Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Bài 2: Tạo liên kết để tăng lợi thế cạnh tranh

Đào tạo công nhân kỹ thuật cao tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Tân
Đào tạo công nhân kỹ thuật cao tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Tân

Tuy vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng vùng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Nhiều rào cản lớn cần được tháo gỡ, trong đó cần có giải pháp tăng cường tính liên kết giữa các địa phương trong vùng để tạo lợi thế so sánh, cùng nhau phát triển bền vững.

Những “điểm nghẽn”

Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế - xã hội của vùng KTTĐ phía nam vẫn chủ yếu do các địa phương tự làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ giữa các thành viên. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương để liên kết mời gọi đầu tư; hoạt động hợp tác hay liên kết kinh tế diễn ra trong phạm vi hẹp, chủ yếu là giữa một số địa phương chứ chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng; tổ chức điều phối chưa có sự phân công lao động giữa các địa phương trong vùng, dẫn đến đầu tư trùng lắp, sản phẩm công nghiệp tương tự nhau. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng…

Điều này dẫn đến việc tuy vùng KTTĐ phía nam có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước, nhưng tăng trưởng kinh tế của vùng bắt đầu có xu hướng chậm dần. Cụ thể, trong sản xuất công nghiệp, cơ bản vẫn là các sản phẩm gia công như: dệt may, giày dép, lắp ráp điện tử…, và chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng lớn tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 35 sản phẩm chủ yếu của vùng thì có tới 28 sản phẩm truyền thống giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công cao. Các sản phẩm cao cấp có công nghệ, giá trị cao như: bản vi mạch điện tử, ca-mê-ra, ô-tô, dược phẩm, phần mềm… còn chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ trọng hai ngành mũi nhọn của vùng so với cả nước giảm dần theo từng năm, nếu như năm 2016, ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 57,63% ngành công nghiệp - xây dựng cả nước thì năm 2018 giảm còn 57,11%; ngành dịch vụ từ 49% năm 2016, giảm còn 46,12% năm 2018. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2018 đạt 199,4 tỷ USD, nhưng vùng không đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung (cả nước xuất siêu 6,8 tỷ USD) mà ngược lại nhập siêu 0,2 tỷ USD. Còn xét về tốc độ thu hút vốn, cũng như quy mô các dự án FDI cũng giảm dần. Cụ thể, năm 2017 đạt 14,4 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016, nhưng đến năm 2018 mặc dù vẫn đạt 14,7 tỷ USD nhưng chỉ tăng 2% so với năm 2017. Lũy kế đến tháng 4-2019, quy mô vốn bình quân trên một dự án đạt 10,02 triệu USD, thấp hơn quy mô vốn bình quân cả nước hơn hai triệu USD (cả nước bình quân 12,3 triệu USD/dự án).

Nêu lên hàng loạt nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía nam nhấn mạnh đến việc thực hiện liên kết phát triển vùng. “Hội đồng vùng cũng như Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ phía nam không thể chỉ huy điều hành một cách có hiệu quả, nhất là trong công tác quản lý việc phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng; chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho toàn vùng. Các địa phương trong vùng chưa chủ động trong việc đề xuất, triển khai một số nội dung hợp tác và quá trình triển khai thực hiện chưa đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường…”.

Liên kết là then chốt

Cho rằng liên kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế vẫn then chốt, theo PGS,TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, TP Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và vùng KTTĐ phía nam, là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Ngược lại, các tỉnh trong vùng cũng là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho thành phố. Do đó, đẩy mạnh tiến trình hợp tác trong liên kết là rất cần thiết để mở rộng dư địa phát triển cho thành phố và toàn vùng. “Không gian để thành phố phát triển không còn nhiều và gần như đã được khai thác đến giới hạn. Nếu thiếu vắng sự gắn kết giữa các địa phương, nhất là với các tỉnh trong vùng thì rất khó để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của thành phố trong thời gian tới”, PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình nói.

Cùng nhận định, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ, một trong những yếu tố khiến liên kết vùng khó khăn ở vùng KTTĐ phía nam là vấn đề giao thông và thiếu cơ chế. Đối với hạ tầng giao thông, cần xem là khâu đột phá để phát triển. Bên cạnh đó, cách điều phối hiện nay không hiệu quả, cần có một bộ phận chuyên trách tham mưu cho lãnh đạo điều phối vùng thì mới giải quyết vấn đề một cách tổng thể và từng bước phát triển. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: “Để duy trì và nâng cao hiệu quả của việc liên kết là phải tạo ra một “tài sản chung” của các địa phương trong vùng, tạo điều kiện cho các địa phương cùng khai thác và sử dụng tài sản đó. Trên cơ sở này, kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Hội đồng vùng được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp là xem xét phát triển liên kết vùng không quá chú trọng vào địa giới hành chính mà dựa trên quan điểm liên kết trong vùng và liên vùng. Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách khối lượng lớn, các tuyến vành đai, đường trên cao, các đường kết nối các cảng biển và các hành lang vận tải quốc tế. Một số tuyến đường cần ưu tiên đầu tư là các đoạn đường bộ cao tốc bắc - nam, các tuyến cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực thành phố. Đồng thời, hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng; rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề, theo hướng bảo đảm hoạt động hiệu quả, chất lượng, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

(*) Xem Trang TP Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 14-6-2019.