe mô-tô và 1.204 xe ô-tô. Kết quả này cho thấy, lực lượng CSGT thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm nhằm chấn chỉnh trật tự ATGT đường bộ, nhất là đối với hành vi vi phạm sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông.