Xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế

TP Hồ Chí Minh đang triển khai tham vấn ý kiến của các chuyên gia và tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà quản lý… để hoàn thiện đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Đây là thực tế khách quan, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của thành phố nói riêng.

Một sàn giao dịch chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh.
Một sàn giao dịch chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh.

Hội tụ nhiều lợi thế

TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với dân số đông nhất cả nước (hiện gần chín triệu người có hộ khẩu thường trú), là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, một khu vực được đánh giá là năng động và đóng góp nhiều nhất vào tổng thu ngân sách của nước ta.

Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp GRDP (tổng sản phẩm nội địa khu vực) của thành phố có mức tăng trưởng hơn 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.065 USD/người, gấp 2,3 lần mức bình quân cả nước. Thành phố đang đóng góp một phần bốn tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một phần ba giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thành phố được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng chọn làm điểm đến đầu tiên để đầu tư vào Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á. Tính đến hết năm 2018, thành phố có 8.328 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số dự án FDI trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 45 tỷ USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước.

Với các lợi thế hiện có, định hướng xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại thành phố là cần thiết, khách quan, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và của thành phố. Điều này đã được thể hiện trong quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu phát triển: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông - Nam Á”.

Cần nhiều giải pháp đột phá

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định: Việc hình thành và phát triển TP Hồ Chí Minh thành TTTC tầm khu vực và quốc tế phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ từ Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, bởi gần như tất cả cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực tài chính đều do Trung ương quyết định. Vì vậy, để TTTC sớm thành hiện thực thì cả thành phố và Trung ương đều cùng phải quyết tâm.

Theo GS, TS Sử Đình Thành (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), thành phố cần thành lập một cơ quan chuyên trách, làm đầu mối về phát triển TTTC; sớm quy hoạch khu vực TTTC; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính để góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả các giao dịch tài chính; có chính sách khuyến khích phát triển ngành tài chính; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng… Hệ thống tài chính của thành phố cần phát triển đồng bộ. Cụ thể, hình thành sàn giao dịch tiền tệ tập trung, từng bước kết nối thị trường tiền tệ thành phố với thị trường tiền tệ khu vực. Phát triển mạnh mẽ thị trường trái phiếu dài hạn thông qua phát hành trái phiếu kho bạc có thời hạn từ 10 năm trở lên, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu bằng việc xúc tiến phát triển thị trường phái sinh trái phiếu kho bạc… Cùng với đó, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả giao dịch thị trường cổ phiếu, tạo lập một thị trường thân thiện với nhà đầu tư cũng như có chiến lược gắn kết thị trường trong nước với thị trường khu vực. Tập trung phát triển công nghệ quản lý tài sản, các dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ quản lý ngân quỹ, nợ khó đòi, nợ quá hạn… Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định pháp lý trong lĩnh vực tài chính.

Theo TS Lê Hồng Giang (Giám đốc chiến lược Quỹ Tactical Global Management của Ô-xtrây-li-a), những năm gần đây, do sự bùng nổ công nghệ di động và trí tuệ nhân tạo, ngành tài chính bước vào cuộc thay đổi lớn, dịch vụ tài chính ngày càng phụ thuộc công nghệ. Do vậy, các TTTC sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ hoặc cộng sinh với trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các TTTC hiện hữu nhưng lại là cơ hội cho các TTTC mới ra đời. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tài chính truyền thống, Việt Nam và TP Hồ Chí Minh nên chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính (Fintech) và đây sẽ là hướng đi mới cho các TTTC…

Đồng tình với quan điểm này, GS, TS Trần Ngọc Thơ (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Fintech sẽ làm thay đổi “cuộc chơi” của các TTTC trên toàn thế giới. Vì thế, bước đầu của việc phát triển TTTC quốc tế tại thành phố là nên tập trung vào lĩnh vực Fintech và muốn phát triển được Fintech thì cần có chính sách nhân lực linh hoạt, hiệu quả, làm sao thu hút được nhiều nhân lực xuất sắc.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Lãnh đạo thành phố luôn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng TP Hồ Chí Minh thành TTTC khu vực và quốc tế và sẽ biến quyết tâm lớn này sớm thành hiện thực. Vì vậy, các bộ, ngành, các nhà đầu tư và các chuyên gia cần hỗ trợ, chung tay, góp sức với thành phố, từng bước giải quyết các khó khăn hiện nay cũng như xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển TTTC khu vực và quốc tế. Thành phố cam kết sát cánh cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và hỗ trợ tối đa cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại thành phố.