Tiểu thương "lên" sàn điện tử

Giới thiệu hàng hóa lên "chợ mạng", bán hàng qua ứng dụng, giao dịch trực tuyến…, là cách làm của nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở TP Hồ Chí Minh trong dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cận Tết, nhiều tiểu thương tại TP Hồ Chí Minh tận dụng "chợ mạng" để bán hàng.
Cận Tết, nhiều tiểu thương tại TP Hồ Chí Minh tận dụng "chợ mạng" để bán hàng.

Ngày cuối tuần, tại khu ẩm thực chợ Tân Định (quận 1), rất nhiều người giao thức ăn từ các hãng công nghệ vây quanh các quầy hàng. Tài xế của một hãng công nghệ tới trước quầy bún mắm cô Bông, đưa điện thoại cho cô xem đơn đặt hàng. Người bán thoăn thoắt làm món, bỏ hộp rồi trao tài xế, nhận tiền và trả lại tiền thừa. Trong vòng 15 phút, có bốn, năm tài xế đến mua hộ như vậy. Theo lời cô Bông, nhờ tham gia bán hàng qua ứng dụng mà cô "sống khỏe" với nghề ngay trong lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thời điểm kinh doanh khó khăn nhất. "Nếu như tôi bán được mỗi ngày 150 tô bún thì đã có 100 tô được khách đặt qua ứng dụng. Nhờ vậy, việc buôn bán cũng tốt hơn. Trước đó, tôi tưởng phải tạm ngừng vì khách không đến. Những ngày cận Tết, lượng khách đặt hàng qua ứng dụng tăng cao hơn, tôi có thể phục vụ cho khách ở xa hơn, số lượng bán ra gấp đôi so với trước", cô Bông cho biết thêm. Đại diện Ban Quản lý chợ Tân Định Lê Thanh Hải cho biết: "Chợ Tân Định có gần 900 sạp kinh doanh, trong đó có 49 sạp kinh doanh ăn uống. Hiện có hơn 10 sạp kinh doanh ăn uống "dọn hàng" lên các ứng dụng để tiếp cận khách hàng. Chúng tôi cung cấp wifi để việc buôn bán trên mạng thuận lợi hơn".

Các tiểu thương kinh doanh bánh mứt, trái cây, thịt cá, giày dép, quần áo… cũng không "ngồi yên" khi tham gia bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook. Chị Thu Trang, tiểu thương ngành rau củ quả chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vui vẻ cho hay không còn lo ế hàng. "Tôi bán hàng trên mạng xã hội gần sáu tháng qua, lượng hàng bán được còn nhiều hơn tại chợ. Tôi còn in danh thiếp gửi khách hẳn hoi, họ yêu cầu trái cây, rau củ, thịt cá và muốn sơ chế sẵn… tôi đều đáp ứng. Tôi liên kết với các tiểu thương khác để khách đặt hàng là mình có đa dạng các món. Giao chung như vậy vừa tiết kiệm phí giao hàng lại vừa nhanh chóng. Làm ăn trên mạng, bên cạnh giá cả phải chăng còn phải có uy tín thì mới buôn bán được lâu dài", chị Trang cho biết thêm như vậy.

Mới đây, Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) phối hợp cùng Liên minh Chuyển đổi số (DTS) triển khai sàn thương mại điện tử dành cho cộng đồng DN hàng Việt Nam chất lượng cao. Giám đốc Vận hành Trung tâm BSA Huỳnh Quang Hiền cho biết, mỗi DN sẽ được cấp một gian hàng trên không gian mạng của sàn, cấp tài khoản để chủ động chia sẻ thông tin, hình ảnh, sản phẩm... và chăm sóc gian hàng của mình. BSA cùng DTS sẽ tổ chức các hoạt động huấn luyện, đào tạo kiến thức kinh doanh thương mại điện tử cho DN, hỗ trợ truyền thông và giới thiệu sản phẩm cho sàn.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển kinh tế và Cung ứng lao động quận 5 phối hợp Hội DN quận 5 cũng đã thành lập "Chợ phiên online Chợ Lớn" nhằm giới thiệu các sản phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến. "Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến trở thành giải pháp hữu hiệu, tạo kênh bán hàng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế. Chúng tôi muốn hỗ trợ tiểu thương, các hộ kinh doanh, DN chuyển sang làm quen với kinh doanh trên mạng, bán hàng trực tuyến, dần trở nên chuyên nghiệp và có thể tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, tiếp cận khách hàng trên cả nước", Chủ tịch Hội DN quận 5 Tô Tuệ Lang cho biết.

Khảo sát mới công bố gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu tại Việt Nam (Nielsen Việt Nam) cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng lên 25%; các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa tăng lần lượt 7%, 3% và 6%. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại khi mua hàng trên các kênh thương mại điện tử, bởi nhiều lần mua phải hàng không giống như quảng cáo. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng khuyến cáo: "Người kinh doanh phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận khách hàng. Nếu còn kiểu làm ăn chụp giựt, chắc chắn sẽ không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay". Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh Phan Thị Việt Thu cho rằng, người tiêu dùng hãy mạnh mẽ chỉ đích danh các DN thường xuyên vi phạm đến các cơ quan bảo vệ mình để được hỗ trợ. Trên hết, người tiêu dùng được quyền tẩy chay sản phẩm để DN "dỏm" không còn đất sống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY