Xóa các điểm “đen” tai nạn giao thông

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, mặc dù tình hình tai nạn giao thông trong năm 2018 giảm trên cả ba mặt so với cùng kỳ nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại 16 điểm "đen" thường xảy ra tai nạn giao thông và bảy điểm ùn tắc giao thông (UTGT) phức tạp, cần tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến đường D5 (quận Bình Thạnh) là một trong bảy "điểm đen" ùn tắc giao thông thành phố đang tập trung giải quyết.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến đường D5 (quận Bình Thạnh) là một trong bảy "điểm đen" ùn tắc giao thông thành phố đang tập trung giải quyết.

Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong số 34 điểm có nguy cơ xảy ra UTGT trên địa bàn thành phố năm 2018, đến nay mới chỉ xóa được sáu điểm và 14 điểm có chuyển biến tốt; còn bảy điểm có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp. Có bảy điểm khác liệt vào danh sách “điểm nóng” thường xuyên UTGT, dù các đơn vị nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, gồm: Giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, đường Trường Chinh, đoạn từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình); đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến đường Bạch Đằng; đoạn từ đường Bạch Đằng đến Ngã năm Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh); đường Dương Bá Trạc, đoạn qua cầu Kênh Xáng (quận 8); giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh) và khu vực Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân).

Ghi nhận vào giờ cao điểm tại một “điểm nóng” UTGT khu vực đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình), các phương tiện gồm xe máy, ô-tô, xe buýt ùn ùn đổ về tuyến đường Âu Cơ khiến tình hình giao thông đi lại hết sức khó khăn. Một tài xế xe buýt chạy tuyến 27 đi qua tuyến đường này cho biết: “Cứ tầm 5 giờ chiều đi đến đoạn này là xem như không lối thoát, xe lăn bánh từng chút một, có khi chờ gần 30 phút mới thoát ra khỏi đám đông”. Tương tự, tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cứ vào giờ cao điểm sáng và chiều, xe ô-tô và gắn máy nhích từng chút một để vượt qua đoạn ngã ba Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó rẽ phải sang Tôn Đức Thắng lưu thông vào khu trung tâm. Nhiều người lưu thông qua giao lộ này than phiền, tình trạng UTGT ngày càng trầm trọng hơn, nhất là vài năm gần đây dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh xây dựng nhiều chung cư, nhà cao tầng với lượng lớn phương tiện, nhất là ô-tô từ các khu nhà ở tham gia lưu thông. Gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tham gia điều tiết khu vực này vào giờ cao điểm và phân luồng từ xa, cho nên tình hình ùn tắc kéo dài có giảm nhưng không đáng kể.

Cùng với các điểm nóng UTGT, thành phố còn tồn tại 16 "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), tập trung ở năm tuyến đường chính chủ yếu là quốc lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố. Thành phố đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông và Ban ATGT thành phố quyết liệt tập trung giải quyết. Theo đó, 16 "điểm đen" TNGT tập trung tại năm tuyến đường có tỷ lệ TNGT cao, gồm quốc lộ 1, quốc lộ 22, Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt. Nhận định nguyên nhân số vụ TNGT tăng cao trên địa bàn, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho rằng, Bình Chánh nằm ở khu vực cửa ngõ, với nhiều tuyến giao thông chính cho nên tình hình luôn phức tạp. Qua thống kê, các vụ TNGT phần lớn xuất phát từ việc đi sai làn đường, không làm chủ tốc độ, phần lớn người chết do TNGT là những người từ địa phương khác lưu thông qua địa bàn huyện. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Các phương án tổ chức giao thông đang có nhiều bất cập ở nhiều tuyến đường. Đơn cử như các tuyến Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh hoặc một số tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố dù đã tổ chức tách các làn đường nhưng không ít xe máy vẫn cố tình lưu thông vào làn đường ô-tô, mặt đường nhiều đoạn cũng xuống cấp là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT. Theo ông Tường, công tác tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cần được đẩy mạnh và thường xuyên hơn. Cùng với đó các đơn vị chuyên môn phải kiểm tra, xử lý bất cập trong tổ chức giao thông ở những tuyến đường này, nhất là vị trí các giao lộ và đoạn hở dải phân cách để bố trí phân luồng cho phù hợp.

Để giải quyết tồn tại từ các “điểm đen” TNGT, Phòng PC08 cũng đã bắt đầu mở đợt cao điểm thực hiện các giải pháp để kéo giảm TNGT ở năm tuyến đường này, thời gian thực hiện cao điểm đến ngày 15-5. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng chính là các loại ô-tô hoạt động kinh doanh vận tải và các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích; xe chở quá tải, vượt quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; lưu thông đường cấm, khu vực cấm... Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường tuần tra, phát hiện và phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông như: cướp giật, lừa đảo, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại và đối tượng chống người thi hành công vụ. Riêng bảy “điểm đen” UTGT, lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đội Cảnh sát giao thông quận, huyện tăng cường kiểm tra, phân luồng vào thời gian cao điểm sáng và chiều mỗi ngày; đồng thời chủ động giảm nguy cơ kẹt xe trong tình hình đi lại tăng cao dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.