Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Những kết quả ban đầu của Vườn ươm doanh nghiệp (Vườn ươm) thuộc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để vườn ươm trở thành không gian khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ.

Nhân viên Công ty Nông nghiệp số AgriConnect thiết kế hệ thống điều khiển tự động cho mô hình trồng nấm.
Nhân viên Công ty Nông nghiệp số AgriConnect thiết kế hệ thống điều khiển tự động cho mô hình trồng nấm.

Mô hình trồng nấm hướng đến giải pháp điều khiển tự động toàn diện giúp nấm phát triển, đạt năng suất cao, đều đặn cho cả mùa vụ đang được thương mại hóa là dự án khởi nghiệp của Công ty Nông nghiệp số AgriConnect. "Vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới còn có thể cao hơn. Nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp thích hợp và hiệu quả, phù hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra hiện nay. Ðồng thời, là một giải pháp thay thế cho nông nghiệp truyền thống, đây là một xu hướng tất yếu", Giám đốc Công ty Nông nghiệp số AgriConnect Phạm Văn Bình nhận định, và cho biết thêm, hiện dự án đã được triển khai, áp dụng cho các hộ nông dân trồng nấm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Công ty Nông nghiệp số AgriConnect là một trong 38 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động khởi nghiệp tại Vườn ươm Khu Công nghệ cao (CNC). Tính đến nay, Vườn ươm đã tốt nghiệp (ươm tạo) 22 dự án. Trong đó, đã hỗ trợ cho hai dự án đăng ký hồ sơ xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, một dự án tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm Vietshrimp 2018 và hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn ươm tạo cho tám dự án khác. Theo Giám đốc Vườn ươm Lê Thành Nguyên để được chứng nhận tốt nghiệp, các DN phải chứng minh năng lực của mình bằng những sản phẩm hữu ích, phục vụ thị trường trong nước và cả việc nhắm đến mục tiêu xuất khẩu. Thời gian qua, để đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp, Vườn ươm đã hỗ trợ các DN ươm tạo tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm, kết nối nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng cho các dự án ươm tạo, tham gia chương trình thương mại hóa và đổi mới sáng tạo. Ðồng thời, hỗ trợ tư vấn đào tạo các kỹ năng và xây dựng hồ sơ đăng ký DN khoa học - công nghệ cho năm dự án. Cùng với đó, Vườn ươm có kế hoạch theo dõi sát sao các dự án ươm tạo, gặp gỡ DN để nắm rõ những khó khăn, nhu cầu hỗ trợ của từng dự án, từ đó triển khai các gói hỗ trợ phù hợp.

TS Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu CNC nói: "Ðến nay, hoạt động của Vườn ươm đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới với những đầu tư mới. Trong số dự án khởi nghiệp, đã có một số công ty phát triển sản phẩm của mình ra nước ngoài…".

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng DN. Tuy nhiên, môi trường và các điều kiện cho khởi nghiệp… giúp bảo đảm tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Phần lớn DN khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng thành hiện thực, nhất là khó khăn về vốn, chính sách hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm. Ông Phạm Văn Bình cho rằng: Từ khi hoạt động đến nay, chủ yếu là do công ty tự "bơi", do đó công ty rất cần những hỗ trợ về quảng bá sản phẩm khởi nghiệp; kết nối với các đơn vị... Tôi hy vọng trong thời gian tới, sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Vườn ươm, từ các ban, ngành để DN khởi nghiệp được thuận lợi hơn". Giám đốc Khu CNC Lê Hoài Quốc chia sẻ: "Trong năm 2019, chúng tôi sẽ mở rộng cơ sở vật chất của Vườn ươm để các DN khởi nghiệp có điều kiện hoạt động nhiều hơn. Về chính sách thì có nhưng chưa đủ, cái thiếu của mình là thiếu những thiết chế để kết nối giữa các nhà khoa học với DN. Chính vấn đề này đã tạo ra những khó khăn để thương mại hóa sản phẩm. Hiện nay, quá trình khởi nghiệp xuất phát từ ý tưởng ban đầu, còn quá trình để ý tưởng biến thành sản phẩm còn thiếu sự hỗ trợ để giúp các ý tưởng đó đi đến hiện thực".

Theo các chuyên gia, để DN khởi nghiệp thành công, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy nhanh hơn, thực chất và cụ thể hơn các chương trình hỗ trợ để cộng đồng khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, chính sách, kịp thời triển khai những ý tưởng của mình trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, giúp DN bằng những hành động cụ thể, không chỉ là về vốn, về thị trường mà cần tạo một cơ chế chuỗi sinh thái khởi nghiệp linh hoạt.