Thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo (lợn) châu Phi (DTHCP) xảy ra tại quận 9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh triển khai đồng loạt các giải pháp để dập dịch. Đồng thời, đơn vị này phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, giết mổ heo trên toàn địa bàn, không để dịch lây lan.

Lực lượng thú y kiểm dịch trước khi heo được vận chuyển vào thành phố.
Lực lượng thú y kiểm dịch trước khi heo được vận chuyển vào thành phố.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống DTHCP, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, nhất là sự lây lan nhanh tại các tỉnh, thành phố phía nam, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện ổ DTHCP đầu tiên tại hộ bà Lê Thị Ngọc Cẩm, phường Phú Hữu, quận 9. Ngay sau khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP Hồ Chí Minh phối hợp quận 9 tiến hành tiêu hủy đàn heo 163 con, toàn bộ thức ăn thừa, đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng, rải vôi bột tại khu vực xảy ra DTHCP và nơi tiêu hủy; triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực chung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Theo Sở NN và PTNT thành phố, hộ chăn nuôi phát hiện dịch đã không sử dụng cám công nghiệp mà sử dụng thức ăn dư thừa tại các quán ăn cho đàn heo. Hiện, trên địa bàn phường Phú Hữu có bảy hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con heo. Đối với các hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp với bán kính 3 km từ khu vực hộ có heo bị dịch, gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9) và Bình Trưng Đông (quận 2) có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các đơn vị liên quan triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng định kỳ ba lần một tuần và kéo dài trong bốn tuần.

Ngoài việc cấm xe chở gia súc ra vào vùng dịch, Sở NN và PTNT thành phố cũng thành lập hai chốt kiểm dịch tạm thời cách hộ chăn nuôi có heo bị dịch trong vòng bán kính khoảng 2 km và cử nhân viên thú y túc trực 24 giờ mỗi ngày để kiểm soát. Tại khu vực xảy ra dịch, lực lượng chức năng rải hàng chục bao vôi bột trên các mặt đường ra vào vùng dịch để khử trùng. Theo ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, ở các con hẻm ra vào vùng dịch đều cử người canh gác, cấm việc vận chuyển chở gia súc ra vào vùng dịch tránh nguy cơ mầm bệnh phát tán. Các hộ nuôi heo còn lại trên địa bàn không được bán, giết mổ heo, đồng thời khẩn trương thực hiện việc phòng dịch. Ngoài việc bao vây ổ dịch ở phường Phú Hữu, trong bán kính 3 km tính từ vùng dịch, lực lượng chức năng cũng đã cấp thuốc và hướng dẫn cách phòng, chống DTHCP cho các hộ nuôi heo .

Song song đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản khẩn gửi UBND 24 quận, huyện về đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch tả heo. Trong đó, Ban quản lý ATTP nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản… thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời yêu cầu ban quản lý các chợ chủ động tuyên truyền, vận động người dân kinh doanh sản phẩm thịt heo đã qua kiểm dịch đúng quy định; chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng vào cuối ngày. Và yêu cầu Đội Quản lý ATTP quận 2, quận 9 và Thủ Đức chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trên địa bàn quận 9 triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP, xử lý và khống chế dịch lây lan.

Hiện, thành phố có bốn trạm kiểm dịch ở các cửa ngõ Thủ Đức, Hóc Môn, Xuân Hiệp và An Lạc hoạt động suốt ngày đêm. Ngoài ra, ba đoàn liên ngành do Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh chủ trì kiểm tra trên các tuyến đường ở quốc lộ, cao tốc và 24 quận, huyện cũng tự lập các chốt kiểm tra dịch lưu động để kiểm soát nguồn heo từ các tỉnh vào thành phố. Theo thống kê, thành phố hiện có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274 nghìn con, trong đó có 274 hộ chăn nuôi heo bằng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, quán ăn. Đây là nguồn thức ăn có nguy cơ cao dẫn đến lây lan dịch. Theo nhận định của Sở NN và PTNT thành phố, DTHCP vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu dịch được kiểm soát một cách triệt để. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng trên cả nước là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, phòng, chống và tổ chức khống chế DTHCP là công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay. Thành phố là nơi tiêu thụ heo lớn nhất trong khu vực, hiện có 12 tỉnh cung cấp nguồn heo vào thành phố để giết mổ, trong đó có nhiều tỉnh đã xảy ra DTHCP, như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…

Trong nhiều giải pháp triển khai, thành phố chú trọng đến biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống và khống chế dịch. Thành phố cũng triển khai các tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm giảm nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh; thực hiện tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển heo sống nhập vào các cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Nguyễn Phước Trung cho rằng: Trước tình hình dịch đã xảy ra trên địa bàn, các quận, huyện, đơn vị liên quan phải chủ động cấp bách thực hiện các tình huống có thể xảy ra với tinh thần cao nhất. Tăng cường thành lập thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, các tổ công tác lưu động để kiểm tra, giám sát vận chuyển heo vào thành phố, cũng như tại ổ dịch ở quận 9…