Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển đô thị

Theo xu thế hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một nhân tố quan trọng để xã hội phát triển. Ðối với một đô thị đặc biệt, quy mô lớn và đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh như TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng AI là điều hiển nhiên để hỗ trợ công tác quản lý, vận hành và nâng cao đời sống người dân. Tuy vậy, việc ứng dụng AI như thế nào trong bối cảnh hiện nay đối với thành phố là điều được người dân, các nhà khoa học rất quan tâm.

Hệ thống điều khiển trung tâm theo dõi hoạt động giao thông tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thành phố. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hệ thống điều khiển trung tâm theo dõi hoạt động giao thông tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thành phố. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều ứng dụng vào đời sống

Thời gian qua, với đề án Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố đã triển khai và áp dụng nhiều công nghệ để tạo dấu ấn vào việc phát triển đô thị, nhất là trong các lĩnh vực phục vụ đời sống nhân dân. Rất nhiều ứng dụng công nghệ này đều là thành quả của AI. Ðơn cử, tại Bệnh viện Bình Dân, đơn vị này đã trang bị rô-bốt ngoại tổng quát Da Vinci điều trị từ năm 2016 để thực hiện phẫu thuật gần 700 ca bệnh với nhiều bệnh lý phức tạp. Còn tại Bệnh viện Ung Bướu, hiện đã triển khai ứng dụng thử nghiệm phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ bác sĩ. Ðây là phần mềm AI nổi bật "IBM Watson for Oncology" của Mỹ, xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về y khoa tiên tiến. Phần mềm AI này tập trung vào hai loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Qua một thời gian thử nghiệm, hơn 100 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, hệ thống đã đánh giá những kết quả tích cực khi các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế sai sót trong điều trị.

Trong lĩnh vực giao thông, việc ứng dụng AI cũng mang lại nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý, điều hành. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm, Trung tâm Ðiều hành giao thông thông minh hiện đã hoàn thành và đáp ứng được bốn chức năng chính là: giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm. Việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 ca-mê-ra giám sát giao thông giúp các đơn vị chức năng chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến giao thông trên địa bàn thành phố.

Với việc phủ rộng cũng như kết nối nhanh trong nhiều lĩnh vực, AI hiện được nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố nghiên cứu và ứng dụng. Từ năm 2017, Phòng Thí nghiệm và Công nghệ phần mềm của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, phát triển các hệ thống tương tác thông minh, ứng dụng các thuật toán thông minh để phát triển dịch vụ thông minh cho thành phố. Còn tại Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, các giảng viên, nhà khoa học tại đây đã ứng dụng AI trong việc xác định danh tính qua vi-đê-ô để hỗ trợ trong công tác chăm sóc sinh viên khi cần tương tác với nhà trường. Ngoài ra, trường cũng có nhiều ứng dụng về AI trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, tư vấn tự động,...

Cần sự kết nối đồng bộ

TP Hồ Chí Minh hiện là đầu tàu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của cả nước. Việc thành phố triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng AI trong đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" đã được thực hiện quyết liệt thời gian qua. Với tiềm lực một thành phố trẻ, nơi có hơn 10 triệu dân, 30 nghìn doanh nghiệp, hàng trăm trường, viện nghiên cứu, TP Hồ Chí Minh đang có một hệ sinh thái giàu tiềm năng để phát triển, ứng dụng các nền tảng của cuộc cách mạng 4.0, trong đó có việc phát triển và ứng dụng AI. Tuy vậy, để thực hiện điều đó, thành phố cần nhận dạng và triển khai một cách đồng bộ, chiến lược các tiền đề hiện có trong vấn đề này, trong đó, quan trọng nhất là việc triển khai các nguồn lực về khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường, khả năng triển khai ứng dụng sau nghiên cứu, nguồn nhân lực,...

PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng hệ sinh thái AI, thành phố cần tập trung vào ba nhóm chiến lược gồm: Giáo dục và nghiên cứu AI, đây là chiến lược để phát triển nguồn nhân lực cho nên cần sự liên kết của ba nhà (nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước); tiếp đó là việc tiếp cận và làm chủ công nghệ AI bằng việc xây dựng chương trình nghiên cứu, đầu tư hạ tầng, thiết bị nghiên cứu bằng những chính sách hỗ trợ từ thành phố; và cuối cùng là đưa công nghệ AI tiếp cận các dự án khởi nghiệp và hệ sinh thái mở để tạo "sân chơi" chung cho các doanh nghiệp và cá nhân có cùng sở thích, niềm đam mê. Còn PGS, TS Thoại Nam, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và công nghệ 4.0 giai đoạn 2018 - 2023 cho rằng: TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang đi sau khá xa nhiều nước về kỹ thuật và công nghệ. Vì vậy, việc tiếp nhận nhanh và có chiến lược phù hợp sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta trong cuộc cách mạng 4.0. Trong bối cảnh đó, để AI trở thành một lợi thế, thành phố cần chú trọng tạo ra nguồn dữ liệu lớn và phong phú để tạo ra những tiền đề hữu ích cho sự phát triển của AI. Thành phố cũng tạo điều kiện để các trường, viện tiếp cận và nghiên cứu tạo ra những ứng dụng hữu ích để phát huy tính sáng tạo trong kỷ nguyên số của AI. "Việc hợp tác với các thành phố khác trong nước và ngoài nước trong phát triển hệ sinh thái AI cũng giúp thành phố tích hợp được nguồn dữ liệu phong phú tạo tiền đề cho sự phát triển của công nghệ này bởi dữ liệu được xem như là nguồn nguyên liệu cho sự phát triển của AI, nguyên liệu càng phong phú thì AI càng tạo ra nhiều ứng dụng cho đời sống", PGS, TS Thoại Nam đúc kết.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng: TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều lĩnh vực của cả nước, cửa ngõ của hội nhập. Từ năm 2015 thành phố đã đưa các dự án ứng dụng AI nhiều chương trình để hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ đời sống. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm so với nhu cầu thực tế khi thành phố đang từng bước trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích. Do đó, sự liên kết giữa các nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư tài chính) là yếu tố quan trọng để tạo nên một hệ sinh thái phong phú cho sự phát triển của AI. Trong đó, công tác nghiên cứu và đào tạo; nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo là những vấn đề then chốt để phát triển nền tảng AI trong đề án đô thị thông minh của thành phố.