Xây dựng y tế thông minh

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đô thị thông minh nhằm từng bước đưa thành phố trở thành một đô thị hiện đại trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó, ngành y tế thành phố cũng từng bước hướng đến một nền y tế thông minh với nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ra đời nhằm chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn…
Người dân tra cứu thông tin khám bệnh qua ki-ốt hỗ trợ tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Quận 2
Người dân tra cứu thông tin khám bệnh qua ki-ốt hỗ trợ tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Quận 2

Trong lộ trình xây dựng y tế thông minh, ngành y tế TP Hồ Chí Minh xác định ba đối tượng chính cần tập trung hướng tới là: người dân, các cơ sở y tế và công tác quản lý. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết: Đối với người dân, xây dựng y tế thông minh là phải làm thế nào để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh, dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh những yếu kém, bất cập và được hướng dẫn tận tình. Từ đó, người dân có thể tự quản lý được sức khỏe của mình thông qua sự kết nối từ xa những thông số sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. Hiện, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã nỗ lực “làm mới” mình bằng những sản phẩm ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Nhiều năm nay, Bệnh viện Quận 2 được đánh giá là một cơ sở y tế thực hiện hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình. Bằng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, người dân đã tin tưởng tìm đến phòng khám bác sĩ gia đình của bệnh viện ngày càng đông hơn. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Bệnh viện Quận 2 đã cho ra đời “Ki-ốt hỗ trợ người bệnh tra cứu thông tin khám, chữa bệnh”. Ki-ốt này giúp người bệnh dễ dàng tra cứu thông tin về các dịch vụ của bệnh viện bằng màn hình cảm ứng, sử dụng thiết bị Raspberry Pi có giá thành thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, với sản phẩm này, người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện nếu muốn tìm thông tin cần thiết liên quan đến các dịch vụ cung ứng của bệnh viện thì chỉ cần “chạm” vào màn hình ki-ốt. “Ki-ốt sẽ cung cấp cho người bệnh đầy đủ thông tin về giá dịch vụ kỹ thuật mà họ cần thực hiện”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Tại Bệnh viện Mỹ Đức, quận Phú Nhuận, với sản phẩm ứng dụng CNTT “Người bệnh tự kiểm tra thông tin trước mổ, thân nhân người bệnh liên tục được cập nhật thông tin theo thời gian thực hiện phẫu thuật”, bệnh viện đã giải tỏa phần nào nỗi lo nguy cơ nhầm lẫn người bệnh trong phẫu thuật, đồng thời giúp người nhà người bệnh hài lòng hơn khi liên tục được cập nhật thông tin về tình hình người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật. Trong khi đó, Viện Y Dược học dân tộc đã hình thành sản phẩm “Ứng dụng thực tế ảo tăng cường AR trong giới thiệu vị thuốc và thuốc y học cổ truyền”. Sản phẩm này ra đời giúp người bệnh, học viên, nhân viên của bệnh viện khi cần tìm hiểu hình dạng của lọ thuốc, cách sử dụng, công dụng của các vị thuốc y học cổ truyền,…chỉ cần đến màn hình và chạm vào tên thuốc cần tìm hiểu thì hình ảnh thật của lọ thuốc, dược liệu cũng như thông tin cần thiết sẽ hiện lên màn hình.

Xây dựng y tế thông minh phải bảo đảm cho bác sĩ tại các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ sai sót ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh. Y tế thông minh phải giảm bớt được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện. Bác sĩ tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với bác sĩ tuyến trên để hội chẩn, để được tư vấn. Y tế thông minh cũng sẽ giúp ngành y tế triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính của ngành, triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Sự kiện đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) được mời qua Phi-líp-pin hỗ trợ bác sĩ nước bạn thực hiện ca mổ đầu tiên bằng rô-bốt cho thấy ngành y tế thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong lộ trình xây dựng y tế thông minh…

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hai điều kiện không thể thiếu khi xây dựng y tế thông minh đó là đầu tư hạ tầng phần cứng tương thích và củng cố nhân lực chuyên trách CNTT. Hạ tầng phần cứng phải bảo đảm hiệu quả xử lý, an toàn trong vận hành. Nhân lực CNTT ngoài kiến thức chuyên ngành phải có kiến thức và am hiểu về các quy trình, nghiệp vụ y tế, kiến thức về bảo hiểm y tế. Sở Y tế thành phố đã đề nghị các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn không ngừng củng cố hạ tầng CNTT, cùng đóng góp và xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế. Các đơn vị y tế cần chủ động học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, phân bổ nguồn lực hợp lý theo từng giai đoạn để lộ trình xây dựng y tế thông minh được triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh…