Thu nhập tăng thêm phải gắn với hiệu quả làm việc

Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) khu vực quản lý nhà nước và sự nghiệp công lập được UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được dư luận cho rằng hết sức cần thiết, nhưng cần gắn với đánh giá hiệu quả làm việc…

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Một Chủ tịch UBND phường ở khu vực trọng điểm thu hút khách nước ngoài đến tham quan du lịch và lưu trú của quận 1 chia sẻ: “Tôi chính thức trở thành công chức tại phường từ năm 2005. Sau gần 13 năm làm việc, hiện lương của tôi là 4,6 triệu đồng cộng phụ cấp 0,25 (tương đương 508 nghìn đồng), phụ cấp công vụ gần 1,3 triệu đồng, trợ cấp bằng đại học (áp dụng đối với cán bộ phường, xã)… thành tổng thu nhập mỗi tháng là hơn 7,1 triệu đồng. So với 5 năm trước đây, mức thu nhập này đã có cải thiện nhờ thành phố áp dụng quy định trợ cấp cho CB, CC, VC có bằng đại học về phường công tác, nhưng so với mặt bằng thu nhập chung và trượt giá chi phí sinh hoạt thì không đủ để ổn định cuộc sống”.

Tương tự, một chuyên viên công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, đã là CB, CC, VC thì mức lương cũng như phụ cấp đều theo quy định của Nhà nước cho nên thu nhập đối với một chuyên viên sau gần 15 năm làm việc chỉ “đụng trần” khoảng tám triệu đồng/tháng. Trong khi đặc thù của TP Hồ Chí Minh với hơn mười triệu dân, hồ sơ công việc cần giải quyết không thể so sánh với một sở, ngành của tỉnh có vài trăm nghìn dân, vậy mà mức thu nhập chênh lệch giữa hai nơi không khác là bao nhiêu.

Đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, đơn vị xây dựng Đề án chi thu nhập tăng thêm cho CB, CC, VC của thành phố cho biết, đối tượng áp dụng đề án này là CB, CC, VC thuộc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường, xã, thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình như sau: Năm 2018, tối đa là 0,6% so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa là gấp 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2020 tối đa là gấp 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Nếu thành phố thực hiện đề án này thì nhu cầu kinh phí để thực hiện thu nhập tăng thêm của CB, CC, VC chỉ riêng trong năm 2018 đã hơn 2.300 tỷ đồng (công chức là 1.645 người, viên chức là 122.157 người và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn khoảng 6.440 người).

Theo Sở Nội vụ thành phố, căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng CB, CC, VC theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Nội vụ) bảo đảm nguyên tắc “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”…

PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đặc điểm làm việc của đội ngũ CB, CC, VC của thành phố là môi trường làm việc luôn chịu áp lực cao như đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện lớn; cán bộ ở các cơ quan hành chính… cho nên việc áp dụng thu nhập tăng thêm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc thực thi đề án này phải làm sao bảo đảm công bằng, tránh cào bằng, đi kèm theo đó phải có cơ chế đánh giá hiệu quả làm việc của CB, CC, VC để việc tăng thu nhập đúng đối tượng và mang tính khuyến khích năng suất làm việc cao.

PGS Võ Trí Hảo, Trưởng Khoa Kinh tế Luật, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh góp ý: “Đề án này chưa chú trọng vào xu hướng làm việc khoa học và hiệu quả của CB, CC, VC ứng dụng công nghệ vào việc phục vụ nhân dân trong khi thành phố đang trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Mặt khác, đề án cũng chưa tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị, cơ quan trong cùng hệ thống chính quyền mà chỉ là đánh giá bản thân CB, CC, VC của từng đơn vị”.

Với tiêu chí CB, CC, VC “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” là đối tượng áp dụng thực hiện Đề án thu nhập tăng thêm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Châu Minh Tỷ băn khoăn: “Khâu đánh giá CB, CC, VC của chúng ta đang có vấn đề vì hầu như năm nào CB, CC, VC cũng “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, vậy lúc đó đối tượng thụ hưởng của đề án liệu có còn thực chất hay không? Đề nghị MTTQ các cấp nên giám sát việc tăng thu nhập để tăng rồi thì hiệu quả của bộ máy làm việc phải tăng lên, người có năng suất lao động cao thì xứng đáng được nhận thù lao phù hợp”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù qua từng năm không nên cứng nhắc, tăng từ thấp đến cao mà cần phù hợp tính chất và đặc thù công việc thực tế. “Một phường ở quận Tân Phú có 100 nghìn dân với lượng hồ sơ giải quyết bằng số dân của ba huyện miền núi mà hệ số tăng 0,6% vẫn chưa phù hợp và chưa thật sự khuyến khích CB,CC,VC làm việc và cống hiến”, một cán bộ quận Tân Phú nhận định…