Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử

Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nhiều sở, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác điều hành và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, ưu tiên hàng đầu được các đơn vị thực hiện là nhận và trả hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp qua kênh trực tuyến, giảm tiếp nhận thủ tục, hồ sơ, văn bản giấy.

Người dân tra cứu thông tin nhà đất trên hệ thống máy tính đặt tại UBND quận Bình Thạnh.
Người dân tra cứu thông tin nhà đất trên hệ thống máy tính đặt tại UBND quận Bình Thạnh.

Nhấp vào app (ứng dụng) có tên “Doanh nghiệp vận tải trực tuyến” hiển thị trên màn hình của chiếc điện thoại thông minh, một nhân viên của doanh nghiệp vận tải chuyên về cung ứng xe du lịch ở quận 10 có thể tải mẫu hợp đồng vận chuyển, sau đó điền số liệu vào mẫu và gửi về Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải (GTVT) để chờ phản hồi chấp nhận. Tất cả quy trình đều được thực hiện thông qua môi trường mạng trực tuyến cho nên doanh nghiệp không phải mất thời gian đi lại, nộp hồ sơ bằng văn bản giấy. Ứng dụng này vừa được Sở GTVT thành phố xây dựng và triển khai thực hiện từ đầu tháng 10-2018 nhằm hỗ trợ, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, với hơn 5.568 đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố, việc gửi và nhận văn bản giấy để giải quyết TTHC giữa Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Do đó, Sở GTVT đã lập ứng dụng “Doanh nghiệp vận tải trực tuyến” để doanh nghiệp thuận tiện tra cứu văn bản, lưu trữ tài liệu, dễ dàng nộp hồ sơ và giải quyết các TTHC liên quan. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng ứng dụng này để gửi trực tuyến cho Sở GTVT các nội dung doanh nghiệp phải thực hiện định kỳ như: Thông báo hợp đồng vận chuyển; báo cáo kết quả hoạt động vận tải; gửi, nhận các văn bản điện tử và tra cứu, tìm kiếm, thống kê các nội dung liên quan... Qua đó, Sở GTVT có thể tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp nhanh chóng nhằm kịp thời phản hồi, cấp phép, báo cáo thống kê, truy xuất dữ liệu theo yêu cầu. Thời gian gần đây, nhiều ứng dụng tiện ích liên quan cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu; cấp phép phù hiệu, biển hiệu ô-tô, giấy phép kinh doanh vận tải... cũng được Sở GTVT triển khai rộng rãi để rút ngắn tối đa quy trình giải quyết TTHC cho cá nhân và doanh nghiệp. Đơn cử như phần mềm Tra cứu thông tin kết quả cấp phép phù hiệu, biển hiệu ô-tô, giấy phép kinh doanh vận tải trên Cổng thông tin giao thông tại địa chỉ http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn. Từ đây, các cơ quan liên quan như thuế, công an, thanh tra có thể truy cập và xác định tính pháp lý trong xử lý nghiệp vụ mà không cần Sở GTVT hoặc các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin như trước đây. Hay phần mềm “Quản lý duy tu, cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu và cấp phép đường cấm, giờ cấm trong khu vực nội đô thành phố” đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng công trình thiết yếu theo tiêu chuẩn ISO từ 10 ngày xuống còn bảy ngày. Đồng thời phần mềm còn giúp phòng, ban chuyên môn dễ dàng trong quản lý cấp phép, quản lý duy tu, theo dõi cấp phép thi công bằng bản đồ theo từng lĩnh vực cụ thể như cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông, chiếu sáng công cộng, sửa chữa đường,…

Giữa tháng 8, UBND huyện Nhà Bè ra mắt ứng dụng "Nhà Bè trực tuyến" trên điện thoại di động. Người dân có thể tải ứng dụng “Nhà Bè trực tuyến” cài đặt vào điện thoại, ứng dụng này tương thích với cả nền tảng iOS và Android. Sau đó chụp hình, quay phim những trường hợp vi phạm và gửi về đơn vị có liên quan, trong vòng bốn giờ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý, phản hồi kết quả. Ứng dụng này được xem là hệ thống thông tin phản ánh tức thời các vi phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị (như tình trạng gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xây dựng không phép, trái phép…) của công dân cho cơ quan nhà nước. Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ các tiện ích thiết thực đi kèm cho người dân và doanh nghiệp như tra cứu thông tin quy hoạch, đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, theo dõi giám sát tình hình xử lý hồ sơ hành chính.

Theo UBND huyện Nhà Bè, ứng dụng này cho phép cơ quan giám sát (Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các đoàn thể) nhận thông báo tình hình vi phạm trật tự đô thị ngay khi có vụ việc xảy ra thông qua thiết bị di động để kịp thời chỉ đạo xử lý mà không cần phải chờ báo cáo hoặc văn bản giấy. Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Thành Khả cho biết: Sau hơn hai tháng triển khai, huyện đã tiếp nhận được 102 nội dung phản ánh. Tuy số lượng tin báo còn hạn chế, nhưng hầu hết các thông tin đều được các cơ quan chức năng cử lực lượng đến địa điểm vi phạm để xác minh, xử lý và công khai kịp thời kết quả xử lý trên ứng dụng để người dân theo dõi, giám sát. Nếu kết quả chưa đạt yêu cầu thì người dân tiếp tục có ý kiến phản ánh để cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Trước đó, ứng dụng này cũng được UBND quận 9, UBND quận Bình Thạnh thiết lập để phát huy vai trò giám sát của người dân trong công tác quản lý đô thị và vệ sinh môi trường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến nhận định: Hằng ngày thành phố phải giải quyết hơn ba nghìn hồ sơ hành chính cho nên đòi hỏi các sở, ngành, quận,huyện phải cùng thành phố chủ động đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để giảm tải lượng hồ sơ, thủ tục bằng giấy, giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các ứng dụng và phần mềm đã bước đầu phục vụ một số lĩnh vực cấp bách như giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, công khai thông tin quy hoạch, y tế, an toàn đô thị. Song theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, kho dữ liệu dùng chung của thành phố vẫn còn “nghèo”, chưa mang tính hệ thống, mỗi nơi số hóa một kiểu.

Để đồng bộ hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố cũng như các quận, huyện, UBND thành phố vừa ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử để các đơn vị tham chiếu, tuân thủ khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, thống nhất nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP Hồ Chí Minh về phát triển đô thị thông minh.