Trẻ em, người lớn dồn dập đổ bệnh

TP Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung đang trong thời điểm nắng nóng xen lẫn vài cơn mưa chuyển mùa. Với thời tiết như vậy, các bệnh viện ở đây đang phải "căng mình" đón nhiều người bệnh...

Người đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI
Người đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI

Ngày 12-5, báo cáo với Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng người bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã tăng 30% so với cùng thời điểm năm 2013. Do chỉ mới đầu mùa mưa cho nên dự kiến số lượng người bệnh SXH sẽ còn tăng cao. Từ đầu năm đến nay, đã có 2.943 người bệnh SXH nhập viện, cùng thời điểm này năm 2013 chỉ có 2.263 người. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết: Bốn địa phương có số người bệnh SXH nhiều nhất là quận 8, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh. "Từ ngày 10-5 đến 10-6, chúng tôi ra quân tiêu độc, khử trùng các ổ dịch SXH trên toàn địa bàn. Việc này rất cần sự chung tay phối hợp của chính quyền các địa phương", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Bác sĩ Lương Văn Một, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông chia sẻ: "Lâu nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 người đến khám bệnh, nhưng trong tuần qua, do nắng nóng xen mưa thất thường cho nên con số trên đã lên tới 1.000 người". Tại Khoa Nhi của bệnh viện này, đang có gần 100 trẻ em mắc các bệnh viêm phế quản, tay-chân-miệng, sởi, rối loạn tiêu hóa... Còn tại Khoa Cấp cứu và các khoa chuyên môn khác, hiện có hơn 200 người bệnh điều trị nội trú là người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch...

Ở Bệnh viện quận 5, không khí buổi sáng khá ngột ngạt do lượng người đến khám và điều trị tăng cao. Bác sĩ Trần Văn Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện so sánh: Những ngày thường, chúng tôi tiếp nhận trung bình 500 ca, nhưng tuần này, đã có khoảng 600 ca đến khám bệnh. Khá nhiều bệnh nhi bị sốt phát ban, thủy đậu, taychân-miệng... đã phải nhập viện.

Ghi nhận tại Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi ngày đều có vài ca bệnh lớn tuổi bị tai biến do nắng nóng phải nhập viện cấp cứu. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị Can thiệp thần kinh của bệnh viện cho biết: "Không chỉ tăng về số ca bệnh liên quan đến tai biến, tim mạch, huyết áp, số lượng người bệnh đột quỵ ngày càng "trẻ hóa".

Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phân tích: Thời tiết nóng bức, cơ thể sẽ tỏa nhiệt làm mất mồ hôi và nước. Khi đó, tim sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao tạo chứng đau thắt ngực, nhồi máu lên não và người bệnh thường gặp triệu chứng như say nắng. Nếu không điều trị kịp thời, dễ xảy ra tai biến mạch máu não. So với cùng kỳ năm 2013, số ca bệnh nhập viện đã tăng đáng kể, như hô hấp 1.400 ca (năm 2013 là 1.274 ca); nhi 1.099 ca (năm 2013 là dưới 1.000 ca); tim mạch 6.529 ca (năm 2013 là 6.343 ca).

Không chỉ các bệnh viện tuyến cơ sở và tuyến trên quá tải người bệnh lúc giao mùa, tại trụ sở Hội Đông y quận 5, chỉ trong một buổi xem mạch, khám bệnh, hốt thuốc, đã có gần 500 người bệnh nộp sổ để được chẩn trị và chờ toa thuốc nam để uống.

Chiều 12-5, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Ngoài SXH, có 1.599 người bệnh sởi nhập viện, tăng 24,7% so với cuối năm 2013. Thành phố đã triển khai tiêm chủng mở rộng, tiêm vét và tiêm dịch vụ vắc-xin sởi cho 99.692 người, đạt tỷ lệ 95% và sẽ còn triển khai chương trình đến hết tháng 5-2014.