Tây Ninh thu hút nhiều nguồn lực từ TP Hồ Chí Minh

Năm 2019, nhiều nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đã chọn Tây Ninh như là một cơ hội mở rộng thị trường, thương hiệu, nguồn khách hàng…

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát công trình Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khảo sát công trình Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh.

Mỗi nhà đầu tư chọn một lĩnh vực khác nhau, có người đầu tư vào phân khúc chăm sóc sức khỏe người dân, cũng có nhà đầu tư dồn rất nhiều nguồn lực để mở mang thị trường bán lẻ, giúp nông dân tỉnh này đưa các sản phẩm nông sản đặc sản ra toàn quốc.

Dù còn vài tháng nữa mới đi vào hoạt động chính thức song thời điểm cuối năm 2019, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh (BVXA) đã thông tin tuyển dụng số lượng nhân sự: 35 bác sĩ (BS) lâm sàng và cận lâm sàng, 110 BS nội, ngoại, sản, nhi, mắt, huyết học, 30 BS chẩn đoán hình ảnh và gây mê hồi sức cùng hàng trăm điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ, nữ hộ sinh…

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, khi lập dự án BVXA - Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh lên tận TP Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư và đơn vị đã khởi công xây dựng bệnh viện tại huyện Gò Dầu với tổng số vốn đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng, quy mô hơn 1.000 giường bệnh, tổng diện tích 41.000 m2. BVXA - Tây Ninh khi đi vào hoạt động sẽ có quy mô thực tế hơn 1.000 giường bệnh, có thể đáp ứng 2.000-3.000 lượt khám ngoại trú và 1.000 người bệnh nội trú/ngày.

Từ chủ trương thu hút đầu tư đúng đắn của Tỉnh ủy các thời kỳ, việc đưa vào hoạt động BVXA - Tây Ninh còn góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 của tỉnh đề ra về số bác sĩ và số giường bệnh/10.000 dân (Tây Ninh hiện có 6,3 bác sĩ/10.000 dân, Nghị quyết đến năm 2020: bảy bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh/10.000 dân đạt 18,9 giường, Nghị quyết đến năm 2020: 23 giường). Thêm nữa, với 25 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 18 phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, được trang bị hệ thống máy CT Scanner đa lát cắt, máy chụp MRI, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA và hàng loạt hệ thống chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tiên tiến…, BVXA được xem là cơ sở y tế chuyên sâu phục vụ người dân tỉnh Tây Ninh và các khu vực lân cận của Cam-pu-chia.

Một nhà đầu tư khác từ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cũng đến Tây Ninh để làm ăn lâu dài là ông Phạm Ngô Quốc Thắng đã đầu tư 1.800 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Tanifood. Khi nhà máy được khánh thành, nhà đầu tư này còn phối hợp ngành nông nghiệp trồng khoảng 10 nghìn ha cây nguyên liệu; đồng thời đào tạo nông dân thực hành sản xuất, giúp nông dân hiểu và có trách nhiệm với các sản phẩm do chính họ làm ra và giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết: Tính đến ngày 20-10-2019, Tây Ninh đứng thứ sáu trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư với nhiều nhà đầu tư lớn như SunGroup, VinGroup, TTC Group...

Nhiều dự án đầu tư tại Tây Ninh còn có quy mô khu vực như Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng với tổng vốn 9.100 tỷ đồng, Nhà máy Chế biến rau củ quả Tanifood có mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, Trang trại Bò sữa Vinamilk với tổng đàn 9.000 con bò...

Những con số nêu trên góp phần vào thành công của việc hoàn thành 22 trong số 23 chỉ tiêu mà HĐND tỉnh đề ra; GRDP tăng trưởng vượt trội cao nhất trong 5 năm qua là 8,4%.

Gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh-Saigon Co.op đã khánh thành Co.opmart SCA Tây Ninh và Co.opmart Tân Châu. Theo nhà đầu tư này, Tây Ninh đang là thị trường có nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai và đây cũng là “nguồn cung” sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh. Thế nên, mới có hiện tượng Tây Ninh dù không phải là tỉnh phát triển kinh tế quá "nóng" song đã đạt kỷ lục “tỉnh có nhiều siêu thị Co.opmart nhất Việt Nam” với hệ thống siêu thị Co.opmart “phủ kín” các huyện, thị xã, thành phố. Quả thật, sau khi có hệ thống siêu thị, các sản phẩm muối tôm, bánh tráng phơi sương, dưa lưới, mãng cầu… của Tây Ninh đã tiếp cận người tiêu dùng cả nước.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, tổng mức bán lẻ hàng hóa ở Tây Ninh qua nửa nhiệm kỳ đạt hơn 160 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân khá cao 9,74%/năm. Theo đó là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có trụ sở tại quận 7, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức khánh thành trang trại bò sữa chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích 685 ha, quy mô chăn nuôi 8.000 con bò, bê, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD). Ngoài việc cung cấp sản lượng sữa tươi nguyên liệu ở đây đạt hơn 100 nghìn lít sữa/ngày, việc đưa trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh vào hoạt động không chỉ giúp Vinamilk đạt được các mục tiêu về tăng trưởng mà còn góp phần giúp ngành nông nghiệp, chăn nuôi và kinh tế địa phương phát triển nhanh trong thời gian tới.

Thêm một thông tin nữa khiến cho các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh rất an tâm khi chọn Tây Ninh là điểm đến đầu tư: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 53,5 km, có từ sáu đến tám làn xe sẽ được hai địa phương tập trung giải phóng mặt bằng và bồi thường cho nhân dân, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Theo đồng chí Phạm Viết Thanh, đạt được nhiều kết quả khích lệ như vậy là nhờ tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể cấp ủy các cấp trong tỉnh; tính gương mẫu, nêu gương trong công tác, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Thể hiện qua các con số: Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,75%, xếp thứ tư trong số 63 tỉnh, thành phố; và là tỉnh có mức thu nhập trung bình là 4,25 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập chung cả nước.