Thực hiện nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân

Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có giải pháp thu phí ô-tô vào trung tâm. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển giao thông công cộng đi đôi với hạn chế xe cá nhân, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. 

Sự gia tăng phương tiện cá nhân là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sự gia tăng phương tiện cá nhân là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phương tiện cá nhân tăng nhanh 

Thống kê mới nhất cho thấy, thành phố đang quản lý 8.109.304 phương tiện, gồm 763.470 xe ô-tô và 7.345.834 xe mô-tô; chưa kể các phương tiện từ các tỉnh, thành phố lân cận lưu thông vào TP Hồ Chí Minh mỗi ngày. Trong năm 2019, tổng số phương tiện đăng ký mới tăng 387.936 phương tiện, gồm 63.834 xe ô-tô và 324.102 xe mô-tô. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 174 xe ô-tô và 888 xe mô-tô đăng ký mới. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi điều kiện hạ tầng giao thông đô thị chưa kịp đáp ứng và tỷ lệ hành khách sử dụng giao thông công cộng bằng xe buýt giảm dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Mặc dù thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nỗ lực kéo giảm nhưng tình hình giao thông còn diễn biến phức tạp. Số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông năm 2019 là 22 điểm, tập trung tại các khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm và cửa ngõ ra vào thành phố. Kết quả khảo sát tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ. Do đó, việc kết hợp kiểm soát đi đến hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cùng với việc đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng được thành phố quan tâm và đưa ra lộ trình thực hiện; trong đó, thành phố xây dựng đề án áp dụng thu phí ô-tô vào trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo Giám đốc Sở GTVT thành phố Trần Quang Lâm, nhiều năm qua, thành phố đã tính tới bài toán hạn chế xe cá nhân vì cứ mỗi năm số phương tiện đều tăng. Với đà này thì 5 năm tới, tình hình giao thông tại thành phố sẽ cực kỳ khó khăn. Trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, quan điểm hạn chế xe cá nhân là quan trọng cho nên sau khi đề án được thông qua thì thu phí ô-tô vào nội đô là một trong những giải pháp phải làm ngay. Thường trực HĐND thành phố nhận định, phát triển giao thông công cộng phải đi đôi với hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần toàn diện, có lộ trình và sự đồng thuận của người dân. Cùng với đó, thành phố cần đáp ứng điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe máy điện, xe đạp điện... trước khi đưa ra biện pháp hạn chế.

Tăng cường vận tải hành khách công cộng 

Trong tờ trình gửi HĐND thành phố mới đây, đề án do Sở GTVT xây dựng đã đưa ra 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng song song với việc hạn chế và kiểm soát phương tiện cá nhân như: Hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành đúng tiến độ các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và một tuyến buýt nhanh (BRT). Cùng với đó là đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; triển khai dịch vụ xe máy điện, xe đạp điện công cộng; tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; nâng cao chất lượng xe buýt… 

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỷ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỷ đồng, còn lại là các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA. Theo tính toán của Phòng Quản lý giao thông đường bộ (Sở GTVT), đến năm 2025, thị phần đảm nhận của vận tải hành khách công cộng là 21%; đến năm 2030 là 37%. Bên cạnh đó, khi thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách công cộng tăng từng giai đoạn  thì tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm tương ứng. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ hạn chế và tiến tới ngừng hoạt động xe mô-tô và xe gắn máy tại một số khu vực thuộc trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5, 10...) khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại trong những khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình đến hệ thống vận tải hành khách công cộng đạt dưới 500 m.
 
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cũng đề nghị: Khi chính quyền thành phố triển khai thực hiện Đề án áp dụng thu phí ô-tô vào trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 cần nghiên cứu kỹ, hạn chế các thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, mức phí thu cũng phải được tính toán căn cứ tình hình giao thông, nhu cầu thực tế người dân; các cơ quan chức năng nghiên cứu sử dụng nguồn phí thu được từ phương tiện ô-tô sao cho hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí và phát sinh tiêu cực. Ngoài ra, quá trình triển khai cần được khảo sát ý kiến người dân, các chuyên gia để việc bố trí cổng thu phí sao cho khoa học và hợp lý.

Theo đề án, TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí ô-tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phân vùng kiểm soát khí thải, thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. Dự kiến sẽ có 34 cổng thu phí được xây dựng. Các cổng thu phí (trạm thu phí) sẽ được xây bao quanh khu vực hai quận 1, 3 và giáp ranh hai quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Đề án cũng dự kiến sẽ thu phí vào giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Ô-tô con phải đóng 40 nghìn đồng mỗi lượt, ô-tô khách là 50 nghìn đồng. Xe buýt không bị thu phí, giảm 25% đối với ta-xi… Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng.