Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Là trung tâm kinh tế - khoa học của cả nước, TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Bước đầu, thành phố đã dần hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội…

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến như là “cái nôi” của khởi nghiệp ở nước ta với hơn 800 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) đang hoạt động, chiếm hơn 42% số lượng startup của cả nước. Về tiềm lực khoa học và công nghệ (KH và CN), thành phố hiện có Khu công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao; Công viên phần mềm Quang Trung; Trung tâm công nghệ sinh học; Viện khoa học công nghệ tính toán...

Theo Phó Giám đốc Sở KH và CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Kỳ Phùng, thành phố là địa phương có tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có tiềm lực khá mạnh để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn với khoảng 15% DN KH và CN đang hoạt động. Trên địa bàn thành phố hiện có 345 trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu; hơn 125 phòng thí nghiệm và hơn một triệu trí thức, trong đó hơn 20 nghìn nhà khoa học trực tiếp tham gia hoạt động khoa học. Đây không chỉ là nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, nhiều startup thành phố đã gọi vốn thành công với 20 dự án có tổng số vốn hơn 300 triệu USD. Hàng loạt startup của thành phố đã tự tin xuất ngoại, tham gia các đấu trường quốc tế, trong đó chín nhóm khởi nghiệp sáng tạo đã được chọn đi tìm kiếm thị trường ở Hàn Quốc, Xin-ga-po...

Báo cáo nghiên cứu năm 2019 của Viện Kinh tế phát triển thuộc Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường KH và CN thành phố với 36,4% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, có quy mô chi tiêu cho KH và CN đạt 0,64% GRDP. Thành phố chi cho hoạt động KH và CN là 2,68% tổng ngân sách năm 2019. Thành phố cũng đã hỗ trợ 44 tỉnh, thành phố trong nước về kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với mục đích hình thành mạng lưới hợp tác thúc đẩy cộng hưởng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH và CN và đổi mới sáng tạo với Ô-xtrây-li-a, Phần Lan, Thụy Điển, Áo,…

Đạt được kết quả nêu trên, trước hết là nhờ tư duy, nhận thức sâu sắc của lãnh đạo thành phố về xu thế quyết định của KH và CN, đổi mới sáng tạo và lấy khởi nghiệp làm động lực để phát triển bền vững. Thành phố không ngừng thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng mô hình kết nối ba nhà: DN - trường, viện - Nhà nước, trong đó lấy DN làm trung tâm. Đẩy mạnh liên kết khối DN với các trường, viện nhằm kết nối dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển phục vụ sản xuất; hỗ trợ các trường, viện giới thiệu kết quả nghiên cứu tiềm năng với cộng đồng DN và nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở KH và CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng, để đổi mới mô hình tăng trưởng, thành phố xác định mô hình phát triển theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Thành phố đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... tạo sức lan tỏa tới cộng đồng khởi nghiệp, qua đó giúp thành phố nhanh chóng vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhìn nhận, thực tế cho thấy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố vẫn chưa đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần, đáp ứng sự cạnh tranh ngày càng lớn của quá trình hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố mới chỉ hình thành ở giai đoạn đầu, chưa phát triển theo chiều sâu, thiếu liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết giữa nhà khoa học và DN…

Nhiều chuyên gia kinh tế đề đạt: Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thành phố cần xây dựng chương trình liên kết vùng về đổi mới và sáng tạo; giới thiệu và chuyển giao các mô hình, giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình tổ chức kinh doanh sáng tạo.

Những yếu tố cốt lõi cho đổi mới sáng tạo là sự cộng tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ của các thành phần trong hệ sinh thái, do vậy, thành phố cần thúc đẩy các hoạt động KH và CN, đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp nói riêng. Đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và xây dựng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Trong đó, thành phố cần hoàn thiện, đa dạng hóa và phổ biến sâu rộng các chính sách hỗ trợ phủ kín các giai đoạn từ hoạt động nghiên cứu phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho đến khởi nghiệp. Tiếp tục triển khai các kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH và CN và đổi mới sáng tạo, nhất là thúc đẩy các dự án hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm.

Cùng với đó, thành phố cần xây dựng, hình thành, hoàn thiện mạng lưới kết nối với trung tâm khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, qua đó chia sẻ nguồn lực, kết nối cung cầu, cộng tác mở rộng không gian sáng tạo, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự phát triển chung của cả khu vực Nam Bộ và cả nước…