Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông

Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đã có thêm nhiều công trình mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố...

Cầu Bình Lợi, một trong những điểm nhấn của tuyến đường Phạm Văn Ðồng mang lại bộ mặt đô thị mới của TP Hồ Chí Minh.
Cầu Bình Lợi, một trong những điểm nhấn của tuyến đường Phạm Văn Ðồng mang lại bộ mặt đô thị mới của TP Hồ Chí Minh.

Thêm nhiều công trình hiệu quả

Ðầu tiên, có thể kể đến là công trình sáu cầu vượt bằng thép đã đưa vào sử dụng tại các giao lộ lớn thường xuyên ùn tắc tại vòng xoay Hàng Xanh; ngã tư Thủ Ðức; vòng xoay Cây Gõ; vòng xoay Lăng Cha Cả; cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và cầu vượt 3 tháng 2. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, khi các công trình này được đưa vào sử dụng, tình hình giao thông vốn phức tạp tại các giao lộ kể trên đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều người dân cũng nhìn nhận như vậy. Anh Bùi Ðình Linh, một người dân bán tạp hóa tại khu vực ngã tư Hàng Xanh cho biết: "Trước đây, khi các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, người dân rất ngại dừng lại mua hàng vì khói bụi, ùn ứ, nhưng giờ đây mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa. Gia đình tôi cũng không còn ý định dời quán sang vị trí khác để buôn bán".

Một điểm nhấn quan trọng khác về đầu tư hạ tầng giao thông là việc đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2. Ðây là một trong những dự án cấp bách của thành phố nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông tại cửa ngõ phía đông bắc thành phố, đồng thời tạo động lực thúc đẩy lưu thông cũng như phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Một công trình cũng không kém phần quan trọng khác là tuyến đường Phạm Văn Ðồng (tên gọi cũ là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu (dài gần 5 km) được đưa vào sử dụng. Tuyến đường này nối từ sân bay Tân Sơn Nhất - quốc lộ 13 - quốc lộ 1A - 1K đi qua địa bàn các quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Ðức. Ðây được xem là tuyến đường hiện đại, đẹp nhất nội ô thành phố hiện nay. Công trình này không chỉ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành và cửa ngõ phía bắc thành phố, góp phần giảm ùn tắc, mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường.

Ðầu năm 2014 vừa qua, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng đã được thông xe giai đoạn một với chiều dài 20 km từ đường vành đai hai, rút ngắn thời gian đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu và góp phần hoàn chỉnh giao thông trong khu vực.

Ðầu tư cho phát triển

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã ưu tiên dành hơn 24.700 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố. Ðây là vấn đề đầu tư hợp lý cho sự phát triển, vì đầu tư cho hạ tầng giao thông chính là tạo ra tiềm lực mới và không gian phát triển để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong năm nay, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng thêm một số công trình lớn khác phục vụ dân sinh như xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ tại các khu vực trước cổng trường Hồng Hà (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh); Công viên Gia Ðịnh (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp); đường Kinh Dương Vương (phường Tân Tạo, quận Bình Tân); khu vực Lottemark - Ðại học Tôn Ðức Thắng (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7); trước Bến xe An Sương (quốc lộ 22, quận 12)... Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xây dựng thêm một số cầu vượt bằng thép cho xe máy tại các ngã tư Hai Bà Trưng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và cầu vượt hai chiều cho xe máy và ô-tô tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương, Lê Ðại Hành - Lãnh Binh Thăng.

Bên cạnh những dự án này, thành phố cũng sẽ tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều phương thức khác nhau như: xã hội hóa, BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao)... để đẩy nhanh tốc độ trong mục tiêu hoàn thiện bộ mặt hạ tầng giao thông của thành phố. Ðây cũng là một trong những phương án tốt nhất để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông thành phố và kết nối với hệ thống giao thông khu vực, góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển.