Trăm năm nghề tổ, làm để cho... vui

Từ một xã thuần nông, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đã trở thành một vùng nông thôn mới điển hình của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn đang dần làm cho làng nghề đan lát hơn 100 năm của xã này ngày càng mai một...

Đan lát các mặt hàng truyền thống tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
Đan lát các mặt hàng truyền thống tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.

"Ngày xưa dân ở đây còn nghèo, chỉ biết quanh quẩn bên ruộng vườn, đan lát nuôi sống gia đình. Từ khi xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân ở đây khá hơn, xã còn giới thiệu việc làm, rồi hỗ trợ cho đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Giờ chỉ có đàn bà, trẻ con ở nhà đan thúng, nia, dần, sàng..., chủ yếu là làm cho vui, khỏi quên nghề ông bà truyền lại", bà Nguyễn Thị Hoa (ấp Bình Thượng 1) tâm tình.

Theo UBND xã Thái Mỹ, đan lát từng là một nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Thái Mỹ với gần 1.800 hộ làm nghề, sản xuất các mặt hàng như: thúng, nia, dần, sàng, giỏ xách... Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc... Giờ đây, số người làm nghề đan lát ngày càng giảm, số lượng các mặt hàng không còn đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ông Lê Văn Đảm, người chuyên thu mua các sản phẩm đan lát của xã Thái Mỹ cho biết: Đan lát từng là một nghề "cơm áo" của người dân ở đây, một thời từng được xem là động lực phát triển kinh tế của xã. Từ khi kinh tế thay đổi sang hướng công nghiệp, thanh niên đổ xô vào các khu công nghiệp để làm công nhân, lên thành phố hay đi xuất khẩu lao động hết rồi. Giờ đây chỉ còn vài trăm hộ còn theo nghề. Nhiều khi có đơn hàng lớn, tôi chẳng thể tìm đủ sản phẩm đáp ứng.

Dù bị cạnh tranh rất mạnh từ các sản phẩm làm từ nhựa, nhôm, inox... nhưng nhu cầu về các sản phẩm truyền thống, mang nguồn gốc tự nhiên và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe trên thị trường vẫn còn rất lớn. Hiện nay, các mặt hàng mây, tre đan của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia, nhưng chỉ chiếm 3% giá trị trên thị trường, trong đó hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Nhật Bản luôn có tiềm năng rất lớn để mở rộng xuất khẩu.

Năm 2013, dù UBND xã Thái Mỹ đã có nhiều động thái nhằm phát triển và bảo tồn nghề đan lát như hỗ trợ nguyên, vật liệu, trồng tre nguyên liệu, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu sản phẩm đến các festival làng nghề truyền thống... nhưng vẫn không mang lại hiệu quả thiết thực, số hộ dân theo nghề vẫn ngày càng ít đi.

Bà Lê Thị Huých, chủ cơ sở Thiên Long (ấp Mỹ Khánh A) cho biết: Cơ sở chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng sọt tre, đây không phải là mặt hàng truyền thống của xã Thái Mỹ, mà chỉ là sản phẩm làm ra để đáp ứng nhu cầu thị trường nhất thời. Sọt tre đơn giản và dễ làm nhưng nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất vẫn rất khó khăn.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan của thành phố cần có một chiến lược thực tế và khả thi hơn như hỗ trợ nhân sự qua đào tạo, hỗ trợ tiền cho nghệ nhân cao tuổi, hỗ trợ thêm vốn cho nông dân trồng nguyên liệu... nhằm giúp làng nghề Thái Mỹ có một hướng đi bền vững trong tương lai.