Thay đổi tư duy trong thực hiện các dự án trọng điểm

TP Hồ Chí Minh đang triển khai đồng loạt nhiều dự án trọng điểm, trong đó có những dự án thuộc các chương trình đột phá của thành phố. Nhiều dự án đã hoàn thành, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, để các dự án trọng điểm khác được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng, cần có thêm những giải pháp hiệu quả…

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang được gấp rút thi công. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang được gấp rút thi công. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hiện nay, có 58 dự án đầu tư công quy mô lớn trên địa bàn thành phố đã hoàn thành hoặc dự kiến đến tháng 9-2020 hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 46.498 tỷ đồng, trong đó có 23 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 14 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước, hai dự án ngành văn hóa - xã hội, sáu dự án ngành y tế… Ðến năm 2020, thành phố dự kiến hoàn thành bốn dự án cấp nước sạch; hai dự án thủy lợi, phòng, chống lụt bão; một dự án xây dựng nhà ở xã hội, tái định cư; năm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thành Ðề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 1) ở quận 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố đã hoàn thành trong năm 2018. Mục tiêu của dự án là góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Ðịnh - Ðồng Văn Cống và đường vành đai 2. Anh Trần Văn Minh, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 chia sẻ, từ khi cầu vượt tại nút giao Mỹ Thủy hoàn thành, lượng xe công-ten-nơ đi vào làn đường dưới đất giảm hẳn. Các phương tiện sang quận 7 được đi lên cầu vượt nên không bị dồn ở vòng xoay như trước đây.

Cũng là một dự án giao thông lớn thuộc quận 2 hoàn thành trong năm 2018, cầu qua đảo Kim Cương đã giúp giảm áp lực giao thông cho đường Ðồng Văn Cống, một trong những trục đường chính nối với cảng Cát Lái. Cây cầu bắc qua nhánh sông Giồng Ông Tố, tạo thành một trục kết nối từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi tới đường Mai Chí Thọ, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực này tới các tuyến đường Trần Não, Lương Ðịnh Của và khu vực trung tâm thành phố.

Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)", với tổng mức đầu tư khoảng 9.926 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tính đến hết tháng 5-2019, dự án đã thi công 75% khối lượng, tương ứng khối lượng xây lắp là 5.180 trong số 6.907 tỷ đồng. Hiện, thành phố đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin gia hạn thời gian tái cấp vốn dự án, đồng thời khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tiếp tục thi công…

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại thành phố trong thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Ðối với các dự án đầu tư công, việc chậm giải ngân là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong sáu tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân của thành phố chỉ đạt 20% là quá thấp, nguy cơ không đạt chỉ tiêu cả năm. Quận 4 có tỷ lệ giải ngân cao nhất của thành phố cũng chỉ đạt 42%; một số quận có tỷ lệ giải ngân chưa đến 15% như: quận 1 (12%), Bình Thạnh (7%), quận 5 (6,7%), quận 9 (10%)…

Việc chưa đánh giá kỹ hiệu quả về mặt tài chính cũng như cân đối thu chi khi thực hiện các dự án đầu tư công, hay chưa cân nhắc kỹ tính khả thi của việc huy động vốn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển hạ tầng cũng làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng của các dự án. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án đầu tư công và dự án đầu tư tư nhân đều gặp nhiều khó khăn…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp. Trước hết, các địa phương, đơn vị liên quan cần thay đổi tư duy trong đề xuất và triển khai các dự án đầu tư công theo hướng xã hội hóa triệt để các hoạt động đầu tư. Theo đó, trừ những dự án mà Nhà nước bắt buộc phải đứng ra đầu tư do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật, còn lại cần xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp, người dân thực hiện. Thành phố không trực tiếp giữ vai trò là "nhà phát triển dự án" mà chỉ là "người kiến tạo" thông qua xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lập quy hoạch, tạo lập quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát triển khai đầu tư xây dựng. Việc này không chỉ giảm phụ thuộc vào ngân sách thành phố mà ngược lại còn làm tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua nguồn tiền thu được từ việc lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu giá, đấu thầu), tiền nộp nghĩa vụ ngân sách (thông qua các khoản thuế, phí).

Ðối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cần ưu tiên chuyển các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư sẽ là người đứng ra thương lượng với người dân theo giá thị trường để đầu tư xây dựng các công trình. Các phương án đàm phán của nhà đầu tư thường linh hoạt hơn so với việc thành phố xây dựng phương án bồi thường theo quy định.

Cần rà soát tổng thể quy hoạch của thành phố, trong đó bảo đảm sự thống nhất, tính kết nối giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông. Ưu tiên rà soát điều chỉnh quy hoạch chung quanh các nhà ga thuộc năm tuyến đường sắt đô thị và bến xe khách của thành phố theo hướng tăng chiều cao mật độ xây dựng, tạo thành các đầu mối thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ phục vụ người dân. Nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép thành phố thực hiện một số cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26 nghìn ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ.

Ðặc biệt, thành phố cần thể hiện rõ nét hơn vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thành phố sẽ xác định phát triển những lĩnh vực gì, còn lại những lĩnh vực gì sẽ hỗ trợ các tỉnh thực hiện, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, giẫm chân lên nhau trong thu hút đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.