Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Khi thu nhập ngày càng cao thì người dân sẽ có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thực phẩm an toàn và cơ chế kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chưa hình thành cơ chế vận hành liên kết chuỗi; các hộ dân, cơ sở sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn ít…

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị BigC, quận 2. Ảnh: LÝ NGUYỄN
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị BigC, quận 2. Ảnh: LÝ NGUYỄN

Thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn hàng nông sản do thành phố tự cung cấp tương đối hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20%. Còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các địa phương lân cận. Thịt heo, thịt gà, trứng gà chủ yếu đến từ các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương…; thịt vịt, trứng vịt chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang…; rau, củ, quả chủ yếu đến từ Lâm Đồng, Tiền Giang; gạo từ Long An, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang…

Dù vậy, hoạt động liên kết cung ứng nông sản giữa thành phố và các địa phương vẫn còn diễn ra một cách ngẫu nhiên, thiếu chặt chẽ. Trong đó, thị phần bán lẻ chiếm khoảng 75% (bao gồm các chợ truyền thống, chợ vỉa hè…), số còn lại là thông qua kênh bán lẻ hiện đại, chiếm 25%.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 5.000 trang trại, 68 hợp tác xã và gần 230 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, số lượng nông sản được tham gia vào các chuỗi tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm có tính cạnh tranh thấp. Theo các chuyên gia, để bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng, thành phố cần liên kết chặt chẽ tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam đi vào thực chất, có chiều sâu; hình thành các chuẩn mực cho hàng hóa như VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi…

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: “Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có đầy đủ các chứng nhận về chất lượng. Đối với mặt hàng rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Trước sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng, sự kiên quyết trong kiểm soát VSATTP của thành phố, đòi hỏi các cơ sở, đơn vị sản xuất cần phải có sự thay đổi trong tư duy để nông sản, thực phẩm có thể chinh phục người tiêu dùng, xâm nhập thị trường thành phố một cách bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người sản xuất”.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang phối hợp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh triển khai đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam”. Qua khảo sát sơ bộ của nhóm nghiên cứu đề án này về tình hình cung ứng thực phẩm ở các chuỗi giá trị, chợ đầu mối, hành vi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và hành vi người sản xuất các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam cho thấy, người tiêu dùng hiện đang mất niềm tin về thị trường thực phẩm nói chung vì phần lớn cho rằng thực phẩm kém an toàn hơn 10 năm trước đây và sẵn sàng trả tiền cao hơn cho thực phẩm thật sự an toàn, có chứng nhận đáng tin cậy. Hầu hết hộ trồng rau và chăn nuôi heo, gà không tham gia hợp tác xã, chỉ một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa tham gia được các liên kết dọc với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm vì quy mô nhỏ lẻ và hoạt động chưa ổn định để bảo đảm nguồn cung. Thiếu đầu mối tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và không phân biệt giá là cản trở chính cho hộ gia đình sản xuất hiện nay…

Kênh phân phối hiện đại ở thành phố hiện có 212 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và gần 2.500 cửa hàng tiện lợi. Các kênh phân phối đã có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức thu mua hàng hóa với yêu cầu khắt khe hơn, quy định chặt chẽ hơn. Để giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm, tăng sức cạnh tranh, các kênh phân phối hiện đại công bố tiêu chí thu mua hàng hóa khá rõ ràng. Đối với hàng thực phẩm, tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, cụ thể là phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ…

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai các phương pháp để thực hiện thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố. Hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất; gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố.

Để cụ thể hóa những mục tiêu nêu trên, trong năm nay, Sở Công thương thành phố tiếp tục triển khai kết nối cung - cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất với hệ thống phân phối thị trường nội địa; tập trung đẩy mạnh công tác sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm trước khi đưa vào thị trường thành phố và tiến đến truy xuất nguồn gốc để xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả…