Tập trung chống ngập cho thành phố

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, công tác chống ngập của thành phố chỉ có thể giải quyết bước đầu việc xóa, giảm ngập cho khu vực trung tâm thành phố và một phần của năm khu vực ngoại vi. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng lún nền chưa được kiểm soát, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi chính quyền thành phố cần có tầm nhìn quy hoạch, chiến lược đầu tư cụ thể để chống ngập đô thị một cách tổng thể và căn cơ hơn trong thời gian tới.

Lắp đặt cửa van cống kiểm soát triều Cây Khô thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều, khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Lắp đặt cửa van cống kiểm soát triều Cây Khô thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều, khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.

Kết quả bước đầu…

Sau khi thành phố hoàn thành dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân), quận 7, nhiều hộ dân sống ở tuyến đường này phấn khởi vì tình trạng ngập lụt giảm nhiều so với thời điểm đầu năm 2019 trở về trước. Ðại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho biết: Công trình này mới hoàn thành xong giai đoạn 1, hiện đang thi công tiếp giai đoạn 2 (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh), huyện Nhà Bè. Ðể có thể đánh giá được hiệu quả chống ngập do triều của tuyến đường Huỳnh Tấn Phát thì còn phụ thuộc vào công trình chống ngập 10 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam hoàn thành đi vào vận hành cuối năm 2020. Ðây là một trong những dự án điển hình nhằm giải quyết tình trạng ngập do triều cường của thành phố nhưng phải mất nhiều năm liền mới cơ bản hoàn thành vì liên quan đến thủ tục đầu tư, nguồn vốn, kể cả công tác điều chỉnh quy hoạch cao độ và dự án chống ngập úng liên quan. Tương tự, một tuyến đường cũng được xem là "rốn" ngập của thành phố hàng chục năm qua làm người dân khổ sở mỗi khi lưu thông đi lại là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Giải quyết ngập tuyến đường này, thành phố đã đổ hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, từ giải pháp dùng máy bơm công suất lớn, cải tạo hệ thống thoát nước, đến nâng đường nhưng đến nay tình trạng ngập nặng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm… Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt tuyến đường cứ mưa là ngập như Cây Trâm (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Võ Văn Ngân (quận Thủ Ðức), Ung Văn Khiêm, Ðinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)… vì chưa được chống ngập một cách căn cơ.

Mục tiêu của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần lưu vực ngoại vi (bắc, tây, nam, một phần đông bắc, đông nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc 36 tuyến đường chính cần phải xóa ngập do mưa. Tuy nhiên, đến năm 2020 thành phố mới giải quyết xóa ngập do mưa đối với 25 trong số 36 tuyến đường trục chính (đạt tỷ lệ 69,44%). Ðối với ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xóa được toàn bộ chín tuyến đường trục chính, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Nhận định kết quả xóa ngập chưa đạt yêu cầu đề ra, Sở Xây dựng thành phố lý giải: Thực tế các dự án chống ngập được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết định 752/QÐ-TTg ngày 19-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 752) nên trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế vẫn xuất hiện ngập (đối với tuyến cống chính là lượng mưa 85,36 mm trong ba giờ, đỉnh triều +1,32 m). Ngoài ra, đối với một số tuyến đường khác như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí là những tuyến đường ngập nặng nhưng chưa thể xóa được vì hạ nguồn thoát nước là rạch Xuyên Tâm chưa được nâng cấp, cải tạo (đang chờ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố) dẫn đến tình trạng ngập chưa được giải quyết.

Xây dựng hồ điều tiết, quản lý chặt quy hoạch được duyệt

Từ năm 2010 đến nay, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, thành phố đã đầu tư bằng nguồn ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, không ít dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vừa góp phần chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh và thay thế hệ thống hạ tầng thoát nước cũ kỹ, cải thiện đáng kể tình trạng ngập nặng ở nhiều khu vực và các khu dân cư. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số dự án chống ngập quy mô lớn đã kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, chưa đáp ứng được sự mong mỏi và kỳ vọng của người dân. Nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của công tác chống ngập, lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cho rằng, các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh do đó, một số tuyến đường đã được đầu tư vừa qua vẫn còn xuất hiện ngập khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế. Ðối với công tác đầu tư hệ thống thoát nước mới, mặc dù đã bám sát vào quy hoạch chung của từng địa phương, nhưng việc triển khai chưa đồng bộ, có sự chênh lệch giữa hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và hạ tầng đầu tư mới (như cao độ mặt đường mới cao hơn nhà dân, tuyến đường nhánh, hẻm đấu nối với hệ thống cống cũ không bảo đảm tiết diện, cao độ cống mới cao hơn cao độ cống cũ…). Ngoài ra, quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, nên hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo, gây ra tình trạng ngập úng. Kết quả kêu gọi nguồn vốn bên cạnh nguồn ngân sách hạn hẹp còn khó khăn cho nên thành phố chưa có đủ nguồn lực để thực hiện đồng bộ các dự án…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố quyết tâm không để tái ngập tại các vị trí đã giải quyết trong phạm vi 550 km2, tập trung giải quyết chống ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng hơn 106 km2; đồng thời giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại. Trước mắt, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các hồ điều tiết trên cơ sở nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để xây dựng hồ điều tiết giảm ngập như, hồ điều tiết Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha, hồ điều tiết Gò Dưa (quận Thủ Ðức) 21 ha, hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4) 4,8 ha. Thành phố thực hiện xây mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía đông thành phố; nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước khu vực trung tâm thành phố về phía nam kết hợp chỉnh trang đô thị. Ðể nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2021- 2025, thành phố tập trung sớm hoàn thiện các đồ án quy hoạch thoát nước, chống ngập úng và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của thành phố, tổ chức chặt chẽ quy hoạch được duyệt…

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN