Thủ Đức tìm giải pháp phân loại chất thải tại nguồn

Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh tại quận Thủ Đức được xem là thành tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề thu hút đầu tư, thúc đẩy sự bứt phá của một quận ngoại thành, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo quận Thủ Đức theo dõi việc lắp thùng phân loại rác tại tuyến đường Võ Văn Ngân.
Lãnh đạo quận Thủ Đức theo dõi việc lắp thùng phân loại rác tại tuyến đường Võ Văn Ngân.

Tuy nhiên, việc đô thị hóa nhanh nhưng kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, các dự án đã và đang triển khai nhiều, kéo theo số lượng lớn người dân nhập cư đã làm gia tăng chất thải sinh hoạt, phát sinh nhiều bãi rác tự phát, khó xử lý. Trước thực trạng đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác thải ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (gọi tắt là cuộc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch”); UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 44/2018/QĐVB về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 24-11-2018. Lãnh đạo thành phố mong muốn, với sự phát động sâu rộng trong hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện các cuộc vận động nêu trên sẽ góp phần kéo giảm ô nhiễm môi trường, cũng như tìm được giải pháp hữu hiệu xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, ngay từng hộ dân trên địa bàn.

Với Quyết định số 44/2018/QĐVB, người dân hết sức quan tâm việc chủ nguồn thải sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Cùng với đó, đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại… Thế nhưng, sau một năm áp dụng thực hiện tại quận Thủ Đức, kết quả không như mong đợi. Tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện cuộc vận động nhân dân không xả rác ra đường và kênh rạch” tổ chức sáng 2-7-2019 tại quận Thủ Đức, thực trạng, nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra như: công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia cuộc vận động chưa thật sự hiệu quả, người dân chủ yếu chỉ biết qua phương tiện thông tin đại chúng, còn việc thực hiện chưa lan tỏa; nhân lực và phương tiện thu gom rác thải tại nguồn còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhiều đường dây rác dân lập sau khi thu gom đã đổ chung các loại rác thải với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa; hay trên địa bàn quận chỉ có ba bô rác đã quá tải, ảnh hưởng việc thu gom…

Nhiều buổi đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo quận Thủ Đức với người dân được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu giải quyết tận gốc vấn đề thu gom rác thải tại nguồn. Tại những buổi đối thoại này, người dân cũng thắc mắc khi chính quyền đưa ra mức phạt cao cho những hành vi không phân loại rác tại nguồn hay xả rác thải ra môi trường, nhưng chưa biết đơn vị, cơ quan nào sẽ thực hiện, cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động xử phạt và liệu người vi phạm sẽ nghiêm chỉnh thực hiện đóng phạt hay không. Vấn đề khác là UBND thành phố đã ban hành quy định yêu cầu các đơn vị dịch vụ công ích phải chuyển đổi phương tiện phù hợp nhằm bảo đảm quá trình phân loại rác tại nguồn cũng như thu gom, vận chuyển, nhưng với yêu cầu này thì một số nơi không đủ khả năng thực hiện. Việc đầu tư vốn vào phương tiện thu gom rác theo yêu cầu đòi hỏi chi phí cao nhưng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện còn nhiều vướng mắc, và trên thực tế các chủ phương tiện chưa tiếp cận được những nguồn quỹ hỗ trợ này.

Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thủ Đức Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng quản lý về vệ sinh môi trường, đô thị…) trong tuyên truyền, tiếp nhận thông tin và xử lý nhanh các vấn đề về môi trường do người dân cung cấp để nâng cao hiệu quả của cuộc vận động là hết sức cần thiết. Hiện nay, người dân dễ dàng sở hữu điện thoại thông minh cũng như nhiều thiết bị hiện đại khác, do đó ứng dụng công nghệ vào quản lý, xử lý nhanh các vấn đề môi trường cũng là giải pháp hiệu quả.

Thiết nghĩ, giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường luôn là phần ngọn; cái gốc là thay đổi ý thức của mỗi người. Để thay đổi ý thức này thì công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị thực hiện liên tục và xuyên suốt. Để đưa cuộc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch” và phân loại rác thải tại nguồn đi sâu vào đời sống người dân thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, nhất là phải có sự đồng bộ trong chuỗi dây chuyền “phân loại - thu gom - tập kết - vận chuyển - xử lý” rác thải. Chính giá trị của việc đồng bộ hóa nêu trên kết hợp với sự quản lý khoa học sẽ là tiền đề để cuộc vận động nhanh chóng mang lại hiệu quả cao, không còn tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, mãi loay hoay tìm cách xử lý hậu quả môi trường khi đã xảy ra, góp phần xây dựng quận Thủ Đức nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung ngày càng giàu đẹp.