“Thủ lĩnh” Công đoàn hết mình vì người lao động

Chăm lo cho người lao động (NLĐ) từ những việc nhỏ nhất; luôn tìm tòi, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách, quy định để mang lại quyền lợi tốt nhất cho NLĐ…, nhiều chủ tịch Công đoàn (CĐ) tại doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh luôn được NLĐ tin yêu. Họ thật sự là những “thủ lĩnh” CĐ góp phần gắn kết chủ DN và NLĐ để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Phiên chợ bán hàng giảm giá phục vụ công nhân do Liên đoàn Lao động quận 3 tổ chức.
Phiên chợ bán hàng giảm giá phục vụ công nhân do Liên đoàn Lao động quận 3 tổ chức.

Cầm khoản tiền 10 triệu đồng vừa nhận được từ Quỹ vay tương trợ của Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre ở quận Tân Phú (Công ty CJ Cầu Tre), anh Nguyễn Đình Dũng, làm việc tại bộ phận tổ chức nhân sự của DN này, phấn khởi: “Xét thấy yêu cầu của tôi hợp lý cho nên Chủ tịch CĐ đề xuất ngay với Ban Chấp hành CĐ công ty xem xét cho tôi vay không tính lãi 10 triệu đồng, giúp con trai tôi có điều kiện tiếp tục theo học đại học”.

Luôn gần gũi với anh em, khi biết được NLĐ nào của đơn vị đang gặp khó khăn về kinh tế cần giúp đỡ, Chủ tịch CĐ Công ty CJ Cầu Tre Phạm Viết Bằng trao đổi ngay với Ban Chấp hành CĐ để kịp thời động viên, tìm cách vận dụng linh hoạt các nguồn quỹ tại DN để giải quyết hỗ trợ từng trường hợp cụ thể. Quỹ vay tương trợ được Ban Chấp hành CĐ đề xuất lập ra từ nguồn quỹ xã hội từ thiện của công ty. Xét thấy NLĐ có nhu cầu chính đáng, Ban Chấp hành CĐ xem xét cho vay không lấy lãi, thu hồi tiền vay bằng cách trừ không quá 30% lương hằng tháng của công nhân. Hiện, số tiền trong Quỹ vay tương trợ đã lên đến 300 triệu đồng và Ban Chấp hành CĐ công ty đang đề nghị Ban Giám đốc DN cho NLĐ vay tăng lên cao nhất là 20 triệu đồng/trường hợp nhằm đáp ứng cao hơn nhu cầu về tài chính của NLĐ thực sự khó khăn.

Nhằm khuyến khích NLĐ thi đua lao động, sáng tạo, Chủ tịch CĐ Công ty CJ Cầu Tre cũng đã đề xuất và được Ban Giám đốc công ty áp dụng hình thức khen thưởng cho NLĐ có thành tích xuất sắc trong tháng với số tiền thưởng từ một đến ba triệu đồng. “Gần một năm rưỡi qua đã có 77 NLĐ được khen thưởng với số tiền 165 triệu đồng. Đây là sự ghi nhận, động viên, khích lệ kịp thời của DN đối với những tập thể, cá nhân luôn nỗ lực vì sự phát triển của DN”, ông Phạm Viết Bằng chia sẻ.

Chuyển từ một DN nhà nước sang Công ty cổ phần (Tập đoàn CJ Hàn Quốc chiếm 71,6% cổ phần), thời gian đầu sau chuyển đổi, hoạt động CĐ tại DN chưa thật sự được Ban Giám đốc mới ủng hộ. Với vai trò Chủ tịch CĐ, ông Bằng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với Tổng Giám đốc DN về vai trò của tổ chức CĐ Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, các luật, nghị định. Bằng những việc làm cụ thể, Ban Chấp hành CĐ cùng Chủ tịch CĐ công ty đã chứng minh một cách thuyết phục chính tổ chức CĐ đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, giúp sức và làm cầu nối giữa chủ DN và NLĐ.

Khi đã hiểu rõ vai trò của tổ chức CĐ cơ sở, vị Tổng Giám đốc công ty (người Hàn Quốc) đã cùng Ban Chấp hành CĐ công ty phát động chương trình nhận đồ cũ để bán gây quỹ từ thiện, tổ chức ẩm thực từ thiện, được đông đảo NLĐ của DN tham gia. Toàn bộ số tiền thu được, Ban Giám đốc quyết định chuyển giao cho Ban Chấp hành CĐ công ty làm Quỹ Mái ấm CĐ…

Trong tám năm giữ cương vị Chủ tịch CĐ của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, bà Vũ Đoàn Trúc Khê luôn nhẫn nại và thuyết phục đến cùng để Ban Giám đốc ký kết những nội dung thỏa ước lao động mang lại quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Theo bà Khê, trong những năm đầu, công ty chỉ áp dụng mua gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho nhân viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt, sau thời gian Ban Chấp hành CĐ kiên trì thuyết phục, lãnh đạo công ty thấy hợp lý cho nên đã quyết định mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ 1.500 nhân viên, NLĐ của công ty trên toàn quốc. Bà Khê quan niệm, đã là NLĐ làm chung trong một đơn vị, cùng đóng góp vào sự phát triển của DN thì quyền lợi họ nhận được phải bảo đảm công bằng.

Ban Chấp hành CĐ công ty cũng đề xuất nhiều chế độ, phúc lợi ngoài quy định của Luật Lao động được lãnh đạo DN chấp thuận, thực hiện, mang lại quyền lợi cho NLĐ. Đó là: Mỗi năm NLĐ được hưởng 20 ngày phép; NLĐ được nghỉ một ngày vào kỷ niệm ngày sinh; NLĐ đến tuổi nghỉ hưu mà đã làm việc tại công ty 10 năm liên tục thì được nghỉ một tháng trước tháng nghỉ hưu và hưởng nguyên lương. Bà Vũ Đoàn Trúc Khê cũng tự hào giới thiệu những góc thư giãn thú vị mà Ban Giám đốc công ty trang bị cho NLĐ như phòng tập gym có huấn luyện viên để nhân viên luyện tập thể dục trước và sau giờ làm việc; phòng riêng cho bà mẹ nuôi con nhỏ; phòng dành cho trẻ em khi nhân viên mang con đến công sở… "Càng được anh em, NLĐ tín nhiệm tôi càng thấy áp lực cho nên bản thân mình phải luôn cố gắng để cùng Ban Chấp hành CĐ lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của anh em", bà Trúc Khê nói.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều những “thủ lĩnh” CĐ luôn hết lòng với NLĐ như ông Phạm Viết Bằng, bà Vũ Đoàn Trúc Khê. Họ luôn quan tâm, chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, hướng đến lợi ích chung để giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo và hiệu quả ở DN...