Thêm động lực cổ vũ cho sáng tạo trẻ

Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) vừa tổng kết và trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (Euréka) lần thứ 22 năm 2020. Đã có 121 đề tài của các tác giả, nhóm tác giả xuất sắc nhất đoạt giải, trong đó có các đề tài được chuyển giao ngay khi đoạt giải.

Nhóm sinh viên Trường đại học Văn Lang với nghiên cứu "Sản xuất túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối" nhận giải đặc biệt.
Nhóm sinh viên Trường đại học Văn Lang với nghiên cứu "Sản xuất túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối" nhận giải đặc biệt.

Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm cho biết: Euréka luôn cổ vũ, biểu dương các hoạt động, chính sách hỗ trợ sáng tạo, nghiên cứu khoa học dành cho thanh niên. Để từ đó, các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được ra đời, tạo nền tảng cho hoạt động khởi nghiệp trong tương lai. Những năm gần đây, trung tâm được giao thực hiện các nhiệm vụ tập hợp, động viên và phát huy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật của tuổi trẻ thành phố, tổ chức các giải thưởng, đầu tư nghiên cứu, thực hiện một số công trình khoa học kỹ thuật có giá trị kinh tế, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý kinh tế.

Trong các đề tài được giải năm nay, đáng chú ý có nghiên cứu “Sản xuất túi giấy sinh học và phân bón hữu cơ từ thân cây chuối” của nhóm tác giả (Cao Nguyễn Tuyết Ngân, Huỳnh Anh Bảo, Phạm Thị Nhật Hạ, Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trường đại học (ĐH) Văn Lang). Theo các bạn trẻ, ở Việt Nam, diện tích trồng chuối trong cả nước hơn 140 nghìn ha, sản lượng hơn 200.000 tấn. Cây chuối có đặc điểm, sau khi hoàn thành việc ra hoa, kết trái thì kết thúc vòng đời của cây mẹ. Vì vậy, hầu hết các nhà vườn gặp khó khăn trong xử lý phần thân chuối sau thu hoạch buồng. Bình quân mỗi héc-ta chuối sẽ có khoảng 1.700 đến 2.000 thân chuối mẹ thải loại sau mỗi vụ thu hoạch. Với diện tích hơn 140 nghìn ha thì lượng phế thải là vô cùng lớn. Hiện tại, các nông trại thường chỉ mới áp dụng giải pháp cho phân hủy tự nhiên tại chỗ, gây nên nhiều hệ lụy cho môi trường và phát sinh các yêu cầu vệ sinh đồng ruộng. Do đó, để tận dụng hết tiềm năng của cây chuối, bảo đảm vệ sinh đồng ruộng và góp phần tăng thu nhập cho người trồng chuối, nhóm nghiên cứu đề xuất một ý tưởng khả thi: nghiên cứu sản xuất túi xách và phân hữu cơ từ thân cây chuối sau thu hoạch. Và nghiên cứu này đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp.

Còn đề tài “Ứng dụng mô hình Mike 21 SW (Spectral Wave) xác định năng lượng sóng biển tại vùng biển ven bờ hai tỉnh Phú Yên và Bình Thuận (Đỗ Vĩnh Nguyên-Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), tác giả đã chỉ ra việc nghiên cứu toàn diện về chế độ thủy động lực của vùng nghiên cứu ven biển thông qua ứng dụng mô hình toán sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp chỉnh trị bảo vệ bờ biển. Kết quả phân tích trường sóng và trường lưu tốc, mực nước tại các điểm khống chế có thể sơ bộ đánh giá khả năng các đoạn bờ có nguy cơ bị bồi xói, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp chỉnh trị bảo vệ bờ, phục vụ giao thông vận tải thủy”... Có thể nói, qua giải thưởng, nhiều nghiên cứu, đề tài đã được ứng dụng, đưa vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong chuyển giao khoa học phục vụ cuộc sống. Theo Ban tổ chức, trong 121 đề tài xuất sắc nhất đã được trao giải, có 10 giải nhất, 14 giải nhì, 13 giải ba và 84 giải khuyến khích. Tổng giá trị trao thưởng là 377 triệu đồng. Giải thưởng là ghi nhận đóng góp cao quý của các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, với sự đồng hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ. 

“Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, thông qua và giới thiệu đăng ký tham gia vòng bán kết giải thưởng tại TP Hồ Chí Minh. Nhờ sự quan tâm và đầu tư đặc biệt đó mà giải thưởng ngày càng được nâng cao cả về quy mô lẫn chất lượng. Năm 2020, giải thưởng đã thu hút 114 trường ĐH, cao đẳng, học viện đến từ 29 tỉnh, thành phố trong cả nước với 1.011 đề tài của 2.734 thí sinh tham gia. Các đề tài vào vòng chung kết năm nay có tính thời sự, tính ứng dụng cao, nhiều đề tài nghiên cứu về các vấn đề nóng của xã hội như: nghiên cứu về tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế; các nghiên cứu về hành vi, xu hướng của thế hệ Z, nghiên cứu về văn hóa dân gian trong rap Việt, giáo dục STEAM theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề pháp lý với rô-bốt và lao động công nghệ; các nghiên cứu về đô thị thông minh, du lịch thông minh, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ blockchain và đặc biệt có rất nhiều nghiên cứu để hỗ trợ, bảo vệ cho các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em”… Anh Đoàn Kim Thành chia sẻ.