Tạo sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè

Trẻ em rất cần những sân chơi bổ ích, lành mạnh, nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên, sân chơi dành cho thanh, thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh hiện nay còn khoảng cách khá lớn giữa "cung" và "cầu".

Hoạt động thể thao tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố.
Hoạt động thể thao tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố.

Cũng như nhiều phụ huynh khác tại trung tâm thành phố, chị Bảo Châu ngụ phường 3, quận 3 chọn Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố là địa điểm gửi hai con của mình theo học và tham gia sinh hoạt trong dịp hè này. “Mỗi dịp hè, tôi đều đăng ký cho các con theo học lớp vẽ, kỹ năng và thể thao do Nhà Văn hóa Thiếu nhi tổ chức để các bé có thể học tập, vui chơi trong dịp hè. Các hoạt động vui chơi lành mạnh, thiết thực giúp các bé có cơ hội phát triển toàn diện, tăng cường sức khỏe, học hỏi những kiến thức, kỹ năng ngoài sách vở, hoàn thiện nhân cách”, chị Bảo Châu nói. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thanh, thiếu nhi, nhất là con em của công nhân ở các vùng ven thành phố vẫn đang thiếu những sân chơi cộng đồng lành mạnh. Các trung tâm vui chơi giải trí, sinh hoạt hè chủ yếu tập trung tại nội ô, trong khi các nhà văn hóa thiếu nhi quận, huyện ở vùng ven lại thiếu chương trình sinh hoạt hè hấp dẫn và phù hợp từng đối tượng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Em - công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần cho biết: “Dịp hè, tôi phải gửi cháu cho một người giữ trẻ cùng dãy trọ để đi làm. Nhiều hoạt động hè được tổ chức cho các cháu, nhưng không đa dạng, ít sân chơi bổ ích và lành mạnh để cháu có thể tham gia”. Cũng theo chị Em, thu nhập từ tiền lương của công nhân không cao, việc cho các cháu theo học các khóa hè cũng nằm ngoài khả năng của chị, cho nên chị buộc phải gửi con cho người giữ trẻ với chi phí thấp hơn, dù trong lòng không yên tâm.

Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố đã có kế hoạch tổ chức các chương trình sinh hoạt, mở nhiều lớp năng khiếu với các khung giờ cho nhiều đối tượng. Trong đó, các lớp học kỹ năng sống được phụ huynh đặc biệt quan tâm. Bé Ngô Gia Phúc, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Thị Huyền (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Em rất thích môn bóng rổ nên đăng ký ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố. Đây là môn thể thao giúp em rèn luyện sức khỏe và có thêm nhiều bạn mới. Tuy nhiên, việc đi lại rất mất thời gian do nhà em ở khá xa Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố và đường thường bị kẹt xe. Em rất mong muốn Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Gò Vấp cũng mở những lớp kỹ năng sống để chúng em tham gia". Theo Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố vẫn là nơi thu hút nhiều thanh, thiếu nhi dịp hè với nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao sức khỏe và tinh thần. Năm nay, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố mở 23 khóa học hè với nhiều lớp học thể thao, văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh những hoạt động thường kỳ, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố tổ chức thêm khóa học cải lương, đưa các em đến gần với môn nghệ thuật truyền thống này.

Thành đoàn ban hành kế hoạch tổ chức sinh hoạt hè năm 2018 như: mở cửa các trường tiểu học và THCS cho thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè; tổ chức đưa thiếu nhi tham quan các địa chỉ đỏ, bảo tàng… Đồng thời, tổ chức diễn đàn, chương trình “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”, “Điều em muốn nói” tại các quận, huyện và các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố còn tổ chức các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho thiếu nhi; tổ chức sinh hoạt hè cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, con em công nhân, thiếu nhi trên địa bàn, nhất là các quận, huyện vùng ven. Chị Nguyễn Ngọc Nhung, Phó trưởng Ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố cho biết: “Thành đoàn đã phối hợp UBND các quận, huyện bố trí ngân sách tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu, ngoại ngữ, sân chơi thể thao... trên khắp thành phố. Để tham gia các lớp này, ngoài kinh phí hỗ trợ của Thành đoàn và các quận, huyện, phụ huynh chỉ đóng kinh phí sinh hoạt cho cả dịp hè từ 40 đến 47 nghìn đồng/em”.

Những nụ cười trẻ thơ sẽ dần “hiếm” nếu thiếu đi những sân chơi bổ ích, lành mạnh. Do đó, tạo sân chơi thiết thực cho thanh, thiếu nhi là tiền đề quan trọng để các em rèn luyện kỹ năng, nhân cách sống, phát huy năng khiếu, khám phá bản thân, phát triển toàn diện, đồng thời tránh sa đà vào các trò chơi vô bổ, có hại.