Xây dựng và phát triển văn hóa, con người phải tương xứng với tiềm năng

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình, cách làm hay được thực hiện, từng bước mang lại môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp cho mỗi người dân thành phố. Tuy nhiên, so với vị trí, tiềm lực của mình, thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người đạt những kết quả như mong muốn, xứng đáng với sự kỳ vọng của cả nước.

Một cảnh trong vở "Giấc mộng đêm xuân" diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Một cảnh trong vở "Giấc mộng đêm xuân" diễn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Vở diễn "Dấu xưa" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ là một trong những điểm sáng trong việc làm mới hình thức tuyên truyền về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Từ sự "đặt hàng" của Ban Tuyên giáo Thành ủy, vở diễn đã truyền tải được những phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ qua câu chuyện rất đời thường của Người. Vở diễn mang tính giáo dục, hướng con người học tập và làm theo Bác nhưng lại rất dung dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Ðến nay, "Dấu xưa" đã được biểu diễn tại nhiều nơi trong thành phố, từ các quận nội thành đến các huyện vùng ven, từ công nhân đến những em nhỏ ở các trường học. Lưu diễn ở đâu, vở "Dấu xưa" cũng tạo được sức hút, gây xúc động cho nhiều người. Ðồng chí Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận chia sẻ: Quận ủy đã mời Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ về diễn vở "Dấu xưa" cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trên địa bàn quận xem. Vở diễn đã tác động mạnh đến tình cảm, ý thức của đội ngũ cán bộ và người dân trong quận. Bằng câu chuyện giản dị, mọi người nhận ra học theo Bác đâu cần những điều cao xa mà từ những việc làm cụ thể, những việc nhỏ hằng ngày. Từ vở "Dấu xưa" cho thấy, hình thức tuyên truyền bằng những tác phẩm nghệ thuật thật sự đã mang lại những hiệu quả tích cực. Không chỉ riêng vở "Dấu xưa", trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư cho nhiều bộ phim tài liệu, vở diễn sân khấu về truyền thống cách mạng, về Bác Hồ kính yêu lưu diễn phục vụ cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố và nhiều tỉnh, thành phố như: Phim tài liệu "50 năm Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc Bác Hồ; các vở cải lương, kịch "Bức chân dung huyền thoại", "Châu về hợp phố", "Rặng trâm bầu", "Cánh đồng rực lửa", "Giấc mộng đêm xuân"… Ðây là một trong những cách làm hay, mang lại hiệu quả trong việc xây dựng con người thành phố với tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh để phát triển toàn diện, một trong sáu nhiệm vụ mà thành phố đã đặt ra để thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết số 33 - NQ/TW, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Toàn Ðảng bộ thành phố đã thực hiện 1.997 lớp triển khai Nghị quyết cho 177.278 đảng viên tham dự (tỷ lệ 91,33%). Thành ủy thành phố đã đề ra sáu mục tiêu chủ yếu và sáu nhiệm vụ trung tâm cùng giải pháp thực hiện. Sáu nhiệm vụ trung tâm là: Xây dựng con người thành phố phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa thành phố và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố, đã được nâng lên. Ðiều đó được thể hiện rõ nét trong nhận thức và hành động, xây dựng con người được xem là trọng tâm có ý nghĩa chiến lược và quyết định trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phù hợp với vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, hoạt động văn học - nghệ thuật, hệ thống thiết chế văn hóa… của thành phố đều có những bước cải thiện, phát triển phong phú.

Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng phát triển văn hóa, con người của thành phố trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng tiềm năng, vị trí một đô thị đặc biệt, một đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố thiếu hẳn một nhà hát xứng tầm cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Trong khi đó, nhiều sân khấu, nhà hát được xây dựng trước đây đã chuyển công năng, phục vụ cho nhu cầu kinh doanh khác ngoài nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật phải thuê mướn sân khấu tại các trung tâm văn hóa quận, huyện để làm nơi biểu diễn trong điều kiện tạm bợ. Thành phố cũng thiếu hẳn không gian dành cho nghệ thuật, cho nên hàng loạt sáng tác của văn nghệ sĩ trên lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh… không có địa điểm để trưng bày phải cất vào kho. Hệ thống thư viện cũ kỹ, kém thu hút độc giả và du khách đến tham quan. Môi trường sống có nhiều cải thiện, nhưng thành phố vẫn thường xuyên đối mặt với những nạn cướp giật, ma túy, ngập nước, kẹt xe… Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng và phát triển con người của thành phố. Giải thưởng văn học - nghệ thuật được tổ chức và trao tặng thường xuyên, nhưng thành phố hiện vẫn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. Bên cạnh đó, dù thành phố đang có dòng chảy về ngành công nghiệp văn hóa khi điện ảnh, thời trang… đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng đó chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp, trong khi ở vai trò nhà nước, thành phố vẫn còn lúng túng để hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Chính từ thực tế đó, dù có sự chuyển biến sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, nhưng những gì thành phố đạt được trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người vẫn chưa đáp ứng với sự mong mỏi của người dân thành phố và của
cả nước.

Hồ Chí Minh luôn vì cả nước, cùng cả nước. Mọi quyết sách và việc làm của Ðảng bộ, chính quyền thành phố luôn thu hút sự quan tâm của cả nước. Việc thực hiện Nghị quyết số 33 nói riêng hay các Nghị quyết của Ðảng nói chung đều có ý nghĩa rất lớn, tác động đến việc thực hiện Nghị quyết của Ðảng trên phạm vi cả nước. Chính vì thế, thành phố cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục những mặt chưa làm được, đồng thời tiếp tục phát huy những điểm mạnh, mô hình, cách làm hay nhằm tạo ra sự đột phá trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời gian tới.