Ðưa nông nghiệp công nghệ cao tới vùng khô hạn

Nhận thấy tiềm năng của vùng đất khô hạn ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), một doanh nhân từ TP Hồ Chí Minh mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và đã mang lại hiệu quả tích cực. Ðây cũng là kinh nghiệm quan trọng để Bình Thuận đưa vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh.

Ông Phạm Văn Minh hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch dưa lưới cho công nhân tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Ông Phạm Văn Minh hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch dưa lưới cho công nhân tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).

Năm 2014, ông Phạm Văn Minh, một nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh đã tiên phong đến xã Hòa Thắng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Ban đầu, ông Minh mua 40 ha đất ở thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng với số tiền khoảng một tỷ đồng. Sau đó bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; kêu gọi thêm hai nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính tham gia thành lập Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Ðông Á (Công ty NNCNC Ðông Á).

Thời gian đầu, công ty trồng thanh long, dưa lưới, đinh lăng, ổi. Ðể có nước tưới, công ty đã phải khoan ba giếng lấy nước từ độ sâu hơn 150 m, mỗi giếng đầu tư hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nước được bơm lên cũng rất khó khăn, một giờ chỉ được khoảng 7 m3 đến 8 m3 với chi phí rất cao, từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng mỗi mét khối, trong khi đinh lăng, ổi lại cần nhiều nước. Từ đó, công ty chuyển hẳn sang trồng dưa lưới trong nhà màng và thanh long giàn sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của I-xra-en.

Sau khi kênh chính Tây - một kênh dẫn nước thuộc công trình cấp nước cho vùng đất khu Lê, huyện Bắc Bình đi vào vận hành đi qua khu vực sản xuất của công ty là tiền đề thuận lợi để công ty mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp CNC. Ông Minh tiếp tục kêu gọi thêm các nhà đầu tư cùng tham gia thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp CNC Bình Minh (HTX Bình Minh) với bảy thành viên.

Mong muốn của doanh nhân Phạm Văn Minh là xây dựng một cộng đồng có tiềm lực nhưng phải có tâm huyết để đánh thức tiềm năng vùng đất này. Ông Minh tiếp tục kết nối với anh em, bạn bè có tiềm lực kinh tế ở TP Hồ Chí Minh để cùng đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại đây. Khi tham gia HTX, các thành viên sẽ được HTX hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Ðiện, nước, đường giao thông. HTX không quản lý về tài chính của các thành viên (từng nhà đầu tư sẽ tự hạch toán độc lập), nhưng HTX sẽ quản lý chất lượng sản phẩm như lấy mẫu, kiểm soát mẫu theo đúng quy chuẩn, giá thành sản phẩm thống nhất.

Hiện, HTX Bình Minh tập trung trồng dưa lưới trong 60 nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của I-xra-en, mỗi nhà có diện tích 2.000 m2. Mỗi nhà màng cho thu hoạch 3 vụ/năm, sản lượng mỗi vụ từ 6 tấn đến 7 tấn. Với giá bán ngay tại nhà màng khoảng từ 35 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/ký, doanh thu đạt hơn 660 triệu đồng/nhà màng/năm. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt không dưới 30%.

HTX Bình Minh hiện đang sử dụng 50 lao động là người địa phương do HTX tự đào tạo với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí công việc và thời gian phục vụ. Với công việc và thu nhập ổn định, nhiều lao động đã gắn bó với HTX từ khi mới thành lập đến nay.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng đất khô hạn khu Lê, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) của HTX Bình Minh bước đầu đã mang lại hiệu quả và được nhiều doanh nghiệp cũng như lãnh đạo ở các địa phương trong tỉnh đến tham quan, học hỏi. Ông Minh cho biết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ, tư vấn miễn phí về ứng dụng CNC để sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương và doanh nghiệp nếu các đơn vị này có nhu cầu.

Hiện, hai doanh nghiệp do ông Phạm Văn Minh điều hành đều đã kết nạp thêm các thành viên mới và cổ đông có tiềm lực đến từ TP Hồ Chí Minh. Hai doanh nghiệp này đang đầu tư sản xuất trên diện tích hơn 210 ha ở vùng đất khô hạn Bắc Bình nằm trong vùng Ðề án nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, 60 ha của HTX Bình Minh trồng dưa lưới; còn hơn 150 ha của Công ty Ðông Á trồng thanh long giàn công nghệ Ðài Loan (Trung Quốc), măng tây và cây nhàu làm dược liệu…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Tấn nhận định, HTX Bình Minh rất nhạy bén, chủ động và có quyết tâm cao trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Các sản phẩm của HTX đều chủ động được đầu ra và tiêu thụ hết. Ðây là một mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đánh giá rất cao và tin tưởng sẽ là tiền đề để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào vùng đất được quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của Bình Thuận…