Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng, ưu tiên để TP Hồ Chí Minh đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố đã có những định hướng mang tính chiến lược để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giờ lên lớp của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, TP Thủ Ðức.
Giờ lên lớp của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, TP Thủ Ðức.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2010 - 2015), lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đều xây dựng các chương trình đột phá, trong đó có chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình đã đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng và các giải pháp chiến lược, tạo bước phát triển căn bản về nguồn lực con người trên các lĩnh vực: giáo dục đại học, cao đẳng; giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao, kinh doanh... Theo Sở Nội vụ, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố được triển khai từ năm 2001 theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy với mục tiêu tuyển chọn, đào tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, cán bộ khoa học cho hệ thống chính trị thành phố. Thông qua chương trình, thành phố đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo 920 học viên (tiến sĩ 92 trường hợp, 828 trường hợp đào tạo thạc sĩ). Hiện nay, Chương trình có 686 trong tổng số 920 cán bộ đang công tác, trong đó có 314 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã. Ngoài đào tạo sau đại học, thành phố còn triển khai chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi với đối tượng tham gia là sinh viên mới tốt nghiệp đại học chính quy đạt loại khá trở lên và cán bộ, công chức, viên chức trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị có chiều hướng phát triển tốt. Qua đó, thành phố đã xét đưa vào chương trình 1.527 trường hợp là sinh viên có học lực khá, giỏi và cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có chiều hướng phát triển tốt. Thành phố cũng triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ một số ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành y, dược; Ðề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư và chuyên gia quản lý, vận hành hệ thống công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Những kết quả đạt được của các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực trình độ cao, là tiền đề quan trọng giúp thành phố đạt được các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh, cũng như các ngành mũi nhọn về trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn… mà thành phố đang hướng đến chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Nguồn nhân lực là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, có kiến thức liên ngành ở TP Hồ Chí Minh hiện còn ít, số lượng nhân lực chất lượng cao còn thấp. Một thực trạng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là phần lớn sinh viên tốt nghiệp lại chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận công việc. Cũng theo thạc sĩ Kim Ngân, trong bối cảnh phát triển kinh tế số, khoa học và công nghệ hiện đại hiện nay, trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố nên phát triển theo hướng đa ngành và có sự liên kết. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở thành phố thông minh phải là một nguồn nhân lực có kiến thức sâu và rộng, có thể kết nối giữa các lĩnh vực với nhau, có thể sử dụng thành thạo các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ðồng thời, cần đẩy mạnh thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về làm việc, phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của thành phố. Trong đó, coi trọng thu hút chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thực phẩm, logistics, thương mại điện tử, y tế, công nghệ cao…

Mục tiêu TP Hồ Chí Minh đưa ra là đến năm 2025 xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á. Với tầm nhìn và khát vọng, quyết tâm cao như trên, thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển nguồn nhân lực và văn hóa thành phố (bao gồm 11 đề án, chương trình thành phần) là một trong ba chương trình đột phá thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Thành phố sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là: đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất phát từ chính nhu cầu thực tế; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm để xác định phương hướng đào tạo; tăng cường thu hút, tuyển chọn và hoàn thiện cơ chế sử dụng, phát huy năng lực nhân tài; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và học viên chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường, phát huy nguồn lực xã hội hóa. Có thể nói, đây là một sự chuẩn bị bài bản, có tính chiến lược để tiếp tục phát huy nguồn lực con người - nhân tố quý báu nhất, là lợi thế cạnh tranh của thành phố trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.