Tập trung các giải pháp phát triển công nghiệp

Các chuyên gia nhận định, các chỉ tiêu về kinh tế những tháng cuối năm của TP Hồ Chí Minh rất nặng nề, vì theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính chung bảy tháng năm 2019 của thành phố đạt 7,8%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đặt ra từ 8,3 đến 8,5%. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp, nhất là ở bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai, trong tháng 8 và tám tháng năm 2019, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ năm 2018, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 94.536 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng 7; tính chung tám tháng đầu năm 2019 ước đạt 747.323 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố cũng đạt kết quả khả quan, tám tháng năm 2019 đạt 27,2 tỷ USD, tăng 8,9%, nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt
25,6 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Về phát triển doanh nghiệp (DN) trong nước, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 641.768 tỷ đồng, chỉ bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ðối với phát triển DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các DN trong nước, thành phố thu hút được 4,19 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu ngân sách nhà nước tám tháng năm 2019 cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018 với 258.674 tỷ đồng, đạt 64,81% dự toán cả năm.

Tuy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố tính chung tám tháng năm 2019 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, các ngành công nghiệp trọng yếu có tín hiệu tăng trưởng chậm lại. Ðây được xem là thách thức rất lớn cho thành phố trong việc thúc đẩy sản xuất những tháng cuối năm. Trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, ngoài ngành điện tử tăng mạnh (tăng 24,2%), ba ngành còn lại là chế biến tinh lương thực, thực phẩm; hóa chất - cao-su - nhựa; cơ khí chế tạo có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm ước chỉ tăng 0,4%, trong khi cùng kỳ tăng 7,3%; ngành hóa chất - cao-su - nhựa không tăng, thậm chí còn giảm. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Ðông cho biết: "Yếu tố về thị trường cũng chịu tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Do đó, những DN sản xuất của thành phố cần có kế hoạch điều chỉnh sản lượng cho phù hợp. Ngoài ra, ngành chế biến lương thực, thực phẩm cũng bị tác động bởi bị dịch tả lợn châu Phi cho nên sản lượng chế biến giảm so với cùng kỳ năm 2018. Theo rà soát của ngành công thương, hàng tồn kho ngành lương thực, thực phẩm hiện nay còn khá lớn, kéo giảm tăng trưởng chung của ngành công nghiệp thành phố".

Thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp này theo hướng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ðồng thời, ngành công thương phối hợp các đơn vị liên quan làm việc với các DN, triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, Sở Công thương tiếp tục phối hợp Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP), Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019. Thông qua hội nghị này, ngành công thương hy vọng tạo điều kiện cho các DN sản xuất công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội tiếp cận các đối tác trong nước và nước ngoài, nâng cao năng lực cung ứng, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, thành phố được đánh giá là thành phố năng động nhưng các ngành công nghiệp lại phát triển chưa tương xứng tiềm năng, chưa có sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu thành phố, kể cả bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh chiếm 10% trong tổng GRDP và hơn 50% giá trị trong toàn ngành công nghiệp. Trong đó, ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm chiếm 2,97%; cơ khí chế tạo chiếm 2,54%; hóa chất - cao su - nhựa chiếm 2,33%; điện tử chiếm 2,17%, nhưng thành phố cũng chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù riêng cho bốn ngành này. Ðể ngành công nghiệp phát triển bền vững, thành phố cần có những chính sách thúc đẩy cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh. Ðồng thời cần hỗ trợ bằng những giải pháp thiết thực cho các DN đầu tư nâng cao khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhất là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động.