Tạo đột phá cho bốn ngành công nghiệp trọng điểm

Ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Sự chuyển dịch các lĩnh vực công nghiệp trong nội bộ ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (CNTY): chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao-su, điện tử và cơ khí chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát triển của bốn ngành CNTY chưa đạt như kỳ vọng đề ra.

Công nhân Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân (quận Tân Bình) kiểm tra sản phẩm mới hoàn thành.
Công nhân Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân (quận Tân Bình) kiểm tra sản phẩm mới hoàn thành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, hai tháng đầu năm 2019, bốn ngành CNTY tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tốc độ tăng trưởng ước tăng 6,46% so cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng chung toàn ngành công nghiệp 0,25%, trong đó ngành điện tử tăng 28,92% so cùng kỳ năm 2018.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng: Ngành điện tử của thành phố có mức tăng trưởng cao là nhờ được đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học - kỹ thuật cao từ dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử… Chương trình phát triển vi mạch của thành phố đã thu hút các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố như: Intel, Samsung, Nidec, Microchip… bước đầu tạo nên những nét chính của hệ sinh thái vi mạch, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư. Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ đã khiến các sản phẩm ngành điện tử thành phố có sự thay đổi tương ứng, sản phẩm ngày càng tinh tế, nhỏ gọn, giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp (DN) FDI thuộc lĩnh vực này thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử…) có thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo số liệu Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh công bố năm 2018 cho thấy, số lượng cơ sở thuộc bốn ngành CNTY toàn thành phố là 21.805 cơ sở, tăng 21,36% so với năm 2011, tương ứng tăng 3.838 cơ sở. Tính bình quân số cơ sở thuộc bốn ngành CNTY trong giai đoạn 2012 - 2017, mỗi năm tăng 3,95%. Đối với nhóm hóa chất - nhựa - cao-su, hiện có hơn 4.940 cơ sở, tăng 29,35% so với năm 2012, tương ứng 1.122 cơ sở, mỗi năm 5,28%. Số lượng các cơ sở của nhóm này tăng cao so với năm 2012 chủ yếu là do các cơ sở thuộc ngành công nghiệp sản xuất hóa chất và ngành sản xuất các sản phẩm từ cao-su, plastic tăng cao với tốc độ lần lượt ở mức 52,91% (tương ứng 455 cơ sở) và 23,71% (tương ứng với 633 cơ sở).

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo nhận định của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, bốn ngành CNTY của thành phố vẫn gặp nhiều hạn chế: các linh kiện, thiết bị, sản phẩm quan trọng hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm chất lượng cao phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, do vậy, mặc dù doanh thu bình quân hằng năm của từng ngành có tăng cao hơn, nhưng thực tế giá trị gia tăng mang lại không đáng kể. Ngoài ra, năng suất lao động thấp so với khu vực, chủ yếu là gia công, trình độ khoa học ở mức thấp, tay nghề lao động chưa cao và sự sáng tạo trong lao động còn hạn chế… Qua đó, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố và các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách ưu tiên phát triển cho bốn ngành này, trong đó, ưu tiên cho các DN có quy mô lớn, ứng dụng trình độ kỹ thuật tiên tiến, có khả năng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, thi công và dẫn dắt, hỗ trợ các DN cùng ngành và các DN hỗ trợ khác cùng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Đồng thời, tổ chức kết nối giữa các DN với các trường đại học trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động của các DN…

Nói về hạn chế lớn nhất của bốn ngành CNTY, GS,TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính, Trường đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay: Có hai trong bốn ngành CNTY nhập khẩu cao dẫn đến nhập siêu cao làm hạn chế tăng trưởng đó là công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm và ngành hóa chất - cao-su - nhựa. Bên cạnh đó, nhiều DN của các ngành CNTY có chi phí trung gian cao cho nên kéo theo mức tăng trưởng của cả bốn ngành thấp. Để giải quyết những điểm yếu nói trên, GS,TS Nguyễn Thị Cành cho rằng: TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển các ngành CNTY theo chiều sâu, tức là cần đầu tư công nghệ cao vào các ngành này bằng cách huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài; cải tiến môi trường đầu tư tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm nói riêng và các ngành trọng yếu nói chung. Thành phố cần thúc đẩy các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ phát triển các ngành CNTY theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, muốn bốn ngành CNTY phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là thành phố phải có chính sách đột phá đầu tư về khoa học - công nghệ và ưu đãi DN trong đầu tư đổi mới và khoa học công nghệ, trước mắt là phục vụ các ngành trọng yếu, khuyến khích thu hút những dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Đồng thời, có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương gắn với nhu cầu của xã hội, nhất là yêu cầu đổi mới công nghệ của các ngành CNTY phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu phát triển.