Tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật

TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ trao giải Văn học nghệ thuật 5 năm (lần 2) giai đoạn 2012-2017. Đây là giải thưởng lớn nhất dành cho các tác phẩm nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực, đồng thời được xem như một cuộc “tổng kết” những thành tựu văn học nghệ thuật của thành phố trong 5 năm qua.

Tiết mục Hợp xướng “Dòng sông kể chuyện”đoạt giải nhì lĩnh vực âm nhạc.
Tiết mục Hợp xướng “Dòng sông kể chuyện”đoạt giải nhì lĩnh vực âm nhạc.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh ra đời vào năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Khi ấy, giải được trao hai năm một lần, đến năm 2005, thành phố quyết định chuyển thành giải thưởng 5 năm một lần. Giải thưởng Văn học nghệ thuật ra đời nhằm ghi nhận, tôn vinh những thành quả lao động, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố trên các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, múa, nhiếp ảnh. Riêng trong đợt trao giải 5 năm lần hai, giai đoạn 2012-2017, Ban tổ chức quyết định trao tặng giải thưởng ở lĩnh vực Lý luận phê bình. Đây là sự ghi nhận của thành phố đối với lĩnh vực quan trọng này. Ở lần trao giải 5 năm (lần hai), sau vòng sơ khảo, có 88 tác phẩm ở chín chuyên ngành được đưa vào xét chung khảo từ hàng nghìn tác phẩm của các tác giả gửi đến tham gia xét giải. Điều đó cho thấy, sức hút của giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh ngày càng lớn, đồng thời phản ánh được đời sống văn học nghệ thuật sôi nổi của thành phố trong 5 năm qua. Từ 88 tác phẩm được tuyển chọn, Hội đồng chung khảo đã quyết định trao giải cho 53 tác phẩm văn học giá trị nhất. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm nhận xét: Điểm đáng lưu ý của giải thưởng lần này đó là nhiều tác phẩm của các đơn vị tư nhân tham dự giải đã mang lại không khí tươi mới cho giải thưởng, khi kết hợp hài hòa giữa yếu tố thị trường và chất lượng nghệ thuật. Sự tham gia của nhiều đơn vị xã hội hóa ở giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố là một nét mới, đồng thời đây cũng là xu thế trong thời gian tới.

Nhìn lại 53 tác phẩm ở chín lĩnh vực được trao giải trong thời gian qua, có thể nhận thấy giải thưởng có nhiều tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa đã tạo được tiếng vang lớn. Một trong những tác phẩm ấn tượng đó chính là vở kịch “Tiên Nga” của Công ty TNHH nghệ thuật Thái Dương (sân khấu kịch Idecaf). Vở nhạc kịch do NSƯT Thành Lộc làm đạo diễn đã tạo ấn tượng với khán giả ngay khi mới ra mắt. Dựa trên cốt truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, vở “Tiên Nga” đã gửi đến khán giả thông điệp về lòng yêu nước, những giá trị nhân văn, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà con người phải gìn giữ, trau dồi. Giải nhất ở thể loại sân khấu cho “Tiên Nga” là hoàn toàn xứng đáng, đây là phần thưởng cho sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của những nghệ sĩ hết lòng vì sân khấu. Ngoài ra, những tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa như vở kịch “Châu về hợp phố” (sân khấu kịch Hồng Vân), hay trên lĩnh vực điện ảnh qua các bộ phim “Cô Ba Sài Gòn”, “Thiên mệnh anh hùng”… đã mang đến sức sống mới cho giải thưởng văn học nghệ thuật lần này.

Một trong những tác phẩm đáng chú ý được trao giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm (lần hai) giai đoạn 2012-2017, đó là tác phẩm “Ở R”- chuyện kể sau 50 năm của cố nhà văn Lê Văn Thảo. Đây là tác phẩm cuối cùng của ông và ra mắt khi ông đã qua đời. “Ở R” - chuyện kể sau 50 năm ghi lại những câu chuyện của nhà văn từ lúc rời quê nhà Long An lên Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền nam hay có phiên hiệu là R để sáng tác và chiến đấu. Tập sách chỉ hơn 200 trang in nhưng đã chứa đựng nhiều tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Tác phẩm để lại nhiều cảm xúc cho độc giả bởi những câu chuyện, những kỷ niệm chân thật, sinh động giữa nhà văn với các văn nghệ sĩ, cũng là những đồng đội của ông trên R. Tác phẩm không chỉ dành cho những độc giả, những văn nghệ sĩ thế hệ trước mà vẫn rất cần cho độc giả hôm nay để những người trẻ hiểu thêm về thế hệ những văn nghệ sĩ tài hoa, hết lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, những tác phẩm được trao giải Văn học nghệ thuật thành phố cần được quảng bá rộng rãi để công chúng thành phố cảm nhận được cái hay, cái đẹp của chúng. Có thế, những tác phẩm văn học nghệ thuật mới sống trọn vẹn trong lòng công chúng, từ đó trở thành động lực to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố sáng tạo hơn nữa, tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới mang đậm giá trị chân - thiện - mỹ và có tầm vóc hơn.