Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn

Cùng với các địa phương khác của cả nước, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…

Lực lượng CSGT và Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô-tô tại Bến xe Miền Đông.
Lực lượng CSGT và Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển ô-tô tại Bến xe Miền Đông.

THỐNG kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, cho thấy, sau gần một tuần tuần tra xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 100, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý hơn hai nghìn trường hợp. Các vi phạm nồng độ cồn chủ yếu ở mức 1 (<0,25 mg/lít khí thở), bị xử phạt từ sáu đến tám triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.

Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Đơn vị hoàn toàn chủ động trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn vì việc này lực lượng CSGT thành phố đã thực hiện nhiều năm qua, không gặp trở ngại gì. Bên cạnh xử phạt, trong quá trình công tác, CSGT đã kết hợp tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện hiểu rõ về Nghị định 100. “Đa số người dân chấp hành tốt vì nhận thức được hậu quả của việc sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông. Vấn đề cốt yếu là nhằm nâng cao ý thức của người dân chứ không phải là chăm chăm xử phạt”, Thượng tá Huỳnh Trung Phong cho biết thêm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khi Nghị định 100 có hiệu lực (1-1-2020) đặc biệt tăng nặng hình thức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông rất ý thức và đề cao việc không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia.

Ông Nguyễn Văn Ninh, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận chia sẻ: “Trước đây, khi tan giờ làm, tôi và vài người bạn thỉnh thoảng lai rai vài ly bia cho vui rồi lái xe về nhà. Với quy định xử phạt như hiện nay thì chỉ còn cách đón ta-xi hoặc xe ôm về nhà cho yên tâm”.

Theo quy định của Nghị định 100, người uống rượu, bia mà đi xe đạp bị phạt tới 600.000 đồng; điều khiển ô-tô thì mức phạt tới 40 triệu đồng, xe máy tới tám triệu đồng. Quy định mới còn tăng mức phạt rất cao đối với 16 hành vi vi phạm của người điều khiển ô-tô như chạy quá tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT và tín hiệu đèn giao thông… Với xe gắn máy, Nghị định 100 cũng quy định 25 hành vi vi phạm an toàn giao thông theo hướng tăng nặng.

Về các thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các thiết bị kiểm tra đều được cấp từ các cơ quan chức năng, bảo đảm quy chuẩn về kỹ thuật. Lực lượng CSGT thành phố trang bị đầy đủ các ống thổi, đủ để mỗi người dân sử dụng một chiếc, sau khi sử dụng xong là hủy ngay.

Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, không phải trường hợp nào cũng tiến hành thổi để kiểm tra, mà CSGT có thể kiểm tra theo quy định quốc tế, rất khoa học và chuyên sâu. Người tham gia giao thông chỉ cần trả lời một đến hai câu hỏi trong 5 giây sẽ phát hiện được nồng độ cồn và tiến hành test không quá một phút. Nếu người dân không vi phạm nồng độ cồn thì CSGT sẽ xin lỗi và mời họ tiếp tục hành trình. Với ai có nồng độ cồn, lực lượng kiểm tra sẽ mời riêng để kiểm tra và lập biên bản vi phạm. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn được phối hợp đồng bộ của các lực lượng gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Tổ công tác 363 của Công an TP Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh hiện tượng tiêu cực.

Theo Đội CSGT An Lạc (huyện Bình Chánh), việc xử lý lái xe đã uống rượu, bia rất mất thời gian do họ không còn tỉnh táo, dễ nổi nóng, không chịu cho CSGT đo nồng độ cồn, có trường hợp còn xúc phạm người thi hành công vụ. Trong trường hợp này, CSGT sẽ dùng ca-mê-ra ghi hình, khéo léo giải thích, nếu không được thì kết hợp công an địa phương cưỡng chế người vi phạm…

Thời gian qua, việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí gây bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế nói chung. Cùng với cả nước, lực lượng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã và đang xử phạt nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn là nhằm hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn giao thông, lấy lại niềm tin cho người tham gia giao thông…

GHI nhận từ thực tế, hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông đều cho rằng việc CSGT kiểm tra nồng độ cồn và có chế tài xử phạt là hợp lý, nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở lái xe không nên sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho cả bản thân và người khác…