Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ "kép"

Tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 những tháng đầu năm đã khiến nền kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đà tăng trưởng của thành phố trên nhiều lĩnh vực. Trong những tháng cuối năm, thành phố tiếp tục quyết liệt chỉ đạo sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong giai đoạn bình thường mới. Trong ảnh: Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong giai đoạn bình thường mới. Trong ảnh: Công nhân Công ty may Nhà Bè trong giờ làm việc.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, nơi chiếm 50% số lượng doanh nghiệp (DN) của cả nước; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, ngành dịch vụ chiếm hơn 60%. Ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, chung tay, chung sức của các tầng lớp nhân dân triển khai khẩn trương “nhiệm vụ kép”, vừa hạn chế tác động khó khăn của dịch Covid-19, phấn đấu ngăn chặn dịch trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực không đạt được như kế hoạch đặt ra ban đầu. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố trong sáu tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,86%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 37% so với cùng kỳ; ngành lưu trú, ăn uống giảm 47,3%; ngành du lịch, lữ hành giảm đến 71,2%. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, số lao động tại thành phố nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 70 nghìn người trong tổng số 82 nghìn người nộp hồ sơ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, có hơn 2.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Số DN tạm ngưng hoạt động tăng đến hơn 40% so với cùng kỳ (hơn 8.300 DN). Theo dự báo, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tính đến cuối tháng 6, thu ngân sách nhà nước đạt 164 nghìn tỷ đồng, đạt 40,21% so với dự toán.

Trong nhiều khó khăn mà nền kinh tế - xã hội thành phố đang gặp phải, với quyết tâm vượt khó của các ngành, các cấp, tình hình kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng. Ðây là tiền đề để thành phố bứt phá đi lên thời gian tới. Cụ thể đó là, ngành hàng dịch vụ đã duy trì tốc độ tăng cao, dịch vụ y tế tăng 11,56%, tài chính ngân hàng tăng 7,82%, khoa học - công nghệ tăng 7,13%, thông tin truyền thông tăng 7,26% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, hơn 18 nghìn DN đã đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 246 nghìn tỷ đồng. Một điểm nhấn khác của nền kinh tế là các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển với tốc độ nhanh. Việc triển khai dự án đô thị thông minh tiếp tục được tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tổ chức cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử, xây dựng đề án Chuyển đổi số, kết nối với 840 đơn vị trên địa bàn thành phố và hơn năm triệu văn bản điện tử. Trong tâm dịch, thành phố vẫn là một trong ba tỉnh, thành phố của cả nước thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Kết quả triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 40%. Riêng với hoạt động đăng ký DN có tỷ lệ đăng ký trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 90%.

Giai đoạn sau Covid-19, lĩnh vực du lịch đang có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ với hàng loạt chương trình kích cầu du lịch đang được triển khai. Trong đó, chú trọng kích cầu du lịch trong nước và tăng cường liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch để tạo đà tăng trưởng. Ðây thật sự là thuận lợi để kết nối và vực dậy các ngành kinh tế khác. Nhấn mạnh về mục tiêu tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Việc thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng như kế hoạch ban đầu (8,3 đến 8,5%/năm) là điều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, chúng ta phải hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5% thay vì là tăng trưởng 2 đến 3% như các kịch bản đã lên”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị, DN và người dân đồng lòng cùng nhau thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa nỗ lực bảo vệ thành quả chống dịch đã và đang đạt được, đồng thời khôi phục và phát triển nền kinh tế trong tình hình mới. Với việc thành lập Tổ hỗ trợ DN sau Covid-19, thành phố thường xuyên yêu cầu các sở, ngành báo cáo chi tiết về công tác hỗ trợ DN gặp khó khăn sau dịch. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố phải có giải pháp sâu sát theo từng tháng, từng quý. Trong đó nhấn mạnh, phải dự báo được với tình hình của DN trên từng lĩnh vực, số lượng lao động bị giảm, mất việc làm. Phải có giải pháp cụ thể tùy vào tình hình của mỗi địa phương, mỗi quận, huyện. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, cơ quan chức năng cần trực tiếp trao đổi với DN để thấy được những khó khăn của họ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. “Trong giai đoạn khó khăn này, nếu các đơn vị không đồng lòng thì DN khó vực dậy được. Hơn 90% số lượng DN của thành phố là DN vừa và nhỏ. Tác động của dịch bệnh đã khiến hàng chục nghìn DN phá sản cho nên đây là lúc phải hỗ trợ cao nhất cho DN để họ vượt qua khó khăn. Ðiều này đồng nghĩa là chúng ta phải có hành động cụ thể, chi tiết, không thể nói chung chung được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.