Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Thủ tục hành chính còn rườm rà, giải phóng mặt bằng bế tắc, dự án bị thu hồi, đình chỉ,… chính là những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản TP Hồ Chí Minh đang gặp phải. Nhằm chia sẻ và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện đề ra các giải pháp hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Lễ mở bán một dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh.
Lễ mở bán một dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ cuối năm 2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã xây dựng khu đô thị mới Dragon City. Tuy nhiên, đến nay, tại phân khu 15 của dự án, một hộ dân chưa chịu di dời, thậm chí còn có hành vi cản trở doanh nghiệp (DN) làm dự án. Tương tự, ông Bùi Tiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cho biết: DN đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000 m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, quận 5. Tuy nhiên, trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án thành phố duyệt là khoảng bốn tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m2, khiến toàn bộ dự án bị bế tắc. Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Xanh Nguyễn Văn Đực nêu khó khăn: Công ty có dự án 5.000 m2 tại quận 8 đang gặp khó trong việc đóng tiền sử dụng đất vì dự án có khoảng 125 m2 đất bị vướng quy hoạch đường mới. Lý do là phải chờ Sở Xây dựng thành phố yêu cầu thẩm định giá, chuyển các sở, đưa ra hội đồng xét duyệt. Ông Đực cho rằng phần diện tích này DN chỉ dùng làm công viên cho nên kiến nghị giải quyết thủ tục bằng cách đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Ngoài ra, việc quy định muốn được công nhận là chủ đầu tư thì đất phải là đất ở cũng gây khó cho DN.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn, hiện chỉ có khoảng 25% số dự án xin cấp phép bảo đảm đất ở hợp pháp khi nộp hồ sơ. Còn lại 75% số dự án là đất nông nghiệp, đất giải phóng mặt bằng, chuyên dùng, đất chưa chuyển mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo ông Tuấn, TP Hồ Chí Minh đã hai lần gửi văn bản lên Chính phủ, đã chuyển đến các bộ, ngành để giải quyết những vướng mắc này. Việc gỡ như thế nào còn theo trình tự thủ tục và phải sửa văn bản luật. Trong lúc chờ đợi, chủ đầu tư có đất ở hợp pháp cứ trình dự án để triển khai. Lãnh đạo thành phố chia sẻ khó khăn của DN trong quá trình chậm triển khai dự án làm chi phí gia tăng. Đồng thời, dự án triển khai chậm ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chương trình phát triển nhà ở của thành phố. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố chia sẻ và luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết những khó khăn của DN bằng những hành động cụ thể. Thực tế hiện nay thị trường rất phức tạp. Bên cạnh những DN làm ăn chân chính vẫn có một số DN rao bán dự án khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thậm chí có DN sau khi đã bán cho người dân còn đem tài sản đó đi thế chấp, cầm cố tại ngân hàng; nhiều dự án không chất lượng như quảng cáo. Do vậy, ông Tuyến yêu cầu các cơ quan chức năng phải nhận diện, công khai danh tính những DN làm ăn không minh bạch cho người dân được biết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm: Lãnh đạo thành phố luôn bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, DN. Những vướng mắc hiện nay, phần nào thuộc trách nhiệm của cán bộ thì xử lý cán bộ làm sai. Phần nào sai sót thủ tục thì rà soát chứ không để làm ảnh hưởng đến DN. Vấn đề thất thoát tài sản Nhà nước có sự tiếp tay của DN thì phải làm rõ và xử lý. Với kiến nghị của DN trong từng dự án và các dự án liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ sớm phối hợp Chủ tịch UBND các quận, huyện để có chỉ đạo cụ thể.