Tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải

Nghị định số 10/2020/NÐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định số 86/2014/NÐ-CP) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, có hiệu lực kể từ ngày 1-4 được kỳ vọng sẽ siết chặt quản lý về vận tải, xe hợp đồng, nhất là đối với hoạt động của các hãng xe công nghệ nhằm mang lại sự kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh…

Rất nhiều hãng xe công nghệ đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Rất nhiều hãng xe công nghệ đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 86/2014/NÐ-CP, quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, việc thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đối với xe ô-tô dưới chín chỗ tại 5 tỉnh, thành phố (trong đó có TP Hồ Chí Minh) đã chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội của việc ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải, được người dân ủng hộ. Kết quả thí điểm đã khẳng định sự cần thiết cũng như tạo điều kiện để xây dựng một khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý. Vì vậy, Nghị định số 10/2020/NÐ-CP (NÐ số 10) được ban hành yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp đơn vị mình để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Theo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 30 nghìn xe ô-tô tham gia các ứng dụng gọi xe công nghệ, được xem là thị trường hoạt động xe công nghệ lớn nhất cả nước. Thị phần xe chiếm phần nhiều vẫn là Grab, Be, Fast-go… Do đó, NÐ số 10 ra đời đã tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết vừa nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng phương tiện ngày càng cao của khách hàng, vừa giúp chống thất thu thuế cho Nhà nước và tạo sự công bằng giữa đơn vị kinh doanh vận tải ta-xi và loại hình kinh doanh xe công nghệ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, Hồ Huy chia sẻ: Cùng với việc Bộ GTVT dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và NÐ số 10 có hiệu lực đã tạo sự công bằng cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Cụ thể, ai kinh doanh ngành nghề gì thì phải đăng ký ngành nghề đó bởi loại hình ta-xi công nghệ, hợp đồng điện tử suy cho cùng cũng là kinh doanh vận tải. Theo ông Huy, thực tế trong bốn năm qua cho thấy, hoạt động của xe công nghệ gây ra sự bất lợi cho cả cơ quan nhà nước, cho đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề và kể cả xâm hại quyền lợi của khách hàng (vì thiếu sự quản lý danh tính và tư cách đạo đức của tài xế). Do đó, NÐ số 10 ban hành sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN kinh doanh vận tải ta-xi và DN kinh doanh xe công nghệ, bảo đảm công tác quản lý minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam, Nguyễn Văn Huyện nhận xét: Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp đơn vị mình để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, các DN có quyền quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, bảo đảm nghĩa vụ thuế. Theo đánh giá của một số chuyên gia, với loại hình xe công nghệ, NÐ số 10 tạo khung pháp lý để bảo đảm có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước; đã có sự phân biệt khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ. Theo đó, DN nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước… thì được gọi là DN vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn nêu trên thì được xem là DN cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

Rõ ràng trên cơ sở những quy định đã ban hành, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải. Nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1, Ðiều 35 của NÐ số 10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ: Công thương, Công an và GTVT quản lý, hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định.

Theo quy định tại NÐ số 10, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới chín chỗ được xác định là ta-xi. Những xe này phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe; phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Ðối với đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe sẽ không được quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này.