Tham gia phát triển kinh tế tri thức

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến kinh tế tri thức, kinh tế số sao cho xứng tầm Đô thị thông minh trong tương lai. Bài tham luận do Đoàn đại biểu Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh trình bày mang tính xây dựng giải pháp, phát triển các sản phẩm kinh tế tri thức cho TP Hồ Chí Minh đã được nhiều đại biểu đồng tình. 

Phòng thí nghiệm Nano hiện đại của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Phòng thí nghiệm Nano hiện đại của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Kinh tế số

Lâu nay, sức lao động và tài nguyên thiên nhiên vốn được xem là những nhân tố truyền thống đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhân tố mới như công nghệ cao, nguồn lực trí tuệ con người… đang xuất hiện làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế bị thay đổi. Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt được bằng cách đầu tư vào nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo và tri thức, trong đó tri thức là nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư vào tri thức sẽ tạo ra tăng trưởng cả về năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững, hạn chế khai thác tài nguyên.

Mặc dù có các thuật ngữ khác nhau, như kinh tế dựa trên tri thức hay kinh tế tri thức, song tất cả đều cơ bản đồng thuận rằng tri thức là yếu tố then chốt trong sự phát triển. Và các nhà khoa học đã chỉ ra bốn trụ cột của kinh tế tri thức, bao gồm: giáo dục - đào tạo; nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo, hạ tầng (công nghệ thông tin); thể chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Bốn trụ cột này có mối quan hệ hữu cơ, tạo ra các giá trị mới của kinh tế tri thức. 

Trong nền kinh tế số, các tri thức mới được tạo ra từ dữ liệu lớn dựa vào trí tuệ nhân tạo. Mô hình kinh tế số này bao gồm ba tầng, trong đó: Ở tầng cơ sở, dữ liệu và thông tin được trao đổi, thu thập thông qua các thiết bị kết nối như in-tơ-nét vạn vật, điện thoại di động, ca-mê-ra; ở tầng trung gian dữ liệu sẽ được chuyển về các trung tâm lưu trữ điện toán đám mây thông qua hệ thống mạng wifi, 5G… (tại đây, dữ liệu sẽ được lưu trữ và xử lý sử dụng các công nghệ điện toán đám mây tiên tiến); ở tầng trên cùng, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo được áp dụng trên nền tảng dữ liệu lớn để tạo ra các tri thức mới, các sản phẩm mới, các giá trị mới, áp dụng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như y tế, năng lượng, giao thông, thương mại,…

Hãy nhìn sự hình thành và phát triển vượt bậc của nhiều tập đoàn công nghệ mới. Năm 2006 chỉ có Microsoft và General Electric nằm trong nhóm 10 tập đoàn có doanh thu lớn nhất toàn cầu. 10 năm sau, tức năm 2016, có bảy trên 10 tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm Google, Facebook, Amazon. Riêng Apple đã trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới với doanh thu vượt mốc 2.000 tỷ USD (tháng 9-2020). Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hạt nhân là trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội trong tương lai. 

TP Hồ Chí Minh và kinh tế tri thức

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 10, trong phần mục tiêu có đề cập đến các nội dung: Đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững. Các nội dung này cũng nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế tri thức. Nói cách khác, phát triển kinh tế tri thức có thể được xem như là một mục tiêu của thành phố trong giai đoạn tới. Trong bốn chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả bốn chương trình này đều gắn với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức. Riêng ĐHQG được thành lập năm 1995, với tầm nhìn hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học - công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam. ĐHQG hiện có 1.002 tiến sĩ bao gồm 330 giáo sư, phó giáo sư và hơn 2.400 thạc sĩ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ĐHQG đã đào tạo và cung cấp cho thành phố và các tỉnh phía nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Từ năm 2016 đến nay, toàn ĐHQG thực hiện hơn 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Trong định hướng 2020 - 2030, ĐHQG chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực, cụ thể là: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở tám lĩnh vực giai đoạn 2020 - 2025 và đại học chia sẻ; đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời; chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các đề án sẽ tạo sản phẩm gồm: Các chương trình đào tạo trình độ quốc tế; thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ; phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực then chốt như: giao thông, y tế, tài chính, thương mại. Về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, ĐHQG còn chủ động tham gia Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP Hồ Chí Minh, thông qua các chương trình và đề án: Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông; chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa; chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh; các giải pháp tư vấn về chính sách phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; là các sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa có giá trị ứng dụng cao; hệ sinh thái khởi nghiệp tại Khu Công nghệ phần mềm (thuộc ĐHQG). Về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ĐHQG chủ động tham gia thực hiện: Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP Hồ Chí Minh 2020 - 2045, trong đó bao gồm mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm dự kiến sẽ là các giải pháp tư vấn cho hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. Về hệ thống thể chế chính sách, ĐHQG chủ động tham gia đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025; chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh; đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông. Sản phẩm dự kiến sẽ là hệ thống các chính sách và giải pháp liên quan đến mô hình đô thị thông minh, phương pháp quản trị hiệu quả trong nền tảng hạ tầng số như: chính sách về dữ liệu, mô hình kinh doanh mới, chính sách bảo đảm an ninh mạng…