Tiểu thương chợ truyền thống cần sự hỗ trợ

Nhiều sạp, quầy hàng đóng cửa; người bán nhiều hơn người mua… là tình trạng kinh doanh chung hiện nay tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hỗ trợ thuế, phí, tiền thuê mặt bằng là điều mà nhiều tiểu thương đang mong mỏi…

 Nhiều sạp kinh doanh trái cây ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) sụt giảm mạnh doanh thu.
Nhiều sạp kinh doanh trái cây ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) sụt giảm mạnh doanh thu.

Tại chợ Bến Thành (quận 1), nhiều quầy hàng đã sớm mở cửa kinh doanh trở lại sau thời gian thực hiện "cách ly toàn xã hội" để phòng ngừa dịch Covid-19. Trừ khu vực bán thịt, cá, rau củ có khá đông người mua hàng; các quầy hàng còn lại như quần áo, đồ khô, vải vóc… đều vắng người mua sắm.

Phủi bụi từng bức tranh, bộ tượng chế tác từ sành, gốm…, bà Ba Minh (tiểu thương quầy gia dụng, lưu niệm) buồn thiu: "Buôn bán ở đây hơn nửa đời người, chưa bao giờ tôi thấy chợ Bến Thành ế ẩm như lúc này. Chợ hơn 1.000 quầy, sạp mà giờ chưa tới 100 quầy mở bán, người mua cũng không mấy ai".

Dù doanh thu sụt giảm nhưng bà Ba Minh vẫn đóng đủ các loại thuế, phí, hoa chi, tiền thuê mặt bằng… ngót nghét 25 triệu đồng/tháng. "Muốn giảm thuế thì phải đóng cửa nghỉ bán, còn đã mở cửa thì ế ẩm cách mấy vẫn phải đóng đủ các khoản theo quy định…", bà Ba Minh cho biết thêm.

Từ ngày kinh doanh trở lại, doanh thu của quầy trái cây Trung Linh của chị Thường, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh giảm rất sâu so với trước thời điểm nghỉ dịch Covid-19. "Trước đây, tôi bán mỗi ngày khoảng bốn, năm triệu đồng, giờ chưa tới một triệu đồng/ngày. Trái cây này mình bao tiêu của nhà vườn cho nên có ế ẩm cách mấy cũng phải bán, nếu không bán thì sạt nghiệp", chị Thường chia sẻ.

Luôn tay lướt điện thoại vì quá nhàn rỗi, chị Bùi Hương, chủ sạp vải ở chợ Tân Ðịnh (quận 1) lắc đầu khi đề cập chuyện doanh thu: "Chợ cho mở cửa thì mình mở bán chứ có khách nào ghé mua đâu. Sau Tết rồi tới dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu, không mấy ai may đồ, cưới hỏi thì bán buôn thế nào.
Trước đây, tôi thuê hai nhân viên phụ bán, nay tự mình ngồi quầy vẫn lo không cầm cự nổi nếu tình trạng này kéo dài".

Ngay tại khu chợ "nhà giàu" là Sài Gòn Square, nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) cũng có nhiều quầy, sạp dán bảng cho thuê. Mặc dù đang kinh doanh quần áo nhưng khi chúng tôi ngỏ ý thuê lại quầy, ông Tâm (tiểu thương) cho biết sẽ sẵn sàng cho thuê. "Ðây là quầy đôi, diện tích khoảng từ 3 đến 4 m2, giá thuê 70 triệu đồng/tháng, chưa tính phí quản lý là 18,6 triệu đồng/tháng và hơn hai triệu đồng tiền thuế. Do tôi sức khỏe yếu, nhà neo người nên mới cho thuê lại, chứ bán buôn ở đây vẫn có đồng ra, đồng vào khá tốt", ông Tâm chia sẻ. Cũng theo ông Tâm, khoảng một tháng nữa là du khách sẽ tới thành phố nhộn nhịp trở lại, lúc đó việc buôn bán sẽ tốt hơn nhiều.

Tương tự, khu vực trên lầu ở chợ Bà Chiểu chuyên kinh doanh vải vóc, quần áo thời trang, hầu hết các quầy hàng đều cửa đóng, then cài. Trò chuyện với chị Hà (kinh doanh vải áo dài), chị cho hay, muốn cho thuê quầy để tìm việc khác nhưng không ai thuê. Rất khó khăn nhưng không ai nhắc đến chuyện ế ẩm dù đó là thực tế đang diễn ra…

Theo Trưởng ban Quản lý chợ An Ðông (quận 5) Ðinh Hồ Duy Ngọc, thời gian qua, chợ vẫn mở cửa hoạt động, vẫn phục vụ thương nhân và khách hàng, nhưng toàn bộ các ngành hàng tại chợ đều bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là các sạp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, bánh mứt, thực phẩm khô, ngành hàng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài như may mặc.

Phó Trưởng ban Quản lý chợ Bà Chiểu Trần Thanh Nguyên cho biết, chợ có gần 1.000 tiểu thương với 700 quầy hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua giảm mạnh gần 50%; trong giai đoạn cách ly giảm tới 80%. "Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Ngành hàng thực phẩm tươi sống vẫn buôn bán được dù khách đến chợ có vắng hơn. Chúng tôi đã gửi kiến nghị đến UBND quận Bình Thạnh xin giảm thuế tháng 3 và tháng 4 đối với tiểu thương đóng cửa, ngừng kinh doanh; với tiểu thương vẫn mở bán nhưng ế ẩm kiến nghị được giảm 50% tiền thuế", ông Nguyên cho hay.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa cho biết, toàn quận có năm chợ truyền thống, gồm: Chợ Bến Thành và chợ đêm Bến Thành; Tân Ðịnh; Thái Bình; Ða Kao; Dân Sinh, trong đó chợ Bến Thành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 vì là chợ du lịch. "Về việc hỗ trợ tiểu thương, những hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được trợ cấp một triệu đồng/tháng (trong ba tháng). Qua rà soát có 80 hộ được nhận trợ cấp. Ðối với tiền thuế, những hộ đóng cửa nghỉ bán và có làm đơn sẽ không phải đóng thuế", ông Hòa cho biết.