Tranh quê của họa sĩ Lê Thanh Tùng

Hơn 20 năm sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng những tác phẩm của họa sĩ Lê Thanh Tùng vẫn mang đậm vẻ đẹp của một miền sông nước Tây Nam Bộ.

Tranh quê của họa sĩ Lê Thanh Tùng
Tranh quê của họa sĩ Lê Thanh Tùng ảnh 1

Sắc quê. Tranh sơn dầu của họa sĩ LÊ THANH TÙNG

Sinh ra ở huyện Ba Tri, Bến Tre, nhưng mảnh đất Tân Thạnh thuộc vùng Ðồng Tháp Mười Long An mới ăn sâu vào máu thịt của họa sĩ Lê Thanh Tùng. Khi còn nhỏ, anh đã theo gia đình lên đây để làm kinh tế mới. Anh kể, trời không cho anh bộ óc thông minh để học giỏi như mấy anh chị em, nhưng bù lại, anh thích vẽ ngay từ khi còn rất nhỏ. Anh vẽ khắp nơi, vẽ bằng bất cứ thứ gì có được trong tay. Những trang vở thay vì làm toán, anh lại biến nó thành những tác phẩm chân dung. Rồi mẹ phát hiện, anh chuyển sang vẽ lên bảng trong những giờ ra chơi ít ỏi, hay trốn nhà ra nghĩa địa vẽ đầy lên từng tấm bia mộ bằng các viên phấn vụn mà đám bạn mang cho. Rồi mẹ tiếp tục tịch thu phấn, anh lại dùng than tranh thủ khi nấu cơm để thể hiện ước mơ của mình, đến nỗi nhiều lần bị ăn roi vì cái tội để cơm khê.

Lớn lên chút nữa, niềm đam mê vẽ ngày nào đã giúp anh kiếm được chút tiền để phụ gia đình chăm lo đời sống. Anh đi học lỏm ở các xưởng vẽ rồi về vẽ ảnh thờ cho những gia đình có hậu sự. "Ảnh bán chân dung thì tôi được một giạ lúa, còn ảnh có bàn ghế, vẽ cả người thì tôi được trả hai giạ"- Anh Tùng nhớ lại. Không chỉ thế, anh còn vẽ mẫu cho những người thợ làm mồ mả, ngay cả việc trang trí cổng đám cưới anh cũng nhận lời. Do không được học bài bản nên anh Tùng cố gắng dùng trí nhớ để vẽ lại những gì mình đã nhìn thấy. Ðiều này đã giúp anh khá nhiều trong việc ghi lại ký ức của mình vào trong các tác phẩm sau này.

Con đường bước vào mỹ thuật chuyên nghiệp của Lê Thanh Tùng bắt đầu năm 1995 khi anh là sinh viên hệ tại chức của Ðại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong lần gặp một họa sĩ ở Long An, người này đã động viên anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật Long An lần thứ 1. Với mong muốn được học hỏi từ những người đàn anh, cũng như để thử sức mình, Lê Thanh Tùng đã gửi hai tác phẩm dự thi. Và may mắn đã đến với anh trong lần xuất hiện đầu tiên này. Tác phẩm khắc gỗ với chủ đề "Tĩnh vật" đã được trao giải nhì và được Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh mua lại. Kể từ đó, anh tham gia đều đặn các cuộc triển lãm ở Long An và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và hầu như năm nào cũng nhận được giải cao.

Tranh của họa sĩ Lê Thanh Tùng là sự hòa quyện của hai phong cách phương Tây và phương Ðông. Trong tác phẩm của anh, người xem dễ nhận thấy bố cục chặt chẽ, cách tạo hình hiện đại kiểu phương Tây nhưng nội dung lại được giản ước tối đa. Xem tranh của anh, người ta dễ nhận ra một nhịp sống trầm lặng nơi miền quê sông nước yên bình. Ðó là một buổi đốt đồng sau vụ gặt, là chuyến xe bò chở nặng sắc vàng của rơm thơm, là buổi chiều với dáng bà lẫn vào với mầu đất nâu quê nghèo... Những tác phẩm sơn dầu hay sơn mài của anh không gợi cho ta nhiều suy tưởng nhưng lại đánh thức cảm xúc người xem về những gì thân thuộc nhất. Ðiểm nổi bật trong tranh Lê Thanh Tùng, đó chính là mầu sắc,và dường như việc tạo ra những sắc mầu lạ cho tranh của mình cũng giúp anh tìm được phong cách riêng, không lẫn với bất cứ ai. Anh tâm sự, mầu sắc trong tranh của anh thật ra là rất gần gũi với vùng đất quê ngoại Ðồng Tháp Mười. Với ai đó, mầu tôn gỉ, mầu lắng lại của lớp đất phèn, hay thỏi bùn non trong những ngày hè bắt tôm bắt cá là chẳng mấy hấp dẫn, thì với riêng họa sĩ Lê Thanh Tùng, đó là những chất liệu quý để anh tạo nên thế giới mầu sắc của riêng mình.

Hiện tại, họa sĩ Lê Thanh Tùng đã chuyển về sinh hoạt tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Anh cũng vừa tạo không gian riêng để thỏa đam mê của mình tại tỉnh Ðồng Nai. Nếu không đi thực tế hay tham gia triển lãm, người họa sĩ 46 tuổi này chỉ ở trong không gian ấy và vẽ lên những ký ức của mình. Anh nói, có sống xa quê thì mỗi lần trở lại Ðồng Tháp Mười mới thấy quê hương của mình đẹp như thế nào. Và chỉ cần xem tranh của Lê Thanh Tùng thôi, người ta đã nhận ra vẻ đẹp ấy, cũng như nhìn thấy được tình yêu của anh dành cho quê hương, dành cho hội họa.