Tìm giải pháp phát triển công nghệ na-nô

Công nghệ và vật liệu na-nô được chọn là một trong bốn lĩnh vực đầu tư trọng điểm của TP Hồ Chí Minh gần 20 năm qua, nhưng đến nay, hiệu quả mang lại, nhất là việc thương mại hóa sản phẩm công nghệ na-nô, chưa được như kỳ vọng. Cần tạo ra một hệ sinh thái kết nối giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ na-nô thành công.

Triển lãm mỹ phẩm làm từ công nghệ na-nô tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP).
Triển lãm mỹ phẩm làm từ công nghệ na-nô tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP).

Công nghệ và vật liệu na-nô là một trong những công nghệ tiên tiến được đầu tư và nghiên cứu mạnh mẽ trên thế giới vì tầm ảnh hưởng và phạm vi ứng dụng rộng lớn của nó đến nhiều ngành công nghiệp quan trọng như vật liệu, điện tử, vi mạch bán dẫn, y sinh học, thực phẩm, hàng không vũ trụ… Vì vậy, công nghệ và vật liệu na-nô được chọn là lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP).

Để thực hiện mục tiêu này, cách đây 14 năm, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu triển khai trực thuộc SHTP và trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho hai phòng thí nghiệm bán dẫn và phòng thí nghiệm na-nô. Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu triển khai đã đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học như: Than na-nô lỏng, mực in vi tính chống thấm với công nghệ na-nô; chế tạo thành công ống than na-nô (Carbon nanotube) từ vật liệu tự nhiên, giá thành thấp theo phương pháp tổng hợp mới; chuyển giao công nghệ than na-nô lỏng và mực in la-de cho Công ty bút bi Thiên Long; nghiên cứu pin nhiên liệu dùng công nghệ vật liệu na-nô (ghép nhiều pin để thành máy phát có công suất khá lớn dùng được cho máy tính, thắp sáng…).

Đáng chú ý, trong ba năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu triển khai đã nghiên cứu thành công ba sản phẩm vật liệu na-nô, gồm na-nô vàng kim tự tháp, na-nô bạc và na-nô curcumin. Các nghiên cứu này được chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đầu tư tại SHTP như Công ty Viotek, Công ty MEMSitech... Trung tâm Nghiên cứu triển khai đã nộp tiền bản quyền từ các đề tài nghiên cứu vào ngân sách nhà nước 120 triệu đồng/năm (sản phẩm na-nô curcumin) và 180 triệu đồng/năm (na-nô vàng kim tự tháp).

Trung tâm Nghiên cứu triển khai phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu, triển khai sản phẩm công nghệ cao tiếp cận thương mại hóa, đạt chuẩn chất lượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là mô hình kiểu mẫu, hợp tác hiệu quả cao giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ na-nô, nhất là việc thương mại hóa sản phẩm, hiện nay chưa đáp ứng xu thế hội nhập.

Mới đây, SHTP phối hợp Ban Chủ nhiệm Chương trình quốc gia đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ cao tổ chức Hội nghị quốc tế “Ứng dụng công nghệ na-nô và vật liệu mới, tiên tiến” với sự tham gia của hơn 50 diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu na-nô đến từ Nhật Bản, Mỹ, Xin-ga-po, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở Việt Nam và trong khu vực. Tại hội nghị này, các nhà khoa học đã giới thiệu và trao đổi những ý tưởng, thành tựu mới nhất về việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và vật liệu na-nô trên thế giới cũng như tại Việt Nam; kết nối và tăng cường các quan hệ trao đổi hợp tác giữa các trường đại học - doanh nghiệp - viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và vật liệu na-nô, từ đó tìm giải pháp thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu phục vụ nhu cầu thị trường.

Theo các nhà khoa học, tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, quá trình tiếp cận công nghệ na-nô muộn hơn so với một số nước tiên tiến nhưng cũng có những bước chuyển biến tạo ra sức hút đối với lĩnh vực đầy thử thách này. Nhà nước đã dành một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình nghiên cứu công nghệ na-nô cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu. Tuy vậy, việc đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống còn phải trải qua một quá trình dài. Trong phòng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đạt những kết quả khả quan, nhưng đến nay, số sản phẩm phát huy hết giá trị của nghiên cứu vẫn chưa nhiều, cánh cửa thị trường vẫn chỉ mới hé mở…

Giáo sư M.Nây-phơ, Đại học Illinoir (Mỹ), người phát minh ra vật liệu na-nô si-li-côn có tính chất phát quang và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học và điều trị ung thư, cho biết: Việc phát hiện các hạt na-nô bán dẫn và kim loại dẫn đến nhiều ứng dụng công nghệ mới lạ và nghiên cứu khoa học cơ bản. Công nghệ na-nô đóng góp vào sự phát triển trong một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng trong cuộc sống, có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội cũng như cách tương tác giữa con người với môi trường sống. Điều quan trọng nhất là các nhà khoa học phải nghiên cứu và phát minh ra những sản phẩm mới, tạo cơ sở để thương mại hóa thành công các sản phẩm công nghệ na-nô, vì cuộc sống đòi hỏi có những cái mới để phát triển liên tục.

Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu những công nghệ na-nô có tính mới. Những nghiên cứu mà các nước đã thực hiện thì chúng ta không cần nghiên cứu tiếp, tránh tình trạng lặp lại vết xe đã đi trước. Giáo sư S.I-di-ma, Đại học Meijo (Nhật Bản), người phát minh ra vật liệu Carbon nanotube vào năm 1991, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển một cách thần kỳ của công nghệ và vật liệu na-nô, cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích để các nhà khoa học nghiên cứu, nhất là đầu tư vào các viện, trường đại học để triển khai…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP khẳng định: Vật liệu và công nghệ na-nô dù tốt đến đâu cũng không thể tự ra thị trường để phục vụ xã hội, cần có doanh nghiệp tiếp nhận thành quả nghiên cứu, sản xuất, phát triển thị trường. Thiếu khâu này, kết quả nghiên cứu vẫn chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái kết nối giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ na-nô thành công…