Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình giao thông

Chương trình Giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (UTGT và TNGT) giai đoạn 2016 - 2020 là một trong bảy chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế cần được thành phố, các ngành chức năng quyết tâm giải quyết trong thời gian tới để bộ mặt giao thông đô thị thay đổi toàn diện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động công trình nút giao thông An Sương góp phần xóa "điểm đen" tai nạn và ùn tắc giao thông.
TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động công trình nút giao thông An Sương góp phần xóa "điểm đen" tai nạn và ùn tắc giao thông.

Giải quyết cơ bản nạn ùn tắc

Sáng 19-9, nhìn những đoàn xe lăn bánh tại lễ khánh thành công trình nút giao thông An Sương, giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn sau gần bốn năm thi công, anh Nguyễn Văn Lanh, lái xe tải thường xuyên chạy qua quốc lộ 22 vui mừng chia sẻ: "Ngã tư An Sương luôn là nỗi lo lắng của những người lưu thông qua đây vì là khu vực thường xuyên kẹt xe, đi lại rất cực khổ mà cũng là "điểm đen" về tai nạn. Nay công trình đã thi công hoàn thành, việc lưu thông đi lại hết sức thuận tiện…". Trước khi công trình được thành phố đầu tư xây dựng, anh Lanh cũng như nhiều lái xe và người dân luôn tỏ ra ngán ngẩm khi lưu thông tại khu vực này, nhất là vào giờ cao điểm. Nay công trình có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng chính thức đưa vào sử dụng, không chỉ giải quyết tình trạng UTGT ở đoạn quốc lộ 22 giao với đường Trường Chinh thuộc khu vực cửa ngõ tây bắc thành phố mà còn giúp việc lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tây Ninh và ngược lại được thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông (CTGT) trọng điểm, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng UTGT như cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Ðông, hầm chui Mỹ Thủy, đường Phạm Văn Ðồng, đưa vào sử dụng công trình nút giao thông Ðại học Quốc gia. Ngoài ra, thành phố cũng đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu vượt giúp điều tiết giao thông, giải tỏa ách tắc ở các khu vực giao thông quan trọng như cầu Nhị Thiên Ðường 1, cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt, cầu vượt thép Ngã Sáu Gò Vấp, cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn… Tổng kinh phí huy động từ các nguồn để đầu tư cho 172 dự án, CTGT trọng điểm nhằm giảm UTGT và TNGT giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng 323.997 tỷ đồng, trong đó vốn từ nguồn ngân sách thành phố đầu tư là 46.573 tỷ đồng với 120 dự án.

Khép kín vành đai, kiểm soát xe cá nhân

Giám đốc Sở GTVT thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nhưng thành phố đã quyết tâm tập trung huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT). Ðến nay, thành phố đã làm mới, đưa vào sử dụng 338 km/272 km đường bộ (đạt 124%), xây mới 68/76 cây cầu (đạt 89,5%), tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị hiện đạt 9,97%/12,2%, mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,17 km/km2/2,2 km/km2. Cùng với giải pháp khai thác hiệu quả kết cấu HTGT hiện hữu và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành GTVT. Ðó là, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, là Trung tâm điều hành giao thông đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước, có chức năng phối hợp với các cơ quan kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bảo vệ CTGT đường bộ, kiểm soát tải trọng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn thành phố. Trung tâm hiện có 755 ca-mê-ra giám sát giao thông, qua đó kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhiều đơn vị liên quan để kịp thời xử lý và bảo đảm tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở GTVT thành phố thẳng thắn nhìn nhận: Những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các chính sách quản lý về xây dựng, đất đai đã gây trở ngại cho sự phát triển HTGT. Cụ thể, hiện nguồn vốn ngân sách thành phố phân bổ để đầu tư HTGT vẫn còn thấp (khoảng 35%) so với nhu cầu thực tế, nguồn vốn còn lại phải huy động các nguồn lực trong khi vốn đầu tư theo hình thức PPP cũng chỉ chiếm khoảng 8% so với nhu cầu. Một thực tế nan giải khác là thời gian qua nhiều công trình chậm triển khai, thậm chí "đắp chiếu" trong quá trình thi công vì ảnh hưởng từ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Ban điều hành dự án Ðường bộ 2, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố dẫn chứng: Công trình nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) khởi công vào giữa năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thi công xong giai đoạn 1, do đó chưa phát huy hết năng lực giải quyết UTGT khu vực Cảng Cát Lái, nguyên nhân vì vướng điều chỉnh kinh phí bồi thường cho hơn 200 hộ dân. Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm nóng về kẹt xe và là "điểm đen" về TNGT nhiều năm qua, cho nên người dân trông chờ thành phố sớm hoàn thành thi công. Một tồn tại nữa là việc phát triển đô thị còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh mà chưa được kiểm soát. Ngoài ra, một số dự án HTGT, nhất là các dự án thiết yếu trên địa bàn thành phố, dự án trọng điểm quốc gia và liên kết vùng, vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, chưa hoàn thành đầu tư theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành một số chỉ tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Chương trình giảm UTGT và TNGT là một trong bảy chương trình đột phá của Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tạo được sự thống nhất trong điều hành, tạo ra sự chuyển biến để kéo giảm UTGT và TNGT. Tuy nhiên, nhiều công trình, giải pháp chưa đạt hiệu quả do sự phối hợp thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt của một số sở, ngành cũng như hạn chế trong cơ chế chính sách, công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tiếp tục khắc phục những bất cập này, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư thực hiện các CTGT trọng điểm; ưu tiên nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3, các CTGT kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái... Bên cạnh đó, thành phố quyết tâm triển khai thực hiện các giải pháp trong Ðề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào vận hành hai tuyến đường sắt đô thị, một tuyến xe buýt nhanh BRT cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường sắt đô thị khác.